| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô lan tỏa

Thứ Sáu 17/02/2017 , 07:01 (GMT+7)

Sáng 16/2, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về tình hình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đồng chủ trì hội nghị.

17-40-27_ton-cnh-hoi-nghi
Toàn cảnh hội nghị
 

Hà Nội đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
 

Cần đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp công nghệ cao

Sau 4 năm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp TP Hà Nội đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với diện tích đạt 28.952ha gồm rau, lúa, cây cảnh, hoa quả. Toàn TP phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm. TP có 255 xã đạt chuẩn NTM vượt 25,6% so với mục tiêu đề ra. Hiện có 2 huyện (Đan Phượng và Đông Anh) đã được công nhận huyện NTM.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH - ĐT Hà Nội cho rằng, để nông nghiệp Hà Nội vươn lên tầm cao (an toàn, chất lượng) thì cần phải có sự đầu tư thỏa đáng cho các khu nông nghiệp công nghệ cao như cách làm của Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…

Theo ông Tứ, hiện Hà Nội đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, HTXNN có quy mô lớn nhưng thiếu bóng dáng khu nông nghiệp công nghệ cao. Theo quy định việc quy hoạch khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền phê duyệt của Trung ương. Do đó ông Tứ kiến nghị Bộ NN-PTNT giúp đỡ TP để có nền tảng pháp lý thực hiện. Vì có cái này thì việc thu hồi đất mới thuận. Ngoài Đông Anh, Hà Nội muốn có thêm các khu vực khác sớm được phê duyệt quy hoạch như Yên Nghĩa…

Cũng theo ông Tứ, hiện Hà Nội có một doanh nghiệp muốn đầu tư chợ đầu mối làm trung tâm để phân khúc thị trường nông sản. Tuy nhiên bị vướng mắc về thủ tục hành chính như đất đai, quy hoạch...

Nghe đến chỗ này, Bộ trưởng hỏi, đất chỗ đó như thế nào? Đáp, đất nông nghiệp. Hỏi, cần bao nhiêu ha? Đáp, khoảng 300ha.

Phát biểu sau đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị Bộ trưởng đặc biệt quan tâm chỗ này vì chủ trương xây dựng chợ đầu mối có quy mô như dự án này được Thành ủy và UBND TP thống nhất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh và cho rằng, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thủ tục cần được tháo gỡ, TP cứ kiến nghị cụ thể để Bộ có hướng xử lý ngay. Cái này không chần chừ.
 

Xây dựng nông nghiệp Thủ đô lan tỏa

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao về những kết quả bước đầu tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM của TP Hà Nội. Theo Bộ trưởng, Hà Nội có đặc thù vừa phát triển đô thị xứng tầm của một Thủ đô, vừa nặng vai với quy mô diện tích, hành chính, dân số SXNN khá lớn.

17-40-27_bo-truong-nguyen-xun-cuong
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

 

“Tôi đề nghị Hà Nội xác định một nền nông nghiệp Thủ đô dẫn dắt, dẫn đầu và lan tỏa”, Bộ trưởng gợi ý và cho rằng Hà Nội cần tận dụng cho được địa chính trị, địa kinh tế, địa sinh học, địa lý, hệ thống giao thông thuận lơi, thị trường phân khúc… để thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô bứt phá.

Bộ trưởng cho rằng Hà Nội cần khai thác cho được 16 ngàn ha cây ăn quả; khai thác thế mạnh ở cả 3 tiểu vùng. Chẳng hạn ở vùng đồi, nếu tập trung cây ăn quả, trọng điểm cây có múi thì tái cơ cấu sẽ thành công ngay tại trang trại, ngay ở ruộng. Chúng ta có rất nhiều gen quý. Bưởi Phúc Thọ, bưởi đường Hoài Đức, bưởi đỏ. Có một gia đình trồng giống bưởi đỏ 4.400 m2, 6 năm nay mỗi năm doanh thu 1,2 đến 1,4 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề đê điều, sông ngòi của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài đều khẳng định rằng, không có chuyện hạ thấp cao trình đê sông Hồng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nói rõ như thế.

Về phát triển SXNN của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, Hà Nội có đủ dư địa để phát triển, tạo ra sản phẩm xuất khẩu như rau, củ, quả. Hiện cây ăn quả của Hà Nội đã thu được 450 triệu/ha nên đề nghị TP quan tâm phát triển cây có múi, nhãn, chuối… Muốn vậy Hà Nội phải đầu tư mạnh KHCN.

Hà Nội cần sớm hình thành vành đai ven đô với một nền nông nghiệp đô thị thực thụ. Xây dựng các sản phẩm dịch vụ để nông nghiệp hút khách du lịch vào tham quan, mua sắm để tăng giá trị thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có một giải pháp rất quan trọng đó là chế biến lưu thông thương mại góp phần quyết định không chỉ cho sản xuất mà còn cả kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Bộ trưởng lưu ý Hà Nội dành sự quan tâm đích đáng đến nước sạch khu vực nông thôn vì hiện nay tỷ lệ người dân nông thôn ở Hà Nội sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn mới đạt 38%. Bộ trưởng gợi ý Hà Nội cần thực hiện xã hội hóa, không nên bó buộc mình.

Bộ trưởng lo ngại về xử lý rác thải trong nông thôn. Ông đề nghị TP Hà Nội về Hải Hậu (Nam Định) nghiên cứu. Tại Hải Hậu 100 xã có 100 khu đốt rác thải được Bộ KHCN đánh giá cao. Trả lời Bộ trưởng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói sẽ có nghiên cứu, nếu thấy phù hợp với Hà Nội thì cho triển khai ngay.

Về VSATTP, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm sao để các cấp ủy, chính quyền ở dưới hiểu rằng, tiêu chuẩn và điều kiện đòi hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Hà Nội phải cao hơn; nghĩa là các tiêu chí đặt ra cũng phải cao hơn.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP tiếp thu ý kiến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải.

Theo Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, SXNN của Thủ đô có những đặc thù riêng. Thời gian tới, TP sẽ tận dụng các điều kiện thuận lợi, phát huy các yếu tố tự nhiên, địa chính trị, kinh tế, lợi thế địa phương để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

17-40-27_bi-thu-hong-trung-hi
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, nông nghiệp Hà Nội không vươn ra được thị trường xuất khẩu là thất bại

 

Một trong những mũi nhọn mà Chủ tịch TP Hà Nội nhắc đến là chú trọng đến trồng hoa, cây cảnh. Ông nói, một cây bưởi có vài chục quả, nếu đơn thuần bán một quả chỉ được 20 – 50 ngàn nhưng cũng cây bưởi đó biết chăm sóc một cách kỹ lưỡng, tham gia ở các lễ hội hoặc dịp lễ Tết nó trở thành một cây cảnh có thể bán được hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra sẽ tập trung cao độ cho các loại cây củ, quả, nhất là cây có múi và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và cùng với Bộ thực hiện có hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ NN-PTNT và cá nhân đồng chí Bộ trưởng để nông nghiệp Hà Nội bứt phá có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ra thế giới.

Nông nghiệp Hà Nội sẽ thất bại nếu không xuất khẩu

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, nếu nông nghiệp Hà Nội không vươn ra được thị trường xuất khẩu là thất bại.

Ông nói, đơn giản như rau muống Thái Lan đang cạnh tranh với rau muống Thanh Trì. Do đó, nếu không có quy hoạch bài bản, tập trung cao độ cho nền nông nghiệp Thủ đô thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Thủ đô. Ông nói, trong nội đô thì khí thải, chất thải quá lớn; lượng ô tô, xe máy năm nào cũng tăng lên. Có 5 con sông lớn chảy qua Thủ đô thì nhiều con sông bị ô nhiễm nặng. Nhiều vùng nông thôn ô nhiễm đến báo động, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh còn thấp.

Ông Hải đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì việc cải tạo các dòng sông. Theo ông Hải, cả nước có 12 con sông lớn, nếu mỗi địa phương một cách làm thì cuối cùng Bộ cũng sẽ phải làm lại như hiện trạng ở một số nơi đã diễn ra. Do đó, chúng ta xác định sự trong sạch, sống còn của dòng sông chính là mạch nguồn cho sự sống của con người.

Đối với Thủ đô, các dòng sông đó không đơn thuần là những dòng chảy chở nặng phù sa tạo nên những bãi bồi, vựa lúa, hoa màu mà còn là sự điều hòa không khí, cảnh quan môi trường. Cái này phải triển khai quyết liệt chứ không thể nói rồi để đó.

Cuối cùng, Bí thư Hoàng Trung Hải đặt ra một câu hỏi đề nghị lãnh đạo TP và các địa phương xem xét nhằm đẩy mạnh các giải pháp tích cực hơn nữa để mang đến sự giàu có thực thụ cho nông dân Thủ đô.

Ông nói, báo cáo của UBND TP cho rằng, thu nhập của nông dân đã đạt 233 triệu/ha và mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt 39 triệu đồng/người/năm liệu như thế nông dân đã giàu chưa? Ông Hải thì cho rằng nông dân vẫn chưa giàu.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.