Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho rằng, trong thời gian tới không chỉ là tái cơ cấu nông nghiệp nữa mà là tái cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tầm cao hơn. Trong đó, nông nghiệp chỉ là một phần của kinh tế nông thôn và quy mô sẽ là từng vùng chứ không chỉ là từng địa phương.
Thưa ông, nhìn lại 5 năm qua thấy nông nghiệp gặp quá nhiều sóng gió, khó khăn chồng lên nhau, có lẽ đây là giai đoạn nhiều thiên tai, trở ngại nhất trong nhiều năm trở lại đây?
Đó là một nhiệm kỳ đầy khó khăn của ngành Nông nghiệp. Trước hết là các loại dịch bệnh, từ cúm gia cầm cho đến dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi khó khăn đến mức, có lúc, Chính phủ đã phải can thiệp để đảm bảo giá mua thịt lợn.
Thứ hai là thiên tai, lũ quét liên tiếp ở nhiều nơi, bão lụt lớn chưa từng có ở miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2020 nặng nề nhất trong hàng chục năm.
Thứ ba là dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, không chỉ gây ảnh hưởng trong nước mà còn ở phạm vi toàn thế giới. Tiếp theo là thách thức đến từ sự thay đổi của thị trường quốc tế, những yêu cầu, đòi hỏi rất cao trong bối cảnh hội nhập. Không chỉ thị trường quốc tế mà ngay từ thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng cũng đã thay đổi rất lớn. Cơ cấu tiêu dùng quá biến động và đến bây giờ chúng ta vẫn chưa đánh giá hết được.
Những khó khăn tồn tại từ những nhiệm kỳ trước, ví dụ như yêu cầu chế biến, bảo quản hay minh bạch thị trường, một thị trường không minh bạch thì những người làm thật sẽ thua người làm giả, sẽ tạo ra thách thức rất lớn với nhu cầu làm ăn chính đáng.
Trong xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi từ thành tựu của 5 năm trước thì vấn đề đặt ra đầu nhiệm kỳ vừa qua là công nợ, là câu hỏi sau nông thôn mới sẽ là gì, là những yêu cầu của quá trình tái thiết lại nông thôn. Đó là những khó khăn cả mới lẫn cũ mà đến đầu nhiệm kỳ vừa qua vẫn chưa giải quyết được.
Đối với người nông dân ở nông thôn, họ không phải là những người nông dân cách đây 10 năm nữa. Cơ cấu lao động ở nông thôn bây giờ đã khác, cùng với sự phát triển của xã hội, tri thức của người dân ở nông thôn đã tăng lên, do đó, nhu cầu của họ hiện nay cũng lớn hơn rất nhiều, khác hẳn so với trước đây, không chỉ có nhu cầu về ăn mặc mà còn là đời sống tinh thần.
Rất nhiều thách thức lớn, thiên tai, dịch bệnh, thị trường… đã được ngành Nông nghiệp giải quyết như thế nào, qua quan sát của ông?
Tôi cho rằng, ngay từ đầu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thấy được những khó khăn phải đối đầu. Một số vấn đề được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ đã thực hiện được vào cuối nhiệm kỳ, ví dụ như tổ chức theo chuỗi sản phẩm.
Muốn nông nghiệp phát triển, không có con đường nào khác ngoài tổ chức sản xuất chuỗi, thay đổi sẽ đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất là gắn được sản xuất với chế biến, tiêu dùng. Ngoài ra, sản xuất theo chuỗi còn khắc phục được sản xuất manh mún. Trước đây, chúng ta đã tổ chức được mô hình “cánh đồng mẫu lớn” nhưng chưa được mạnh mẽ, đồng bộ như hiện nay.
Khi tổ chức sản xuất theo chuỗi, thì doanh nghiệp chính là động lực chính, điều này đã được khẳng định trong 5 năm vừa qua. Doanh nghiệp chính là đơn vị cầm cái, liên kết với các hợp tác xã, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hộ nông dân…
Bên cạnh đó, chưa có nhiệm kỳ nào phát động được phong trào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mạnh mẽ như nhiệm kỳ vừa rồi, trọn vẹn từ đầu vào cho đến đầu ra. Đây là nhu cầu tất yếu, không chỉ với thị trường quốc tế mà ngay cả với người tiêu dùng trong nước.
Chúng ta có thể thấy ví dụ, xuất khẩu tăng, nông phẩm tăng không chỉ thu về đồng USD mà cái lớn hơn là lấy lại lòng tin của người tiêu dùng thế giới và trong nước với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Thành tựu thứ ba là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã thực sự đi theo xu hướng nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao. Tôi rất mừng là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu rõ xu hướng này trong nghị quyết, đó là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu nông thôn và Chính phủ cũng xác định, nông nghiệp Việt Nam phải đi theo hướng hiện đại, sạch và hữu cơ. Có thể nói, 5 năm qua cụm từ nông nghiệp có trách nhiệm bắt đầu dậy lên.
Thêm một thành tựu nữa, đó là nhiều dịch bệnh như vậy nhưng chúng ta vẫn ứng phó kịp thời, đàn gia súc, gia cầm đều tăng và cơ bản kiểm soát được thị trường. Điều đó cho thấy vai trò quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT trong 5 năm qua được khắc họa rất rõ nét.
Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trong nhiệm kỳ qua cũng gắn liền được với phong trào xây dựng nông thôn mới, đi vào chiều sâu hơn so với 5 năm trước đó.
Đối với các doanh nghiệp, chưa bao giờ các đơn vị ngoài ngành lại lao vào đầu tư cho nông nghiệp nhiều như hiện nay. Với đà này, một số vấn đề có thể được giải quyết trong nhiệm kỳ tới, ví dụ như lĩnh vực chế biến, nhất là chế biến rau củ quả. Muốn có được điều đó, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, xã hội hóa vốn để đầu tư nông nghiệp theo trọng điểm của ngành, của nhà nước.
Ngoài ra, 5 năm qua, chúng ta đã hoàn thành vượt mức về mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi là những người tham gia từ đầu vào chương trình này và thực sự không ngờ có thể đạt được thành quả như ngày hôm nay. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã đạt được đỉnh cao trong quá trình xây dựng nông thôn mới, khắc phục được rất nhiều vấn đề của những buổi ban đầu.
Cụ thể là, công tác quy hoạch nông thôn đã được điều chỉnh, không theo kiểu chắp vá nữa. Ngoài đi sâu vào phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng được tăng cường rất nhiều. Ở các vùng nông thôn, không chỉ đường sá được nâng cấp mà hệ thống y tế, môi trường, trường học cũng phát triển theo. Phong trào được toàn xã hội hưởng ứng, chung sức xây dựng.
Tôi rất vui mừng với kỳ họp Quốc hội gần đây, các đại biểu đánh giá rất cao vai trò của nông nghiệp trong bối cảnh Covid-19, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là phần thưởng xứng đáng cho ngành Nông nghiệp.
Nông nghiệp không chỉ hoàn thành nhiệm vụ duy trì tăng trưởng kinh tế hay đảm bảo đời sống mà còn giải quyết được việc làm khi các khu đô thị, khu công nghiệp bị đình đốn. Khi đó, những lao động ở thành thị tràn về nông thôn và nông thôn đã chia sẻ công việc với họ. Chia sẻ ở đây không phải là nhường mà là tạo ra những việc làm mới, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Muốn có nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải tổ chức được sản xuất. Điều quan trọng hiện nay của tổ chức sản xuất là tạo ra các chuỗi để các thành phần có thể tham gia.
Tổ chức sản xuất theo yêu cầu thị trường vẫn bị coi là điểm yếu trong nông nghiệp, ông bình luận gì về điều này?
Chúng ta đã yếu kém trong nhiều năm, nhiều chục năm về vấn đề thị trường. Chúng ta chăm lo tổ chức sản xuất nhiều hơn chứ chưa chăm lo tổ chức thị trường, kể cả nông nghiệp hay công nghiệp. Mặc dù đất nước đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường hàng chục năm nhưng vẫn còn nhiều rào cản và ràng buộc.
Hiện nay, thế giới đã phát triển thương mại điện tử rất mạnh nhưng ở Việt Nam vẫn còn yếu kém. Việc kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang gặp phải nhiều vấn đề.
Có thể nói, chúng ta có thể dự báo được cầu mà chưa kiểm soát được cung. Như ở Israel, các hộ dân đều phải đăng ký trước khi tham gia sản xuất và mỗi khi có hộ rút lui lập tức vị trí sẽ được đấu giá, nhờ vậy họ luôn kiểm soát được nguồn cung, từ đó kiểm soát được thị trường.
Trong khi đó, Việt Nam đang gặp phải tình trạng nếu địa phương nào có sản phẩm tốt thì hàng loạt nơi khác sẽ ào ạt làm theo, dẫn đến rối loạn cung và điều này đã xảy ra trong nhiều năm.
Với góc độ minh bạch thị trường, đến nay thương hiệu các nông sản Việt Nam cũng chưa có nhiều. Nếu như xuất khẩu chúng ta phải theo quy định của thế giới thì ở thị trường trong nước thương hiệu đang rất mập mờ. Ngay từ ý thức của người sản xuất, cùng một sản phẩm nếu xuất khẩu thì đóng gói rất đẹp nhưng nếu bán trong nước thì lại tùy tiện.
Tất nhiên, vấn đề giá cũng quyết định một phần, nhưng nếu có cơ chế kiểm soát kỹ các sản phẩm cho đến từng cổng chợ thì hàng kém chất lượng sẽ không còn chỗ để lưu hành. Ngoài ra, việc quản lý các mặt hàng cấm nhập khẩu cùng cần được xem lại, siết chặt hơn để đảm bảo cho việc phát triển thị trường một cách lành mạnh.
Với các doanh nghiệp trong nước, có thể thấy việc xây dựng thương hiệu đang trong tình trạng yếu, kém. Chúng ta thường nhầm lẫn, hô hào xây dựng thương hiệu quốc gia, nhưng thực chất cái cần làm là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Muốn xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp thì cần có thương hiệu sản phẩm, rồi sau đó tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Để làm được điều đó, ngoài sự đầu tư của bản thân doanh nghiệp, cần có thêm sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
Quốc gia nào cũng cần có thương hiệu, nhưng để xây dựng được thì cần hướng vào hệ thống truyền thông, từ trung ương đến địa phương, không chỉ là báo chí mà còn cả trong các đoàn thể quần chúng thì mới góp sức để nâng tầm nông sản Việt Nam.
Để kiểm soát sản xuất, hệ thống pháp lý cho ngành nông nghiệp đến nay đã được hoàn thiện rất nhiều, thưa ông?
Nhiệm kỳ vừa qua, tạo ra hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ cho ngành nông nghiệp, ví dụ như lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi… Chưa có nhiệm kỳ nào mà Quốc hội thông qua nhiều luật cho nông nghiệp như vậy, việc sửa đổi luật, sửa đổi chính sách cũng được thực hiện hiệu quả.
Đi theo luật là các văn bản, nghị định, hướng dẫn tương đối kịp thời, không phải chờ đợi lâu nữa.
Ông nhìn nhận thế nào về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, những thách thức mới sẽ phải đối mặt?
Vấn đề đầu tiên là luật pháp, trong nhiệm kỳ trước là hoàn thiện và ban hành nhưng thời gian tới sẽ quyết định việc đi vào đời sống, do đó đây sẽ là khoảng thời gian thử thách. Chúng ta sẽ phải vừa triển khai, vừa hướng dẫn, vừa phát hiện được những điều bất hợp lý để thay đổi.
Bên cạnh đó là những khó khăn vẫn còn tồn tại như Covid-19, dịch bệnh trên vật nuôi, biến đổi khí hậu… Như vậy, nhiệm kỳ này sẽ có những bài toán mới phải giải.
Khó khăn thêm nữa là yêu cầu hàm lượng công nghệ cao trong nông nghiệp lớn hơn rất nhiều so với 5 năm qua, bởi vì xu thế phát triển của nông nghiệp ngày càng nhanh.
Ví dụ, trước đây chúng ta quan niệm nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống nhưng bây giờ giống là số một, cả thế giới đi theo giống với cả ngành công nghiệp sinh học như vậy thì Việt Nam có theo kịp không?
Hay như quản trị trong nông nghiệp bằng công nghệ 4.0, chúng ta sẽ làm kiểu gì khi số đông là nông hộ nhỏ và thiếu nghiêm trọng lao động trẻ? Ở nông thôn, phần lớn việc mua thuốc, mua giống, mua phân người dân phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý, họ chỉ gì mua nấy không biết sản phẩm chất lượng thế nào.
Một thực trạng nữa nông dân ở nông thôn bây giờ thuê rất nhiều, cần phải khắc phục tình trạng này bằng việc tạo ra các mối liên kết. Thay vì thuê, thì họ cùng làm với nhau, mỗi người đảm nhận một công đoạn được phân công trước, lợi nhuận chia nhau.
Làm sao đưa được các ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp một cách hiệu quả và nhanh nhất. Tôi chỉ mong muốn rằng, các nhà khoa học phải chia được lợi nhuận với nông dân, gắn lợi ích với đồng ruộng chứ không phải với các đề tài nghiên cứu.
Muốn làm được điều đó, phải tổ chức lại hệ thống nghiên cứu và cần đến sự vào cuộc của doanh nghiệp. Hiện rất nhiều doanh nghiệp có hội đồng khoa học, viện nghiên cứu và thực hiện các yêu cầu của công ty. Cần có thêm chính sách của nhà nước để kết nối được nhà khoa học với doanh nghiệp, tạo ra giá trị lớn trên đồng ruộng. Từ đó, cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp, nông dân đều được hưởng lợi.
Thêm một vấn đề nữa, là làm thế nào để đưa được công nghiệp về với nông thôn, nếu không thì dù có hạ tầng tốt nông thôn vẫn hoang vắng. Chúng ta phải bổ sung chính sách để làm sao thu hút được nhiều lao động về nông thôn, nhất là những lao động có thể sử dụng được cho nhiều việc làm.
Đối với chương trình OCOP, chúng ta cũng cần chuẩn lại vì các sản phẩm này không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có cả văn hóa của mỗi địa phương. Nếu tập trung phát triển được thì chúng ta có thể tăng thu nhập, giải quyết việc làm trong thời gian nhàn rỗi và giữ gìn được bản sắc văn hóa từng vùng.
Hiện nay, chúng ta phát động chương trình OCOP nhưng chưa được sâu và chưa phổ biến. Nhiều địa phương vẫn xem OCOP như sản phẩm phục vụ mục đích quảng bá chứ chưa phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ hay giữ gìn bản sắc văn hóa.
Có thể nói trong thời gian tới không chỉ là tái cơ cấu nông nghiệp nữa mà là tái cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nông nghiệp chỉ là một phần của kinh tế nông thôn và quy mô sẽ là từng vùng chứ không phải chỉ là từng địa phương. Cho nên, cần triển khai ngay tinh thần này, được nêu trong nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Bắt đầu từ các cơ quan nhà nước, Chính phủ, các bộ và sau đó là sự chủ động của các địa phương, xác định được kinh tế nông thôn của từng vùng sẽ như thế nào, trên cơ sở đó gắn với xây dựng nông thôn mới thế nào.
Nghĩa là theo ông cần bước chuyển xây dựng nông thôn mới ở tầm cao hơn?
Tôi cho rằng xây dựng nông thôn mới hiện nay khác với trước đây, phải trả lời được câu hỏi sau nông thôn mới sẽ là gì? Cần phải định vị rõ được điều này, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, đó là xây dựng nông thôn phồn thịnh và văn minh. Do đó, chúng ta cần xây dựng lại bộ tiêu chí cho giai đoạn mới và phải làm rất nhanh vì đời sống của người dân ở nông thôn đang thay đổi từng ngày.
Ông góp ý thế nào về phát triển hợp tác xã, lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với nông nghiệp nước ta?
Hợp tác xã cần được hoạt động theo nguyên lý các bên cùng có lợi, tự nguyện hợp tác với nhau và đưa được người giỏi lên đứng đầu. Tôi thấy địa phương nào có các HTX phát triển theo nguyên lý này đều đem lại hiệu quả cao, ví dụ như ở Sơn La.
Việc quản lý của HTX cũng phải thay đổi, làm sao để đưa được nhiều công nghệ vào ứng dụng, tăng cao hiệu quả sản xuất sau đó là định hướng được thị trường.
Đảng và Nhà nước đang kêu gọi phát triển kinh tế hợp tác và trong đó nhấn mạnh vai trò của HTX. Tuy nhiên, cần đưa HTX về đúng nghĩa, ứng dụng được công nghệ và các cơ quan có chức năng phải giúp đỡ họ về mặt thông tin, chính sách và cơ sở hạ tầng.
Có một điểm nghẽn lớn là vấn đề đất sản xuất, nhiều địa phương, doanh nghiệp kêu khó tích tụ đất đai. Có thể tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Chúng ta cần nhìn nhận cả 2 vấn đề, tập trung đất đai và tích tụ đất đai. Trong đó, tập trung đất đai, hợp tác sản xuất hoàn toàn do các địa phương chủ động về mặt tổ chức, không bị hạn chế, ràng buộc nhiều về luật.
Khi hợp tác sản xuất, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu về mặt bằng để làm các khu đối chứng, nhà máy chế biến hay văn phòng thì các địa phương nên có cơ chế ưu tiên nhất định. Tôi nghĩ đa số các địa phương có thể xử lý được vấn đề này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Dù vậy, trong quá trình tập trung đất đai giữa nông dân với doanh nghiệp, cần có một sự đảm bảo nhất định khi người dân dùng đất làm vốn. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp báo lỗ khiến người nông dân không có thu nhập dù góp đất sản xuất.
Nói như vậy, nhưng cũng cần nhìn nhận về sự cần thiết của sửa Luật Đất đai, dùng chính sách để ràng buộc, ngăn ngừa những nguy cơ từ xa. Ngoài ra, cần phải có thị trường đất nông nghiệp, từ đó giải tỏa được những vướng mắc hiện nay, thu hút được doanh nghiệp tham gia vào sản xuất.