| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới các xã biên giới: Tùy theo đặc trưng của mỗi địa phương

Thứ Tư 25/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án đầu tư, lồng ghép của Trung ương và của tỉnh đã về với miền tây Nghệ An.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một đề án phát triển riêng cho 27 xã biên giới của tỉnh Nghệ An. Đề án này được cán bộ và nhân dân các dân tộc ở 27 xã biên giới của tỉnh hết sức vui mừng với niềm hy vọng lớn, tạo bước đột phá trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng biên giới và trước mắt là góp phần xây dựng NTM ở các xã nói trên.

Về phía tỉnh Nghệ An nhận thấy việc xây dựng NTM cấp xã để đạt chuẩn 19 tiêu chí là quá khó đối với những xã miền núi cao, vùng sâu, vùng xa; do đặc thù địa lý, dân tộc, trình độ dân trí, đời sống vật chất… còn rất nhiều khó khăn, đó là một thực tế so với tất cả các vùng miền khác.

Vì vậy, năm 2016 Nghệ An đã ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp thôn, bản với 15 tiêu chí liên quan để chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã miền núi khó khăn nói trên. Sự ra đời của Bộ tiêu chí xây dựng NTM cấp thôn, bản đã dấy lên phong trào thi đua xây dựng NTM giữa các bản, làng với nhau trong cùng một xã và từ các bản, làng này về đích NTM sẽ góp phần để các xã hoàn thành về đích NTM.

Mục tiêu căn bản của đề án xây dựng NTM ở 27 xã vùng biên giới là việc ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế… Đồng thời phải sử dụng nguồn lực tài chính của Trung ương, của tỉnh, của huyện thông qua các chương trình, dự án đầu tư cho địa phương tập trung mạnh vào mục đích phát triển kinh tế, tạo mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững để nâng cao đời sống bà con nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tại huyện Quế Phong, có 4 xã biên giới, theo ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, với nguồn vốn đầu tư của nhà nước ưu tiên cho các xã vùng biên, huyện Quế Phong dành phần lớn ưu tiên phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân.

Cụ thể, huyện sẽ xác định tiềm năng lợi thế của từng xã để chỉ đạo phát triển tiềm năng đó, lợi thế đó. Ví dụ, ở xã Hạnh Dịch tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, trồng rừng và sản xuất lúa nước. Tại xã này có thác nước 7 tầng, có làng Thái Cổ, có làng dệt thổ cẩm lâu đời. Vì vậy, huyện sẽ chỉ đạo địa phương đầu tư công trình nước sạch cho bản Thái Cổ, làm đường giao thông tại các bản, xây dựng một số công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Tại huyện Kỳ Sơn theo ông La Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Khó khăn nhất đối với 11 xã biên giới hiện nay là đang còn 85/193 bản chưa có điện lưới quốc gia và hệ thống giao thông đi về các bản vừa xa xôi, vừa khó khăn, cách trở. Vì vậy, huyện sẽ cùng với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh tập trung mạnh đầu tư xây dựng điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi và hàng chục mô hình phát triển cây, con có lợi thế trên đất Kỳ Sơn.

Đó là, mở rộng và thâm canh lúa nước ở các hồ đập nhỏ ven khe suối; mở rộng diện tích trồng gừng, khoai sọ, chè tuyết san, cây dược liệu, nuôi gà đen, lợn đen, nuôi bò vỗ béo… Hy vọng sớm có điện, có đường đi lại tốt và tập trung phát triển mạnh những cây con vừa có lợi thế, vừa là cây con đặc sản có ngay trong vùng 11 xã này sẽ làm thay đổi cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần cho các xã vùng biên giới.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh quan tâm đặc biệt Đề án xây dựng NTM 27 xã biên giới, tỉnh đã bố trí được hơn 60 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng của Trung ương, nhưng phải thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh vào đầu trung tuần tháng 12 năm 2019 này sẽ thực hiện. Các địa phương lựa chọn công trình cần thiết nhất trình tỉnh phê duyệt sớm để triển khai khi được cấp vốn.

Tại huyện Con Cuông có 2 xã biên giới, đó là xã Môn Sơn và xã Châu Khê, cả 2 xã này phần lớn là người dân tộc Thái, riêng xã Môn Sơn có người dân tộc Đan Lai. Đời sống đồng bào các dân tộc ở 2 xã dựa vào trồng lúa nước nhờ vào hệ thống các hồ đập nhỏ chặn khe suối giữ nước lại.

Đặc biệt riêng ở xã Môn Sơn gần đây được tỉnh, huyện giúp đỡ đã khai thác và phát triển mạnh ngành nghề du lịch cộng đồng. Điểm du lịch cộng đồng ở bản Xiềng đang thu hút đông du khách đến đây.

Đặc biệt, địa phương được chuyên gia dự án JICA của Nhật Bản hướng dẫn thành lập tổ dịch vụ du lịch như tổ lưu trú, tổ ẩm thực, tổ văn nghệ, tổ sản xuất các sản phẩm đặc sản của địa phương và lựa chọn hộ làm dịch vụ home stay…

Việc xây dựng NTM ở các xã vùng biên giới thực sự rất khó khăn, phải có bước đi, cách làm thật cụ thể tùy theo đặc trưng của mỗi địa phương. Nhưng muốn hay không cũng phải ưu tiên đầu tư mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm y tế, các công trình giao thông (cầu, cống), thủy lợi và tập trung phát triển mạnh cây, con, ngành nghề có thế ở mỗi bản làng, cùng với việc đào tạo ngành nghề để góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống dân bản.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất