| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM để người dân hưởng thụ

Thứ Năm 01/12/2011 , 10:54 (GMT+7)

Đó là phát biểu của ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Sơn La...

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM tỉnh Sơn La

Đó là phát biểu của ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Sơn La, khi trả lời NNVN về mục tiêu tỉnh Sơn La xác định trong công cuộc xây dựng NTM.

Sau gần hai năm triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM, xin ông cho biết khối lượng công việc tỉnh Sơn La đã làm được tính đến thời điểm này?

Năm 2010, tỉnh Sơn La hoàn thành đánh giá thực trạng NTM ở 190 xã, 3.140 bản thuộc đối tượng chương trình và đã chọn được 11 xã trên 9 huyện để triển khai thí điểm. Từ năm 2011 trở đi, 188 xã nông thôn còn lại chính thức triển khai thực hiện. Năm 2011, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sơn La là công tác tuyên truyền, kiện toàn bộ máy và tổ chức quy hoạch. Tỉnh đã mở chuyên mục Xây dựng Nông thôn mới trên Báo Sơn La, phát hành 2 kỳ/tháng, Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh, huyện phát sóng mỗi tháng 1 kỳ. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng NTM được nhân rộng.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 526 học viên làm công tác xây dựng NTM, đạt trên 96%. Đồ án quy hoạch chung và đề án quy hoạch xây dựng NTM tại cấp xã đã hoàn thành được 70%, tương đương 133/188 xã. Tỉnh Sơn La cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, quản lý xây dựng NTM các cấp; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm 3 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; Phó ban Thường trực là hai đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối nông - lâm nghiệp và Giám đốc Sở NN-PTNT, các thành viên gồm 35 đồng chí đại diện các Sở, ban ngành đoàn thể.

Là địa phương nghèo, còn phụ thuộc rất lớn vào ngân sách của Trung ương, tỉnh Sơn La có cách làm hay nào trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM?

 Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phương châm của chúng tôi là phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, đồng thời đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân được thụ hưởng. Khi triển khai xây dựng NTM tiến hành lồng ghép các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn và huy động đóng góp công sức của nhân dân.

Qua quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi xác định việc đầu tiên là tuyên truyền vận động nhân dân để họ có cái nhìn, hiểu toàn diện về chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu xây dựng NTM thực sự vì nhân dân và sự phát triển của cộng đồng dân cư. Ví dụ, khi tiến hành làm đường giao thông cần tuyên truyền để sao bà con hiểu, muốn đường đi tốt thì bà con cần phải đóng góp và tự ý thức được đó là công việc của mình và cộng đồng chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

 Tiếp theo, chúng tôi chọn mỗi huyện một xã làm điểm, làm xong rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng chứ không làm ồ ạt một lúc.

Với đặc thù địa hình đồi núi với đông đảo bà con dân tộc thiểu số sinh sống, Sơn La xác định hướng đi nào nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn?

Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh Sơn La nên chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng KHKT vào thâm canh, nhất là giống mới và cải tạo đồng ruộng, phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn tạo việc làm mới.

Tổ chức tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 90%, trong đó phấn đấu 70% tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo. Phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu, trồng cao su, lồng ghép các sản phẩm dưới tán cây cao su tại các huyện miền núi cũng là một hướng đi của tỉnh Sơn La.

Chúng tôi phấn đấuđến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 1.200 USD, hiện nay thu nhập đầu người/năm của tỉnh mới đạt 700 USD.

Qua gần hai năm triển khai xây dựng NTM, Sơn La vấp phải khó khăn nào và tỉnh có kiến nghị gì không thưa ông?

Khó khăn lớn nhất của Sơn La hiện nay là nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo và tầng lớp nhân dân chưa thật sự đầy đủ. Suy nghĩ coi xây dựng NTM là công việc của Nhà nước vẫn còn tồn tại ở một số cán bộ địa phương. Bên cạnh đó, xuất phát điểm xây dựng NTM các xã trong tỉnh Sơn La rất thấp so với tiêu chí Trung ương đề ra. Hiện chỉ có 176 xã (chiếm trên 92%) đạt được từ 1 - 3 tiêu chí, 14 xã (chiếm hơn 7%) đạt từ 4 - 5 tiêu chí, chưa có xã nào đạt 6 tiêu chí trở lên, như vậy là rất thấp.

"Để chương trình xây dựng NTM với tỉnh Sơn La nói riêng và một số tỉnh miền núi nói chung được thuận lợi, tỉnh Sơn La đề nghị các Bộ, ngành Trung ương khi hướng dẫn quy hoạch NTM cấp xã cụ thể, chi tiết hơn. Đặc biệt, trong chính sách đầu tư cần có cơ chế đặc thù cao hơn so với vùng đồng bằng. Hiện, đường đến trung tâm xã trong tỉnh Sơn La mới đạt 59%, tức là 78/188 xã chưa có đường rải nhựa đến trung tâm xã nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa, đường đến bản vẫn là đường mòn, chưa có đường cho xe máy, ô tô", ông Cầm Ngọc Minh.

Đặc biệt, có xã ở Sơn La rộng bằng cả một huyện ở miền xuôi, từ trung tâm xã đến bản cuối cùng cách tới 20 cây số, nguồn vốn đầu tư cho giao thông, thủy lợi sẽ rất lớn nên đòi hỏi người dân đóng góp 10% là khó. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ xã hiện nay năng lực, trình độ có hạn, việc tiếp cận với chương trình lại mới, chưa có kinh nghiệm nên cũng còn khó khăn.

Tỉnh Sơn La đang cố gắng phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Chính sách đầu tư cho bà con trồng rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, giữ đất, chống xói mòn được tỉnh coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa quốc phòng và an ninh nên tiếp tục mong được Trung ương hỗ trợ.

 Tiếp theo, tỉnh rất cần Trung ương giúp đỡ trong đầu tư hệ thống thủy lợi, y tế, giáo dục nhằm thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, bền vững. Và chỉ khi tất cả các yếu tố đó được thực hiện đồng thời, đồng bộ thì mới tạo được cú hích mạnh mẽ cho những tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm