| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM là sự nghiệp cách mạng lâu dài*

Thứ Ba 12/10/2010 , 11:09 (GMT+7)

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng có bài viết quan trọng, tập trung làm rõ quyết tâm, nguồn lực và thời gian để thực hiện chương trình NTM.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây NTM, có bài viết quan trọng, tập trung làm rõ thêm những nội dung cần phải có quyết tâm, nguồn lực và thời gian để thực hiện chương trình NTM.

Báo NNVN trân trọng giới thiệu tới độc giả phần quan trọng của bài viết.

Xây dựng hạ tầng: lâu dài

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch nông thôn với quyết tâm đến cuối năm 2011, 100% số xã sẽ xong quy hoạch, đây là việc làm cần ưu tiên đi trước, và vì lợi ích lâu dài của người dân, của các địa phương nên chắc các địa phương sẽ tập trung giải quyết và có lẽ đến 2011 cơ bản xong. Nhưng đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn Việt Nam chắc chắn là phải lâu dài. Nghị quyết Trung ương xác định đây là khâu "căn bản", trong quá trình chuẩn bị cho Nghị quyết Trung ương Tổ biên tập chúng tôi xác định đây là khâu "đột phá".

Trong tổng số 9.121 xã của cả nước (thống kê năm 2009), thì:

+ Vùng Đồng bằng Sông Hồng có 1.955 xã thuộc 11 tỉnh, đây là vùng phát triển sớm, dân trí cao, hơn 50 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc đã có khá nhiều thành công; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tương đối khá hơn so với cả nước. Nếu làm tốt cuộc vận động chung tay xây dựng NTM, nhà nước và nhân dân cùng làm thì có thể về đích sớm trong 10 - 15 năm tới, có tỉnh đạt sớm hơn, ví dụ như Thái Bình có 267 xã, nếu có nguồn lực từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm một ít cho các xã, thì trong 5 năm sẽ đạt hầu hết 19 tiêu chí. Riêng cơ sở hạ tầng 100% số xã sẽ về đích. Đây là tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng hạ tầng nông thôn trong nhiều năm trước.

+ Vùng Đông Nam Bộ có 490 xã thuộc 6 tỉnh, tuy có một số khó khăn ở những xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh này, song nếu biết khơi dậy tiềm năng và lựa chon sự đầu tư hợp lý thì cũng có khả năng về đích sớm trong vòng 10 - 15 năm.

+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung có 2.489 xã thuộc 14 tỉnh; vùng Trung du, miền núi phía Bắc có 2.283 xã thuộc 14 tỉnh; vùng Tây Nguyên có 598 xã thuộc 5 tỉnh; Đồng bằng sông Cửu Long có 1.306 xã thuộc 13 tỉnh. 4 vùng này có tổng số 8.676 xã hầu hết đều rất khó khăn. Trong đó, đặc biệt có 1.834 xã thuộc diện vùng 135 và 271 xã bãi ngang, 797 xã trong vùng 62 huyện nghèo (NQ 30a của Chính phủ) hạ tầng cơ sở rất thấp kém. Cần phải đầu tư rất lớn và rất nhiều thời gian mới có thể xây dựng được, không thể 10 năm, 20 năm mà phải lâu dài hơn nữa.

Nhưng nếu không tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là: điện, đường, trường, trạm, nước sạch môi trường thì không thể có được "bộ mặt NTM" với cơ sở hạ tầng hiện đại. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên trì, tập trung đầu tư trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo hài hoà quy hoạch giữa thành thị và nông thôn mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá nông thôn Việt Nam.

Chuyển dịch cơ cấu lao động: gian khó

Hiện nay, cả nước ta có 15.570.642 hộ sống ở nông thôn, chiếm 69,4% hộ với 37.960.031 lao động, chiếm 69% lao động cả nước, trong đó lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 51,9% lao động cả nước. Mục tiêu của chúng ta là đến 2020 giảm xuống còn 30% lao động làm nông nghiệp, còn lại phải chuyển sang ngành nghề khác phi nông nghiệp.

Suốt 25 năm đổi mới của đất nước, tỷ trọng lao động nông nghiệp cũng chỉ giảm được 21% (từ 72,9% - năm 1985 còn 51,9% - hiện nay). Nhưng do yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp và công nghiệp hoá đất nước vì sự ấm no, giàu có của cư dân nông thôn, nhất định chúng ta phải tiến hành đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân còn tiếp tục làm nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về Chương trình đào tạo cho lao động nông thôn. Theo đó, hàng năm chúng ta phải tập trung đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn từ 700.000 - 800.000 người và 300.000 nông dân tiếp tục làm nông nghiệp. Trường lớp đào tạo hiện còn chưa đáp ứng, cái khó hơn là đào tạo lao động phi nông nghiệp có được việc làm và thu nhập ổn định, cao hơn làm nông nghiệp.

Lao động sau đào tạo chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp, có thể ở thành phố, đô thị nhỏ, tuy nhiên khả năng này không dễ dàng gì. Làm việc trong doanh nghiệp ở nông thôn và đầu tư vào nông nghiệp đang là thách thức lớn. Thực tế hiện nay ở nước ta mới có 39.414 doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn, trong số đó chỉ có 1.454 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 3,7% số doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn. Với số vốn đầu tư có 32 nghìn tỷ đồng chiếm 6% vốn của các doanh nghiệp đầu tư ở nông thôn và chỉ có 0,9% vốn của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Chính phủ đã có Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cần phải coi đây là công việc thường xuyên, lâu dài về việc đào tạo chuyển nghề cho lao động nông thôn và gắn đào tạo chuyển nghề với doanh nghiệp.

Thu nhập cao không thể một sớm một chiều

Thực tế hiện nay, thu nhập của cư dân nông thôn bình quân năm bằng 76,6% bình quân chung cả nước và chỉ bằng 47,5% đô thị; có tới 84,5% hộ nghèo (trong tổng số hộ nghèo cả nước) sống ở nông thôn (nếu tính theo chuẩn mới chắc còn cao hơn nữa). Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, nên nguy cơ các hộ từ cận nghèo trở thành hộ nghèo rất cao, hoặc hộ đã thoát nghèo nhưng nếu chỉ gặp rủi ro như trong năm có người ốm, lợn gà bị dịch bệnh,... lại trở về hộ nghèo.

Bình quân 1 hộ nông dân Việt Nam chỉ có 1,61 ha/hộ; trong đó: Đồng bằng sông Hồng 0,35 ha/hộ, Trung du miền núi phía Bắc 2,98 ha/hộ; Bắc Trung Bộ 1,76 ha/hộ, Duyên hải miền Trung 2,13 ha/hộ, Tây Nguyên 5,63 ha/hộ, Đông Nam Bộ 1,2 ha/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long 1,03 ha/hộ.

Nếu không chuyển dịch được cơ cấu lao động, không đưa nhanh được ngành nghề vào nông thôn thì dù có tăng năng suất, tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa kiểu gì cũng khó giàu, mà tất cả các công việc làm trên đều không thể một sớm một chiều hoặc là theo kiểu "phong trào" được.

Nông dân là hạt nhân để xây dựng NTM

Nghị quyết 26 TW7 khoá X nghi rõ: "Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

Nông dân là số đông trong cơ cấu cư dân sống ở nông thôn, nhưng họ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Điều đáng quý của người nông dân là họ thường so sánh với chính họ, những năm gần đây đời sống vật chất của tầng lớp này nhìn chung là có bước phát triển hơn trước, họ cảm thấy thanh thản nếu như vấn đề an ninh nông thôn được tốt hơn chút nữa. Song, nhìn về sâu xa thì đời sống vật chất, tinh thần thua kém nhiều tầng lớp cư dân khác. Vị thế kinh tế - chính trị của họ đang có nguy cơ suy giảm trong xã hội.

Tổ chức thế nào để người nông dân tự đứng lên làm giàu cho chính mình và cho cộng đồng?

Đảng và Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo ra các giá đỡ cho họ, và nâng dần vị thế kinh tế - chính trị của họ để họ thực sự là chủ thể của NTM.

Việt Nam xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn hơn nên nhất định phải lâu dài. Nhưng đây không phải là công việc của riêng ai, mà là sự nghiệp cách mạng mới lâu dài của toàn Đảng và toàn dân ta. 

* Trích câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc giao ban trực tuyến của Thường trực Chính phủ và 62 tỉnh thành ngày 06/8/2010

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất