| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở Bình Định: Tiếp lửa cho làng nghề truyền thống

Thứ Ba 15/02/2011 , 10:16 (GMT+7)

Để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho trong tiến trình xây dựng NTM, Bình Định đang nỗ lực tiếp lửa cho các làng nghề.

Bình Định là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, thu hút hàng chục ngàn lao động. Để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nông thôn trong tiến trình xây dựng NTM, Bình Định đang nỗ lực tiếp lửa cho các làng nghề.

Chính sách thiết thực

Bình Định hiện có 54 làng nghề và vùng nghề. Thời gian gần đây, có thêm 5 làng nghề trồng mai cảnh vừa được UBND tỉnh này công nhận tại xã Nhơn An (An Nhơn) nâng tổng số làng nghề, vùng nghề tại tỉnh này lên con số 59. Theo quy hoạch, đến năm 2015, trong số 59 làng nghề, vùng nghề tại Bình Định sẽ có 38 làng nghề, vùng nghề được công nhận đủ tiêu chí làng nghề nhưng đến nay mục tiêu này đã hoàn thành.

Số lượng tuy hùng hậu là vậy nhưng đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong cơ chế thị trường, nhiều làng nghề ở Bình Định đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Khẳng định việc khôi phục các làng nghề và ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp và nông thôn là mấu chốt quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM, Bình Định đang có nhiều chính sách đầu tư nhằm tiếp lửa cho các làng nghề.

Lấy nhân lực làm trọng tâm, Bình Định ưu tiên thực hiện công tác đào tạo nghề, du nhập nghề mới, nhằm tạo ra một đội ngũ lao động có tay nghề, có ý thức lao động chuyên nghiệp cao. Hơn thế nữa, nhằm đảm bảo cho người lao động có việc làm sau khi đào tạo, Bình Định đã tổ chức khảo sát nhu cầu lao động thực tế tại các doanh nghệp, cơ sở SX trong tỉnh. Chỉ trong 5 năm (2006 - 2010), với nguồn kinh phí 2 tỷ đồng Bình Định đã đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động ở khu vực nông thôn với các nghề sản xuất bẹ chuối xuất khẩu, đồ gỗ mỹ nghệ, dệt thảm dừa, khảm trai…

Sau khi đã có một đội ngũ lao động có tay nghề, Bình Định liền thực hiện hàng loạt đề án khôi phục làng nghề một cách thiết thực gồm: giúp các làng nghề giải quyết vướng mắc về vốn sản xuất bằng cách bảo lãnh, hỗ trợ về lãi suất cho các làng nghề vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách; liên kết với các DN để hỗ trợ về nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm của làng nghề; đưa sản phẩm của làng nghề tới các cuộc hội chợ, triển lãm…

Điều đáng ghi nhận là Bình Định đã thực hiện rất tốt chức năng định hướng trong việc lựa chọn khôi phục, phát triển nghề nào có tiềm năng và phù hợp với đời sống hiện đại. Nhờ đó, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một đã được phục hồi trở lại và phát triển. Có thể kể, đó là các làng nghề dệt chiếu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói Hoài Châu Bắc; dệt thảm dừa và hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); làng rượu Bàu Đá (An Nhơn); làng nghề dệt thổ cẩm Hà Văn Trên (Vân Canh) và làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri (Vĩnh Thạnh)…

Kết hợp du lịch

Ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Chế biến nông lâm sản (Chi cục Phát triển Nông thôn Bình Định) cho biết thêm: “Song song, chúng tôi còn du nhập nhiều nghề mới về phổ biến cho dân ở nhiều vùng nông thôn. Sau chuyến tham quan 2 tỉnh Thái Bình và Ninh Bình vào năm 2005, chúng đưa nghề làm nấm về phát triển tại huyện miền núi Hoài Ân, hiện đã có hơn 80 hộ dân tham gia. Từ 2 nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh chúng tôi đã hỗ trợ cho các hộ nghèo ở xã Hoài Châu Bắc mua 30 máy dệt chỉ xơ dừa, hiện làng nghề này đang hồi sinh mạnh mẽ”.

Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phát triển làng nghề truyền thồng kết hợp với du lịch để vừa giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, vừa phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân”.

Cũng theo ông Nam, trước đây làng nghề dệt chỉ xơ dừa nói trên tưởng đã lụn tàn do SX bằng phương pháp thủ công lại manh mún, sản phẩm không có đầu ra. Để hồi sinh, Bình Định đã áp dụng mô hình “4 nhà”; 1 doanh nghiệp đảm nhận việc SX máy dệt chỉ xơ dừa bằng sắt thay cho máy gỗ trước đây, 1 doanh nghiệp khác đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc và Trung Quốc để SX nệm sinh thái, lưới chống xói mòn... Khi làng nghề dệt chỉ xơ dừa, SX hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa hồi sinh, đồng nghĩa với trên 11.000 ha dừa (trong đó có 6.000 ha cho quả) ở Bình Định hồi sinh theo, đời sống của hàng ngàn hộ nông dân sẽ được cải thiện.

Hiện đại hóa phương thức SX cũng là một trong những đề án được Bình Định ưu tiên. Với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng tỉnh này đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, qua đó không chỉ tạo động lực cho các DN, cơ sở SX phát triển mà còn từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh. Điển hình là mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất gạch tuynen bằng lò nung liên tục kiểu đứng công suất 5 triệu viên/năm cho Cty Liên Thành (Hoài Ân) và Cty Sơn Thịnh (Tây Sơn); hỗ trợ cho HTX Châu Hoài Bắc đổi mới dây chuyền dệt chiếu cói…

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất