| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở xã có lợi thế du lịch

Thứ Tư 03/10/2012 , 09:58 (GMT+7)

Từ năm 2004, khi dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh Núi chùa Bái Đính khởi động, thì cuộc sống ở Gia Sinh sôi động hẳn lên.

Chùa Bái Đính
Với diện tích tự nhiên 2.048ha (trong đó 1.389ha là rừng, núi), với dân số 7.000 người (có 3.479 người trong độ tuổi lao động), phân bố trong 11 thôn, xóm, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) được thiên nhiên ban tặng một cảnh quan vô cùng kỳ thú, đó là núi Đính, một ngọn núi cao nhất trong khu vực.

Không chỉ cao, mà núi Đính còn là một danh sơn bởi có ngôi cổ tự Bái Đính nổi tiếng, tính đến nay đã trên dưới một ngàn năm tuổi. Từ năm 1997, chùa Bái Đính đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia.

Từ năm 2004, khi dự án xây dựng Khu du lịch tâm linh Núi chùa Bái Đính khởi động, thì cuộc sống ở Gia Sinh sôi động hẳn lên. Tuy dự án được triển khai theo phương thức vừa thi công vừa khai thác, nhưng từ đó đến nay đã có hàng triệu lượt du khách từ khắp bốn phương đổ về chiêm bái.

Chính vì thế, ngay từ khi được huyện Gia Viễn chọn làm xã xây dựng NTM (năm 2010), tự thân xã Gia Sinh đã đạt được 7/19 tiêu chí về NTM, đó là: Điện, trường học, nhà ở dân cư nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, văn hoá, y tế, hệ thống tổ chức chính trị- xã hội. Và đến tháng 6/2012, xã đã đạt thêm 3 tiêu chí nữa.

Bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ và chính quyền xã Gia Sinh đã biết chọn ngay lợi thế của mình để phát huy, đó là đưa dịch vụ du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó phấn đấu để có thể hoàn thành tiêu chí thứ 12 về NTM (cơ cấu lao động).

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2012, đã có 2.560 trên tổng số 3.479 lao động của xã (70%) làm dịch vụ du lịch ở rất nhiều lĩnh vực như chụp ảnh, bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh nhà nghỉ, ăn uống... khiến lượng lao động nông nghiệp trong xã từ 90% giảm xuống chỉ còn 30%.

Cuộc chuyển dịch “ly nông bất ly hương” đầy ngoạn mục này đã trở thành chiếc “đòn bẩy” rất hữu hiệu để nâng cao thu nhập (tiêu chí thứ 10) cho người dân. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu từ dịch vụ du lịch đã là khoảng 30 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với làm nông nghiệp. Về thu nhập, nhiều người đã đạt tới 8 triệu đồng/tháng từ ngành kinh tế mũi nhọn này, thường thường là từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2011, số tăng tuyệt đối bình quân về thu nhập theo đầu người của xã là 2 triệu đồng, nâng thu nhập bình quân cả năm lên 12 triệu đồng/người. Số hộ nghèo (tiêu chí thứ 11) giảm mạnh, năm 2010 còn 6,8%, năm 2011 chỉ còn 5,1%.

Dịch vụ du lịch cũng đem lại nguồn thu lớn nhất cho ngân sách xã, nâng tổng thu ngân sách xã năm 2010 lên 16,173 tỷ đồng, năm 2011 là 15,146 tỷ và chỉ 6 tháng đầu năm nay thôi, con số đó đã là 11,5 tỷ đồng.

Từ nguồn thu này và các nguồn đầu tư, vốn lồng ghép theo Chương trình MTQG xây dựng NTM , xã có điều kiện để xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi như: Trạm y tế, trường học (cả 3 trường của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia) 11/11 xóm đã có nhà văn hoá để sinh hoạt cộng đồng, đưa nước sạch đến 100% số hộ trong xã, xây dựng hệ thống đường nội đồng với tổng chiều dài trên 11km và gần 20km kênh mương, chủ động hoàn toàn được việc tưới tiêu phục vụ nông nghiệp.

Xây dựng đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất. Trong khi rất nhiều địa phương khác còn gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tiêu chí này thì Gia Sinh, nhờ có dự án Khu du lịch tâm linh Núi chùa Bái Đính, cũng nhận được nhiều thuận lợi. Cho đến nay, Gia Sinh đã hoàn thành 40,2km đường giao thông nông thôn trên tổng số 58km của xã, bao gồm đường nhựa, đường bê tông.

Tại buổi sơ kết đợt 1 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM do Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh Ninh Bình tổ chức, ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh, đã có 2 kiến nghị. Thứ nhất, đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện quan tâm quy hoạch Gia Sinh thành một xã du lịch điển hình để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM. Và hai là mở lớp đào tạo ngành nghề, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức du lịch để những người làm dịch vụ du lịch nâng cao tầm hiểu biết, từ đó tạo ra phong cách ứng xử một cách văn hoá, văn minh với du khách đến tham quan và chiêm bái.

Chúng tôi cho rằng đây là 2 đề xuất rất hợp lý, bởi hầu hết những người làm dịch vụ du lịch ở Gia Sinh hiện nay đều là nông dân, việc họ “chuyển nghề” từ làm ruộng sang làm du lịch là hoàn toàn tự phát. Họ hoàn toàn không có nghề, và thiếu kiến thức, trong khi dịch vụ du lịch là một nghề đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng và văn hoá giao tiếp, ứng xử trong một môi trường vừa là thắng cảnh vừa mang đậm chất tâm linh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.