| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM tại Thanh Hóa: Quy định chồng chéo, 'níu kéo' tiến độ

Thứ Tư 29/11/2017 , 09:01 (GMT+7)

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, sự chồng chéo trong quy định đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung.

Tuyên truyền sâu rộng

Nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của chương trình, những năm qua Thanh Hóa đã định hướng, đề ra nhiều phương án thiết thực nhằm tạo động lực lan tỏa toàn dân, trong đó tuyên truyền xây dựng NTM đóng vai trò tiên quyết.

12-45-37_1
12-45-37_2
Bộ mặt NTM Thanh Hóa có bước chuyển rõ rệt

Dưới sự định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Tuyên giáo đã tập trung chỉ đạo hệ thống ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện xây dựng NTM thông qua các cơ quan báo chí, thông tấn; Ban Dân vận cũng tiến hành Hội nghị triển khai đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa” và quán triệt, triển khai các nội dung NTM giai đoạn 2016 - 2020 cho đội ngũ cán bộ tại các huyện miền núi; Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Hội Nông dân, Sở NN-PTNT và Văn phòng điều phối (VPĐP) NTM đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức thành công game show truyền hình “Nhà nông tài giỏi”.

Song song với đó, Báo Thanh Hóa, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Văn hóa và Đời sống; Đài Truyền thanh các huyện, TX, TP; Bản tin NTM của VPĐP tỉnh cũng thường xuyên đăng tải nhiều tin, bài, hình ảnh đặc sắc về những tấm gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay cũng như thường xuyên phản ánh những vấn đề bất cập, hạn chế để các cơ sở nhìn nhận thực chất vấn đề, qua đó rút ra nhiều bài học sâu sắc.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu, VPĐP NTM tỉnh cũng cho thấy hiệu quả cao trong lĩnh vực tuyên truyền khi phát hành được 9.000 cuốn Bản tin xây dựng NTM.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức thành công 6 lớp tập huấn cho 507 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và thôn, bản phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017 theo kế hoạch; tổ chức 12/33 lớp tập huấn cho cán bộ các xã, thôn, bản trên địa bàn các huyện theo kế hoạch đã phê duyệt; tổ chức 4 chuyến thực tế cho 111 cán bộ các cấp học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở các tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Ninh.

Chưa hết, VPĐP còn mở thêm các lớp tập huấn, tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, lãnh đạo cấp xã nhận thức đúng bản chất của công tác thẩm định.

Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, cung cấp đầy đủ thông tin, tiến độ xây dựng tại các cơ sở ngay từ đầu năm cho các ngành phụ trách tiêu chí. Nhờ thế việc theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thẩm định thời gian gần đây mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

12-45-37_4
Nhiều khả năng huyện Quảng Xương sẽ không thể về đích trong năm nay vì tiêu chí của Bộ LĐ-TB&XH

Đạt được đã khó, giữ vững còn gian nan gấp bội phần, xác định rõ ràng quan điểm nên các cấp, ban, ngành và chính quyền sở tại luôn chủ động bám sát tình hình, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo sát sao nhằm tránh tình trạng bằng lòng, thỏa mãn.
Xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) chính là điểm sáng, bằng nỗ lực, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã chính thức về đích NTM vào năm 2013. Trong niềm vui vô bờ bến, địa phương vẫn ý thức được trọng trách nặng nề trong chặng đường kế tiếp.
“Xây dựng NTM là một hành trình chứ không đơn thuần chỉ là điểm đến nhất thời. Chất lượng đời sống ngày một được cải thiện, các tiêu chí đạt được trước đó sẽ sớm lỗi thời nếu không có phương án hoàn thiện và duy trì bền vững”, ông Hoàng Sỹ Long, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Xuyên suốt quá trình triển khai, Thanh Hóa luôn chủ động điều chỉnh phù hợp với nhu cầu đặt ra. Nếu như trước đây, quá trình thẩm định triển khai riêng lẻ, tính đồng nhất không cao thì giờ tất cả thành viên đại diện cho các Sở, ban, ngành trong đoàn thẩm định cùng tập trung đến địa phương xây dựng NTM khảo sát, cùng thảo luận rồi đưa ra kết quả cuối cùng. Áp dụng cách này vừa tiết kiệm thời gian, lại đảm bảo tính minh bạch nên được các địa phương nhiệt tình ủng hộ.
 

Bất cập quy định bình đẳng giới

NTM Thanh Hóa đang có bước chuyển mình trên tất cả mọi lĩnh vực, hệ thống chính trị, an ninh trật tự được giữ vững, nhận thức và chất lượng đời sống của người dân không ngừng tăng lên. Dù vậy vẫn còn một số “rào cản” nhất định chưa được giải quyết, điển hình là sự chồng chéo khó hiểu trong quy định hiện hành.

Quá trình thực hiện quy định của Đảng về công tác bố trí nhân sự sau Đại hội Đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa có 8.675 ủy viên cấp xã, bao gồm 1.483 ủy viên nữ, chiếm 17,09%. 

Trong tổng số 573 xã thì 345 xã có tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15%, 156 xã có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt (gồm các chức danh: Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND), chiếm 27,23%. Theo nhận định chung, tỷ lệ cấp ủy viên nữ như trên là phù hợp với tình hình chung.

Thế nhưng tại Điểm 4, Công văn số 4999/LĐTBXH-KHTC ngày 12/12/2016 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn chỉ tiêu 18.6 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về “Bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” lại yêu cầu: “Có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã (gồm các chức danh: Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND)”.

Nội dung nêu trên rõ ràng đi ngược lại với Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị cũng như các văn bản hướng dẫn khác của Trung ương: “Phấn đấu tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có có bộ nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy”.

Trong khi đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nói rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 – 40%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”. Như vậy, việc “nhất thiết” có cán bộ nữ chưa bắt buộc thời điểm này.

Để phù hợp với thực tế, VPĐP đề nghị UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo NTM tỉnh cho vận dụng tiêu chí 18.6 như sau: “Có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã (bao gồm các chức danh...) hoặc tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% hoặc có cán bộ nữ tham gia ban thường vụ Đảng ủy cấp xã”.

Trao đổi về nội dung này, ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: “Quy định của Bộ LĐ-TB&XH về bình đẳng giới không phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay, sự chồng chéo nói trên đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai xây dựng NTM trên địa bàn”.

12-45-37_3
Phó Chánh văn phòng điều phối, ông Trần Đức Năng khẳng định, sự chồng chéo về quy định hiện hành đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng NTM

Vấn đề Thanh Hóa đang đối mặt cũng là thực trạng chung tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan cần sớm vào cuộc để giải quyết triệt để vướng mắc này.

Tại Thanh Hóa, qua khảo sát chỉ 19/73 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017 đảm bảo có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt; 31 xã có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có quy hoạch nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt; 23 xã có tỷ lệ cấp ủy viên nữ dưới 15%.

Riêng 15 xã đã thẩm định trong năm nay chỉ có 8 xã đạt điều kiện trên, 7 xã còn lại vẫn đang loay hoay không biết xử lý ra sao. Được biết, cũng vì nguyên nhân này nhiều khả năng huyện Quảng Xương sẽ không thể cán đích như dự định.

 

Xem thêm
Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.