| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM trên Bạch Long Vỹ

Thứ Ba 26/06/2012 , 14:31 (GMT+7)

Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân và UBND TP Hải Phòng, vừa qua Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã dẫn đầu đoàn Bộ NN-PTNT ra đảo Bạch Long Vỹ để khảo sát thực địa.

Thực hiện chiến lược hướng ra biển đảo và Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ NN-PTNT, Quân chủng Hải quân và TP Hải Phòng đã cùng cam kết chung tay xây dựng NTM trên huyện đảo Bạch Long Vỹ; quyết tâm đưa Bạch Long Vỹ sớm trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhựa sống tràn trề

Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân và UBND TP Hải Phòng, vừa qua Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã dẫn đầu đoàn Bộ NN-PTNT ra đảo Bạch Long Vỹ để khảo sát thực địa. Giữa ngày nghỉ, biển lại đang dậy sóng, chuyến đi của Thứ trưởng khiến một số người trong đoàn ngần ngại. Quân chủng Hải quân và TP. Hải Phòng không thể bố trí tàu riêng, đoàn quyết định đi tàu khách. Sóng lớn, tàu bé, phải chạy lên tận vùng biển Quảng Ninh để cắt sóng sau đó mới chạy xuống Bạch Long Vỹ. Vì thế sau gần 10 tiếng đồng hồ, từ 13 đến 22 giờ chúng tôi mới bước chân lên đảo. Mặc dù có đến 1/3 số người trong đoàn say mềm vì sóng nhưng khi bước chân lên đảo sáng rực, xung quanh lung linh bởi ánh đèn của hàng trăm tàu cá đang neo đậu, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên, ngỡ mình vừa bước lên một thành phố ở trung tâm Vịnh Bắc bộ.

Khắp các con đường được trải bê tông, ngư dân đi lại đông như ngày hội. Đảo Bạch Long Vỹ có trên 1.000 nhân khẩu, đa số họ là TNXP ra xây dựng đảo từ năm 1993. Nghề chính của họ là làm dịch vụ phục vụ ngư dân. Đêm nay, họ tất bật phục vụ khi đón gần 300 tàu cá của ngư dân khắp cả nước vào neo đậu. Người dân trên đảo bán tất cả mọi thứ, từ rau, thịt lợn, thịt gà, đá, dầu, gạo, các loại tạp phẩm… cho ngư dân. Trên những con đường dẫn ra âu thuyền và khu vực bãi biển hàng ngàn ngư dân đang nhậu, uống cà phê và hát karaoke. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh... 1giờ 30 sáng, trước khi trận bóng đá Euro diễn ra, một số ngư dân bắt đầu về tàu xem bóng đá. Một ngư dân ngồi cùng 3 ngư dân khác ở bàn nhậu cạnh bàn chúng tôi cất giọng Nam Trung bộ: Tính tiền em ơi. Cô phục vụ đáp: 165.000 đồng anh ạ. Anh ngư dân lôi trong gầm bàn ra 1 cái rổ đựng chừng 3kg mực, nói: Thế này đủ chưa em? Cô gái đáp: Dạ, đủ rồi.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu kiểm tra khu nuôi bào ngư

Hùng, chủ quán nhậu, cho hay: "Tùy từng thời điểm, nếu biển động, ngư dân không ra khơi được thì có đến cả ngàn tàu cá về đây neo đậu. Khi đó hầu hết các cửa hàng cửa hiệu ở đây “cháy” hàng. Ngư dân đổi cá lấy hàng hóa và đồ nhậu là chính. Chúng em lại lấy tôm cá mang về Hải Phòng đổi hàng hóa mang ra đảo".

Trung tâm hải sản của vùng

Chủ tịch HĐND huyện Bạch Long Vỹ Trần Hồng Quang đặt hàng đoàn Bộ NN-PTNT: Sự sôi động của đảo đang đặt ra cho huyện bài toán rất khó, đó là làm thế nào để đảo có đủ rau xanh, nước ngọt, thực phẩm và có các dịch vụ phục vụ nhu cầu rất lớn của bà con ngư dân. Hiện nay đảo đã có 1 âu thuyền, đang xây dựng thêm 1 âu thuyền nữa theo chương trình biển đảo. Sau khi hoàn thành, mỗi ngày, đảo có thể đón cả ngàn tàu cá vào neo đậu, khi đó số người có mặt trên đảo sẽ lên đến cả chục ngàn người, nhu cầu về lương thực thực phẩm càng lớn. Quân và dân trên đảo đã chăn nuôi được gia súc gia cầm, trồng được nhiều loại rau, nhưng chủ yếu để ăn, không có thừa để bán.

GS Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, sau khi khảo sát đề xuất: Rau rất cần nước, mà đảo luôn thiếu nước, vì vậy phương án trồng thủy canh là hợp lý nhất. Phương án này tiết kiệm được nước và diện tích, năng suất lại cao, thời gian thu hoạch ngắn và suất đầu tư không lớn. Nếu đảo đồng ý, các Viện của Bộ NN-PTNT hoàn toàn có thể giúp đảo thực hiện đề án này.

Về chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho rằng, chăn nuôi trên đảo chủ yếu nhỏ lẻ, không có cán bộ thú y, không có cán bộ kỹ thuật, vì vậy giống gia súc gia cầm mang ra đảo nuôi không được kiểm soát, dịch LMLM, tai xanh đã xuất hiện trên đảo. Trong khi đó nhu cầu về thịt gia súc gia cầm là rất lớn. Mỗi ngày đảo thịt 2 con lợn 200 kg và là đặc sản, còn người dân vẫn đang ăn hải sản là chính. Với diện tích của đảo, hiệu quả nhất là phải nuôi lợn, gà và cả trâu bò theo mô hình công nghiệp. Nếu tăng đàn mà không nuôi theo công nghiệp thì không có cách nào giải quyết được vấn đề môi trường và điện năng.

Trong lĩnh vực phát triển hải sản, TS. Hùng (Viện Nghiên cứu Hải sản) cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, Bạch Long Vỹ có tiềm năng rất lớn về nuôi bào ngư và hải sâm. Hiện nay huyện đã giao cho 90 hộ dân trên đảo khoanh nuôi và bảo vệ. Tuy nhiên, quy trình nuôi và khai thác vẫn chưa được thực hiện, điều này có thể dẫn đến cạn kiệt. Nếu huyện đảo mong muốn phát triển nghề này, xây dựng thương hiệu cho bào ngư Bạch Long Vỹ để đưa ra thị trường và xuất khẩu thì phải thực hiện chiến lược về giống, đồng thời tổ chức nuôi và khai thác theo quy trình hợp lý, bảo quản và chế biến được. Ngoài ra, đảo hoàn toàn có thể tiến hành nuôi các loại hải sản khác bằng phương pháp biển mở bằng lồng lớn như chúng ta đang nuôi cá ngừ ở vịnh Vân Phong (Nha Trang).

Tuổi trẻ Bộ NN-PTNT, Quân chủng Hải quân và Tổng đội TNXP Hải Phòng đã ký cam kết chung tay xây dựng NTM trên đảo Bạch Long Vỹ. Với quyết tâm đưa Bạch Long Vỹ trở thành điểm sáng của cả nước về NTM, phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vững chắc biển đảo Tổ quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: Mục tiêu của đoàn khảo sát Bộ NN-PTNT có mặt tại Bạch Long Vỹ là nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo thực phẩm cho người dân trên đảo và cung cấp thực phẩm cho ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu, đồng thời xây dựng các công trình theo Chương trình biển đảo mà Chính phủ giao Bộ NN-PTNT thực hiện.

Qua khảo sát cho thấy, đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao là phù hợp nhất. Đảo chỉ cần dành ra 10ha để xây dựng khu này, phía bên ngoài sẽ trồng cây lâm nghiệp để chắn gió. Huyện cần sớm bố trí cán bộ kỹ thuật, thú y, cán bộ chăn nuôi để tiếp thu và làm chủ công nghệ do các đơn vị chuyên môn của Bộ chuyển giao. Trong lĩnh vực hải sản, Bộ sẽ chỉ đạo hoàn thiện đề án xây dựng khu sản xuất giống bào ngư, khu chế biến bào ngư; phát triển khu dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng các hồ chứa nước ngọt.

“Trên cơ sở báo cáo chi tiết của các Cục, Vụ, Viện tham gia chuyến khảo sát này Bộ sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, giao Vụ Kế hoạch, Vụ KH&CN, Trung tâm Khuyến nông xây dựng kế hoạch vốn trình lãnh đạo Bộ duyệt. Bộ giao cho Đoàn Thanh niên Bộ kết hợp với tuổi trẻ Quân chủng Hải quân (Trung đoàn 952 đóng trên đảo) và Tổng đội TNXP Hải Phòng thực hiện. Tinh thần chỉ đạo của Bộ là làm hết sức thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực, để đảo Bạch Long Vỹ thực sự là điểm sáng về xây dựng NTM. Năm 2013, khi đảo Bạch Long Vỹ kỷ niệm tròn 20 năm thành lập huyện đảo, đảo sẽ có rau xanh, thịt lợi, thịt gà, bào ngư… từ những dự án chúng ta sẽ triển khai ngay sau đây”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nói.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất