| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM trên quê hương rượu Bàu Đá!

Thứ Năm 14/10/2010 , 10:48 (GMT+7)

Từ một vùng quê heo hút, Nhơn Lộc đã trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM.

Xưa nay, xã Nhơn Lộc (An Nhơn, Bình Định) được nhiều người biết đến là nơi sinh ra rượu Bàu Đá nức tiếng cả nước. Bây giờ, niềm tự hào của người dân xã Nhơn Lộc không chỉ có rượu Bàu Đá, mà còn bởi chỉ trong thời gian ngắn, từ một vùng quê heo hút, Nhơn Lộc đã trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM.

Phất nghề nông 

Chừng 15 năm trở lại đây Nhơn Lộc đã làm cho thiên hạ giật mình trước những đổi thay chóng mặt. Vùng Gò Dưa hoang vắng ngày nào giờ đã trở thành khu trung tâm xã với cơ sở hạ tầng bề thế: trường học, công viên, chợ, sân vận động, bưu điện văn hóa, công viên thiếu nhi... Đưa tôi dạo quanh trên những con đường bê tông đan nhau chằng chịt dẫn đến từng xóm nhỏ, ông Bùi Văn Tô, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, hồ hởi khoe thêm: "Từ năm 2004, Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, xã có 4 trường học thì cũng đều đạt chuẩn quốc gia cả 4, trong đó có 70% phòng học đã được tầng hóa".

Lý giải về sự giầu có của Nhơn Lộc, ông Cao Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho hay tất cả là từ SXNN và sự năng động của người dân. Phải công nhận là người dân Nhơn Lộc rất chung thủy với nghề nông, với đồng đất quê mình. Ngoài diện tích được Nhà nước giao quyền sử dụng lâu dài, người dân luôn "xếp hàng" trước hơn 110 ha đất dự phòng của xã để đợi phiên đấu giá mở rộng diện tích canh tác. Làm có lãi thì nông dân nào chẳng ham. Ông Hồ Minh Nông (60 tuổi) ở thôn Cù Lâm bộc bạch: "Để có được lãi từ mảnh đất quê, chúng tôi đã tuyệt đối tuân thủ vào đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống cũng như quy trình canh tác mà xã đề ra".

Rời đồng ruộng, nông dân Nhơn Lộc liền bắt tay vào với những nghề truyền thống kiếm thêm thu nhập. Ở Nhơn Lộc hiện có 3 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận: làng nghề nấu rượu Bàu Đá Cù Lâm, làng nghề đan tre Đông Lâm và làng nghề bánh tráng Trường Cửu. Ở Bình Định, nghề làm bánh tráng phát triển tại nhiều địa phương nhưng một người tráng một lúc 2 lò thì không đâu có như ở Nhơn Lộc. Họ tráng bánh như múa, uyển chuyển, điệu nghệ. Sản phẩm bánh tráng của họ có mặt khắp đất nước.

Nghề đan tre ở đây cũng không kém cạnh. Tại làng nghề đan tre Đông Lâm, cụ Mai phấn khởi kể chuyện trong những tiếng cười mãn nguyện: “Hồi xưa, chúng tôi phải gánh sản phẩm lên đến tận Phú Phong (Tây Sơn), xuống tận Gò Bồi (Tuy Phước) để bán dạo. Đi rạc cả chân mới kiếm được dăm chục ngàn/ngày. Giờ thì khác xưa rồi, sản phẩm của 25 hộ làm nghề ở đây làm ra không đủ bán, bạn hàng phải đến tận nhà đặt tiền trước, khi nào đủ hàng thì gọi điện họ lên chở”.

Nhưng hưng thịnh nhất vẫn là nghề nấu rượu, nó là cuộc sống của hơn nửa số hộ dân ở xã Nhơn Lộc. Ông Phó Chủ tịch UBND xã cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề rượu Bàu Đá Cao Văn Nghĩa cho biết: "Xã có 2.445 hộ dân thì đã có 1.200 hộ làm nghề nấu rượu, mỗi năm xuất bán khoảng 5 triệu lít rượu". Tuy nhiên, tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, người nấu rượu ở Nhơn Lộc thu nhập từ rượu thì ít nhưng khoản thu kiếm được từ phụ phẩm của rượu mới nhiều. Bã nấu rượu được người dân Nhơn Lộc nuôi heo và nuôi bò vỗ béo. Nghề vỗ béo bò có từ năm 2001, từ vài hộ nuôi ban đầu, sau đó phát triển đến hơn 400 hộ nuôi.

Tích góp được vốn, nhiều hộ dân đầu tư làm trang trại để kiếm tiền nhiều hơn. Hiện ở Nhơn Lộc có 22 trang trại trồng trọt và chăn nuôi tổng hợp, góp phần đưa giá trị SX ngành chăn nuôi hàng năm lên 10%, chiếm tỉ trọng 51,26% trong ngành nông nghiệp. Nhiều cơ sở SX làng nghề đã đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài như NM bánh tráng XK của HTXNN Nhơn Lộc 2. Nhờ năng động, chăm chỉ làm ăn nên hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Nhơn Lộc đã đạt trên 17 triệu đồng/người/năm.

Đạt 70% tiêu chí

Người dân làm ăn khấm khá, việc huy động xây dựng quê hương càng được thuận lợi. Ông Cao Văn Nghĩa cho biết thêm: “Thông thường khi người ta đã đủ cái ăn là nghĩ đến chuyện nâng cấp “cái ở” và điều kiện sinh hoạt. Năm 2002, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm chín muồi về việc chỉnh trang lại gương mặt của quê hương vì đúng lúc ấy Bộ NN-PTNT phát động phong trào công nghiệp hóa - hiện đại hóa - hợp tác hóa- dân chủ hóa nông thôn để tiến tới xây dựng NTM, chúng tôi liền hưởng ứng”.

Ông Trương Thế Lưu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc: “Những hạng mục khác chưa đạt như: Quy hoạch các điểm TTCN và vùng chuyên canh, nhà văn hóa; vệ sinh môi trường nông thôn; xử lý rác thải và cung cấp nước sạch...chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện đúng tiêu chí, đặc biệt là phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người đạt gấp 1,4 lần so với thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh. Đến năm 2015 chúng tôi phải đạt đủ 19 tiêu chí NTM".
Nhơn Lộc bắt đầu xây dựng mô hình NTM trong bối cảnh tay trắng. Khi ấy chưa có cơ chế, kinh phí hỗ trợ của cấp trên nên phải vận dụng nội lực mà chủ yếu là sự đóng góp của người dân. Đơn cử như việc kiên cố hóa giao thông, trước khi tỉnh Bình Định có chủ trương hỗ trợ xi măng, người dân Nhơn Lộc đã ra sức thu thập sỏi, đá dăm rồi rủ nhau vác cuốc, xẻng tự nguyện hiến công làm cứng hóa những trục đường chính trong xã. Đến khi được hỗ trợ xi măng, UBND xã khoán từng tuyến đường cho dân làng sở tại theo phương châm “xã có công trình, dân có việc làm”.

Những người dân có tay thợ tại địa phương thi công, dân địa phương giám sát công trình, cứ thế hoàn thành đến nay được hơn 33 km đường bê tông. Cách làm ấy không những xây dựng được hệ thống GTNT mà còn xây dựng được niềm tin trong nhân dân nên kể từ ấy, khi xã huy động sức dân đóng góp vào việc gì cũng đều thuận lợi. Ví như mới đây, trong 2 năm 2008-2009, toàn bộ kinh phí kiên cố hóa thêm được 3 km kênh mương nội đồng chủ yếu từ đóng góp của nông dân.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lộc Bùi Văn Tô cho biết thêm: “Trong 10 năm gần đây, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ ở xã Nhơn Lộc là trên 20 tỷ đồng, chiếm 15% trong đó là đóng góp của dân, còn lại là ngân sách xã, huyện, tỉnh”. Đến nay Nhơn Lộc đã đạt gần 70% so với bộ tiêu chí NTM của quốc gia.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm