| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM từ dồn điền đổi thửa

Thứ Hai 28/02/2011 , 10:13 (GMT+7)

Trước khi được huyện chọn làm xã điểm NTM, Đa Tốn đã cơ bản đạt được 8 tiêu chí NTM...

"Để xây dựng NTM thành công phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền từ cấp ủy; đặc biệt là trưởng thôn có vai trò rất quan trọng vận động bà con, tạo sự đồng thuận", ông Đặng Văn Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Đa Tốn nói.

Dồn điền đổi thửa

Hơn chục năm trước tôi đã có dịp về xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) viết về vùng chuyên canh củ ấu. Khi đó ông Đặng Văn Nhân, Bí thư Đảng ủy xã còn đang làm Chủ nhiệm HTXNN. Ông Nhân vốn tính năng động, dám nghĩ dám làm; nghe đâu có cây con giống mới là ông đưa về cho xã viên sản xuất. Vì thế mà lúc đó Đa Tốn trở thành vùng chuyên canh củ ấu lớn nhất huyện. Ông cũng là người mạnh dạn “xúi” xã viên dồn ruộng đổi cho nhau để dễ bề canh tác.

Ông kể phong trào dồn điền đổi thửa trong xã dấy lên từ năm 2003. Thời điểm ấy có một gia đình chuyển 3 sào đất trồng lúa làm trang trại trồng nấm. Do diện tích hẹp gia đình đó vận động hộ bên cạnh đổi ruộng cho, dồn lại gần 1 mẫu đất để mở rộng nông trang. Thấy sản xuất nấm hiệu quả, bà con xã viên tự đổi ruộng cho nhau làm trang trại theo mô hình VAC khép kín. Chỉ sau thời gian ngắn toàn xã dồn điền đổi thửa thành 61 trang trại vừa và nhỏ, chiếm 131/477 ha đất nông nghiệp.

Nhờ dồn điền đổi thửa bà con đã tiếp cận cơ giới hóa vào sản xuất. Nhìn cánh đồng xã bây giờ không còn những bờ vùng, bờ thửa chằng chịt, mà đã là cánh đồng “cò bay mỏi cánh cũng không thấy bờ”. Một nông dân cho biết, giờ đây phá hết các bờ ruộng ra, trước hết là được lợi vì không mất diện tích làm bờ, trồng thêm được mấy hàng lúa, đồng thời không phải mất công làm cỏ bờ. Dẫn tôi đi thăm đồng, ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ nhiệm HTXNN Đa Tốn phấn khởi cho biết, bắt đầu từ vụ ĐX năm nay, 250 ha đất trồng lúa của xã viên đều tiến hành sản xuất chung, triển khai mô hình cơ giới hóa đồng loạt từ khâu đầu tới khâu cuối. Mặc dù đã thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên HTX triển khai sử dụng đồng loạt các loại máy móc từ làm đất tới gặt đập nhằm giải phóng tối đa sức lao động của nông dân.

“Cả cánh đồng rộng lớn đều cấy một giống lúa, cùng gieo trồng một thời điểm, như vậy máy gặt đập liên hợp sẽ hoạt động được. Không như trước kia, mỗi nhà trồng một giống, nhà trồng sớm, nhà cấy lúa muộn nên khi ruộng lúa chín nằm giữa các ruộng còn xanh thì không thể đưa máy gặt vào được. Các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ kinh phí mua máy làm đất và gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, máy gặt đập liên hợp, giống và vật tư nông nghiệp”, ông Phương nói.

Theo bà con xã viên thì cấy bằng phương pháp thủ công truyền thống có giá dao động từ 150-200.000 đồng/sào mà rất khó thuê nhân công cấy cho kịp khung thời vụ. Nay dùng máy gieo sạ chỉ chi phí hết khoảng 40.000 đồng/sào… Các khâu dịch vụ kỹ thuật từ ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ đến tưới tiêu, và thu hoạch đều được HTX đảm nhiệm. Cũng theo ông Phương, tất cả các khâu sản xuất lúa của xã sẽ được cơ giới tới 80%, chi phí sản xuất giảm từ 5 - 5,5 triệu đồng/ha, trong khi năng suất lúa dự kiến sẽ tăng 15-20%. 

Trưởng thôn giữ vai trò quan trọng

Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Nhân hồ hởi nói về phong trào xây dựng NTM như thế này: “Không phải bây giờ chúng tôi mới làm NTM mà từ khi dồn điền đổi thửa xong (năm 2003), xã phát động nhiều phong trào thi đua SX, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cải tạo đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp… Trước khi được huyện chọn làm xã điểm NTM, Đa Tốn đã cơ bản đạt được 8 tiêu chí NTM như xóa sổ hộ nghèo, xây dựng được hình thức tổ chức SX mới, có điểm bưu điện văn hóa, y tế đạt chuẩn, hoàn thiện nhà ở khu dân cư, cải thiện đời sống văn hóa…”

Ông Bí thư xã cũng khẳng định quyết tâm đến 2013 phải xây dựng xong nhà văn hóa xã. Bởi đất nông thôn đang chật dần, nhà văn hóa sẽ là điểm sinh hoạt cộng đồng, hội họp, cưới hỏi, tiệc tùng của các dòng họ… Để xây dựng NTM thành công, theo ông Nhân phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền từ cấp ủy; đặc biệt là trưởng thôn có vai trò rất quan trọng vận động bà con, tạo sự đồng thuận…

Theo ông Nhân, năm 2010 Đa Tốn là 1 trong 11 xã của huyện Gia Lâm (toàn huyện có 21 xã, thị trấn) được chọn xây dựng mô hình NTM. Hiện đề án NTM giai đoạn 2010-2015 đã xây dựng xong đang chờ cấp trên phê duyệt với tổng kinh phí dự toán khoảng 200 tỷ đồng, trong đó dân sẽ đóng góp 10% (khoảng 20 tỷ). Ông Nhân khẳng định: “Còn 11 tiêu chí chúng tôi sẽ phấn đấu về đích trước 2 năm (tức hết năm 2013) hoàn thành. Việc làm trước mắt là xây dựng xong toàn bộ đường giao thông nông thôn, kinh phí chủ yếu do dân đóng góp. Thứ hai là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người mới đạt 16 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến 2013 sẽ tăng lên 21-22 triệu/người theo tiêu chí. Thứ ba là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sông Cầy Bây. Đoạn sông này qua xã dài khoảng 3 km đang ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Việc tiếp theo là mở rộng chợ, xây dựng nhà văn hóa xã…”.

Ông Nhân cho rằng trong quá trình xây dựng NTM khó khăn nhất là phần vốn đóng góp đối ứng của nhân dân (khoảng 20 tỷ) làm giao thông nông thôn. Đa Tốn có 5 làng theo kiến trúc truyền thống, đường xá hẹp lại ngoằn ngèo. Xây dựng NTM thì đường phải rộng hơn, vận động các hộ lùi 50 cm đất mặt tiền để làm đường là rất khó.

Theo quy hoạch đến 2015 hầu như diện tích đất nông nghiệp trong xã nhường chỗ cho khu đô thị và công nghiệp. Việc đào tạo nghề cho nông dân mất đất cũng là vấn đề nan giải. “Cách đây 5 năm toàn xã có 50 lò gốm thủ công, chuyên SX mặt hàng đơn giản là con tiện xây dựng. Nhưng rồi đầu ra không có nên nhiều lò phải giải thể, khiến nhiều lao động mất việc. Xã đã mời 1 số đơn vị về dạy nghề mới cho thanh niên qua lớp học ngắn ngày (không được cấp chứng chỉ nghề), song việc đào tạo chưa “ra ngô ra khoai”. Thanh niên bí việc lại đổ sang làm thuê bên Bát Tràng. Vì thế xây dựng NTM đào tạo nghề phải bài bản”, ông Nhân giãi bày.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm