| Hotline: 0983.970.780

Xây nhà bảo vệ rồi bỏ hoang

Thứ Năm 04/09/2014 , 09:05 (GMT+7)

Công trình nhà bảo vệ tại khu vực gần hồ Vực Mấu (thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai) sau khi hoàn thành lại không được sử dụng, đã “đắp chiếu” gần 3 năm nay.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, đầu năm 2011, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tiến hành xây dựng công trình nhà bảo vệ tại khu vực gần hồ Vực Mấu (thuộc xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai).

Điều đáng nói là công trình sau khi hoàn thành lại không được sử dụng, đã “đắp chiếu” gần 3 năm nay, khiến cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng bất bình.

Vứt tiền qua cửa sổ

Dự án nói trên do chính BQL RPH Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư với tổng kinh phí là 280 triệu đ, đơn vị chịu trách nhiệm thi công là Công ty Lý Thành (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu), bắt đầu triển khai từ tháng 3/2011, đến cuối năm 2011 thì chính thức hoàn thành.

Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà công trình xây xong lại không đưa vào sử dụng, bỏ hoang suốt từ cuối năm 2011 đến nay. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết: “Công trình nhà bảo vệ hoàn thành đã lâu nhưng BQLRPH Quỳnh Lưu lại chẳng hề đả động đến. Không có người bảo vệ, trông nom nên nhiều vật dụng đã bị xuống cấp trầm trọng, một số khác bị mất trộm. Thật là quá lãng phí”.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi dễ dàng nhận ra cảnh tượng hoang tàn của công trình: Hệ thống điện chiếu sáng đã hỏng, phòng được bố trí khá phù hợp nhưng toàn bộ cánh cửa gỗ đã bị mất trộm từ bao giờ không ai rõ; rác thải, lá cây chất đống trong nhà, xen lẫn đó là phân trâu, phân bò vung vãi khắp nơi trông rất phản cảm, phía lối vào cỏ mọc ung tùm chắn hết cả đường đi.

Một người dân sống gần đó không khỏi xót xa: “Chẳng hiểu họ nghĩ gì khi bỏ ra một đống tiền rồi vứt xó như thế này. Nguồn kinh phí đó mà đầu tư cho nhân dân trồng rừng thì tốt biết bao...”.

Đùn đẩy trách nhiệm

Để xác minh làm rõ sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ nhưng lãnh đạo BQL RPH Quỳnh Lưu tỏ ra thiếu thiện chí hợp tác, nhiều lần từ chối. Mãi gần đây, Trưởng ban Dương Minh Ngọc mới bố trí để chúng tôi gặp ông Lưu Văn Tiến, phó Ban quản lý RPH Quỳnh Lưu.

Tuy nhiên, khi đề cập đến nội dung công trình nhà bảo vệ bị bỏ hoang thì ngay lập tức ông Tiến chối đây đẩy: “Tôi không đủ thẩm quyền để trả lời vấn đề này, cái đó các anh phải làm việc trực tiếp với đồng chí trưởng ban”.

Khi chúng tôi liên lạc với ông trưởng ban, ông cho biết: “Công trình nhà bảo vệ được xây dựng xong từ khi anh Võ Văn Vinh còn điều hành. Tôi về đây nhận công tác từ đầu năm 2013 nhưng chưa thấy bàn giao gì cả”.

Chúng tôi lại tìm đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, nơi ông Võ Văn Vinh (nguyên trưởng Ban quản lý RPH Quỳnh Lưu) hiện đang công tác tại Cty này để hỏi rõ sự việc, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời rất chung chung.

Ban đầu, vị này khẳng định, công trình nhà bảo vệ đã được bàn giao trước khi ông chuyển đi. Thế nhưng khi PV thuật lại quan điểm của BQL RPH Quỳnh Lưu thì ông Vinh lại bao biện: “Cái đó để tôi xem lại hồ sơ vì cũng lâu rồi nên không nhớ rõ”, đồng thời hứa sẽ trả lời sau. Thế nhưng sau năm lần bảy lượt liên hệ, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ ông Vinh.

Qua quá trình tìm hiểu được biết, sở dĩ ông Ngọc không chịu ký nhận bàn giao là vì thời điểm đó công trình nhà bảo vệ không còn nguyên vẹn như hiện trạng ban đầu xây xong, cụ thể là toàn bộ hệ thống cửa đã …không cánh mà bay (?!)

Liên quan đến vấn đề này, Sở NN-PTNT Nghệ An cũng đã có Công văn số 2087/SNN-LN chỉ đạo BQL RPH Quỳnh Lưu tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể liên quan. Yêu cầu BQLRPH nhanh chóng thu hồi hệ thống cửa đã mất để tiến hành lắp đặt; gấp rút sữa chữa, thay thế các hạng mục hư hỏng đưa công trình này vào sử dụng đúng mục đích.

Bên cạnh đó, phải thành lập trạm bảo vệ rừng, đưa nhà bảo vệ vào quản lý và sử dụng, từng bước xây dựng phát triển vốn rừng tại vùng trọng điểm khu vực hồ Vực Mấu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.