| Hotline: 0983.970.780

Xây nhà kiên cố cho...bò!

Thứ Ba 28/09/2010 , 11:02 (GMT+7)

Bảo vệ "đầu cơ nghiệp", nhiều bà con nông dân ở Hà Tĩnh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để dựng nhà tránh lũ cho bò.

Xây nhà kiên cố cho trâu bò nghe có vẻ như chuyện phiếm. Vậy nhưng, để bảo vệ "đầu cơ nghiệp", nhiều bà con nông dân ở Hà Tĩnh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để dựng nhà tránh lũ. Cảnh cơm đùm, cơm lọ dắt trâu, bò sơ tán lên núi đã không còn phổ biến như xưa.

Về nơi rốn lũ 11 xã thuộc vùng ngoài đê La Giang - Đức Thọ (Hà Tĩnh) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt ngôi nhà tránh lũ cho gia súc, gia cầm của người dân nơi đây. Chủ tịch UBND xã Đức Châu Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Đức Châu có đàn trâu bò khá đông (trên 1.000 con). Trước đây, mỗi khi có lũ về, người dân phải mang trâu bò đi 5-6 km gửi lên các xã vùng núi để tránh lũ; có khi lũ về nhanh quá không kịp trở tay, toàn bộ tài sản của người dân trôi hết ra biển. Để chủ động trong phòng tránh mưa lũ, cách đây mấy năm, một vài hộ đã nghĩ ra cách làm nhà tránh lũ cho trâu bò. Thấy  hiệu quả,  bà con các xã ngoài đê theo nhau ồ ạt xây nhà tránh lũ. Hiện Đức Châu đã có gần 100 nhà kiên cố như vậy. Nhà thường được xây 2 tầng, đổ bê tông kiên cố, diện tích từ 40-60 m2, chiều cao khoảng từ 5-9 m với kinh phí trung bình khoảng từ 15-30 triệu đồng/nhà”.

Lượn một vòng trong làng, chúng tôi gặp ông Hoàng Nghĩa Bình, xóm 2, xã Đức Châu, ông phấn khởi nói: “Trước đây vất lắm, mỗi khi bão lũ ập đến, bà con lại tất tưởi dắt trâu bò, lợn gà sơ tán tứ tung. Lũ rút, lại vội vàng đưa đón chúng về. Thế nhưng từ khi làm nhà tránh lũ này, tôi thấy thuận tiện hẳn. Những ngày bình thường thì cho trâu bò ở tầng dưới, tầng trên để thức ăn dự trữ cho chúng; khi lũ đến thì đưa trâu bò, gà vịt lên tầng trên, khỏi lo trâu bò chết trôi, chết rét”.

Không riêng xã Đức Châu mà nhân dân các xã ngoài đê ở Đức Thọ đều đã bắt đầu thi nhau xây nhà tránh lũ cho trâu bò. Đến nay, toàn huyện Đức Thọ đã có trên 300 ngôi nhà tránh lũ cho hơn 6.500 con gia súc và trên 2 vạn con gia cầm. Ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ chia vui: “Nhà tránh lũ ở Đức Thọ có 2 hình thức, một là kết hợp nhà ở với nhà tránh lũ cho cả người và gia súc; hai là làm nhà tránh lũ cho gia súc, gia cầm biệt lập, nhưng dù làm theo hình thức nào thì cũng phát huy hiệu quả rất tốt. Ngày bình thường họ sử dụng nhà để ở, khi lũ đến họ dùng dự trữ thuốc men, nước ngọt, thực phẩm và cho gia súc, gia cầm tránh trú. Những gia đình có điều kiện đều đã xây dựng nhà tránh lũ kiên cố, còn những gia đình khó khăn đành phải chở đất ở các vùng núi về đắp thành những ụ đất cao 3-5 m tránh lũ”.

Rời Đức Thọ, ngược ngàn dọc theo dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, chúng tôi đến với huyện Hương Sơn - nơi cũng có hàng trăm nhà tránh lũ cho gia súc đã được bà con nông dân dựng lên. Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Hương Sơn hiện có gần 300 ngôi nhà tránh lũ, tập trung chủ yếu ở các xã ven sông Ngàn Phố như: Sơn An, Sơn Tân, Sơn Mỹ, Sơn Hà… Đặc biệt, có một số xã như Sơn An, Sơn Tân gần 100% hộ dân làm nông nghiệp đã xây dựng được nhà tránh lũ kiên cố. "Mọi năm, cứ đến mùa lũ,  5.000 con gia súc trong huyện lại phải di dời đến các xã vùng núi cao. Nhưng mấy năm gần đây,  nhờ sáng kiến xây nhà tránh lũ, số lượng gia súc, gia cầm chạy lũ giảm hẳn" - ông Trinh phấn khởi nói. 

"Trước đây cứ cận kề mùa lũ, nhà nông chúng tôi lại là lo ngay ngáy tìm chỗ dắt trâu bò đi gửi. Vừa  vất vả lại vừa nguy hiểm. Nay thì ngon lành rồi. 20 triệu đồng là số tiền không nhỏ nhưng được cái, xây xong nhà rồi thì khỏe hẳn ra, khỏi lo chạy lũ như chạy giặc" - Chị Nguyễn Thị Hoà ở xã Sơn Tân, Hương Sơn nói.

Tại huyện Vũ Quang cũng đã có trên 200 ngôi nhà tránh lũ, tập trung chủ yếu ở các xã thường xuyên ngập lũ như Đức Đồng, Đức Giang, Đức Liên, Đức Hương. Trưởng phòng NN-PTNT Nguyễn Thanh Sơn cho hay: Để đầu tư một ngôi nhà kiên cố cho trâu bò tránh lũ đòi hỏi phải chi phí một khoản không nhỏ. Tùy diện tích, có thể lên đến  20-30 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, mô hình nhà tránh lũ có tác dụng rất to lớn, khi bão lũ không chỉ trâu, bò có chỗ nương thân mà các hộ dân còn tích trữ được lương thực, nhu yếu phẩm để chống chọi qua cơn lũ.

Có thể thấy, những ngôi nhà tránh lũ cho gia súc ở Hà Tĩnh là sản phẩm của kinh nghiệm dân gian nhưng nó đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc phòng chống lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng đủ khả năng để đầu tư xây dựng. Do vậy, các cấp, các ngành nên nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con vùng lũ nhân rộng mô hình này.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất