| Hotline: 0983.970.780

Xây nhà "tốc hành" dưới đường điện

Thứ Sáu 14/08/2009 , 09:43 (GMT+7)

Người ta đã bất chấp tất cả, bởi theo tính toán mỗi căn nhà “giả” xây tốc hành chỉ cần bỏ ra 20-30 triệu nhưng khi nhận tiền đền bù thì cao gấp 10-20 lần...

Công trình đường dây điện 110KV phải hoàn thành trước tháng 9 để cung cấp điện cho NM Xi măng Bình Phước vận hành SX thử. Thế nhưng, hiện đang còn 14 căn nhà xây tạm nằm dưới đường điện “chờ” tiền đền bù nằm chềnh ềnh ra như thách thức.

Theo đó, NM Xi măng Bình Phước ( NMXMBP) đóng tại xã Thanh Lương ( huyện Bình Long) có tổng vốn đầu tư gần 4.750 tỷ đồng, công suất 2,2 triệu tấn xi măng/năm, là một trong những dự án thu hút đầu tư công nghiệp, trọng điểm và lớn nhất của địa phương. Đến nay, các hạng mục của NM cơ bản đã hoàn thành, dự kiến vào cuối năm nay những mẻ xi măng đầu tiên được sản xuất ở đây sẽ có mặt rộng khắp thị trường như TPHCM, Tây Nguyên, ĐNB và cả Campuchia.

Đây cũng là NM sẽ giúp DN chủ động nguồn Clinker cho sản xuất xi măng. Trước đây, Xi măng Hà Tiên 1 phụ thuộc vào nguồn Clinker nhập từ Thái Lan và các tỉnh phía Bắc. Ở thời điểm giá cao nhất của năm 2008, mỗi tấn Clinker có giá là 64,5 USD, tăng 20 USD/tấn. Vậy nên, nếu chủ động được nguồn Clinker, DN sẽ giảm được giá thành xi măng rất lớn. Vì thế, đây được coi là công trình trọng điểm chiến lược của Cty CP xi măng Hà Tiên 1.

Cùng với NMXMBP là công trình đường dây điện 110 KV với tổng mức đầu tư lên tới trên 11 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình có chiều dài 5km gồm 22 vị trí móng trụ, thời gian thi công trong 3 năm (2004-2007) nhưng đến 10/10/2007, chỉ mới xây dựng có 4 móng trụ (số 6,7,12 và 18) do vướng giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng nên ngày 19/8/2008, Cty Điện lực 2- đơn vị chủ đầu tư buộc phải cho tổ chức đấu thầu lại, Cty CP Năng lượng VINAPOWER trúng thầu phần thi công và sau 10 tháng đã thi công gấp rút được thêm 12 vị trí móng. Tuy nhiên, từ móng trụ số 4 đến trụ số 5 nằm QL 13 đã vướng phải cây xăng Thuận Giao nên phải đổi hướng. Từ đó đến nay, chỉ với chiều dài nửa cây số nhưng xuất hiện tới 14 căn nhà tạm được xây dựng vội vã để chờ nhận tiền đền bù, trong đó có cả “nhà tạm” của nguyên Bí thư xã Thanh Lương.

Người ta đã bất chấp tất cả, bởi theo tính toán mỗi căn nhà “giả” xây tốc hành chỉ cần bỏ ra 20-30 triệu nhưng khi nhận tiền đền bù thì cao gấp 10-20 lần. Nên trong thực tế nhiều hộ dân ở ấp Thanh Trung không có tiền để láng nền xi măng nhà đang ở, nhưng cũng “liều mạng” vay nợ tiền nóng bên ngoài để làm nhà chờ giải tỏa để đền bù.
Đó là nhà ông Phạm Đang nằm trên đường QL13 với diện tích to đùng 280m2 và từ khi xây dựng đến nay không có người ở, cửa đóng im lìm. Cách đó không xa, chừng 30m là của ông Đào Hồng Lựu “học theo”, là một chủ cửa hàng bách hóa, bán nước giải khát cũng đang xây móng, dựng rạp dịch vụ cưới hỏi với diện tích 200m2, riêng đoạn đường nối từ QL13 vào cột điện số 3 thì có tới 3-4 nhà cũng vừa xây tạm nối tiếp nhau, vắng hoe không có một bóng dáng người ở. Bình quân mỗi ngôi nhà tạm có diện tích từ 150- 200m2 với kết cấu tường thấp lè tè, mái tôn gá vào sơ sài, tôn mỏng. Với “chất lượng” xây dựng kiểu đó thì e rằng chỉ cần một trận gió mạnh thì mái sẽ tốc, tường sẽ sập nên chẳng có gì khó hiểu khi chẳng có hộ dân nào dám đến ở cả.

Điều đáng nói nằm trong khu vực nhỏ thuộc Tổ 3, thôn Thanh Trung, dưới đường điện của cột số 3, số 4 cũng mọc lên rất nhiều căn nhà xây đơn giản, tạm bợ, đi kèm theo các công trình phụ gồm chuồng heo, ao cá, nhà xưởng nhằm “đón đầu” chờ tiền đền bù khi đường điện đi qua. Theo qui định của UBND tỉnh Bình Phước, hộ dân nào xây nhà cùng các công trình phụ trên đất nông nghiệp, đất đã được quy hoạch mà không xin phép chính quyền thì sẽ bị giải tỏa trắng không được đền bù.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.