| Hotline: 0983.970.780

'Xé rào' xuống giống, nông dân 'đánh bạc' với trời

Thứ Năm 05/01/2017 , 09:55 (GMT+7)

Bất chấp khuyến cáo, tại một số địa phương, nông dân đã gieo thẳng; một số giống lúa không nằm trong cơ cấu vẫn được đưa vào sản xuất.

Theo lịch sản xuất vụ xuân 2017, trà lúa sớm nhất tại Nghệ An sẽ gieo mạ từ 5 - 10/1, trà muộn nhất từ 20 - 25/1. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2016, toàn tỉnh đã có hàng trăm ha mạ được gieo.

Bất chấp khuyến cáo, tại một số địa phương, nông dân đã gieo thẳng; một số giống lúa không nằm trong cơ cấu vẫn được đưa vào sản xuất.
 

"Xé rào" vẫn được mùa?

Chúng tôi gặp ông Phan Trọng Tú, nông dân xã Công Thành (Yên Thành) trên cánh đồng sản xuất của xóm Ngọc Hạ. Thời điểm này, một phần cánh đồng đã được nông dân gieo thẳng, lác đác trên các chân ruộng, mạ đã được gieo, phủ kín nilon chống rét.

11-15-53_m-duoc-gieo-truoc-lich-thoi-vu-15-20-ngy-2
11-15-53_m-duoc-gieo-truoc-lich-thoi-vu-15-20-ngy
Mạ được gieo trước lịch thời vụ 15 - 20 ngày
 

Mở kiểm tra một chân mạ, ông Tú cho biết: “Mạ này đã có 3 - 4 lá, được gieo cách nay 10 - 15 ngày. Chỉ dăm bữa nữa là có thể cấy rồi. Ở đây, nhiều hộ đã gieo mạ, hộ nào không cấy thì vài ba bữa nay cũng tập trung xuống đồng gieo thẳng”.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không theo đúng lịch nông vụ thì ông Tú cho biết: “Năm trước, chúng tôi cũng xuống giống sớm hơn so với lịch thời vụ đến 10 ngày nhưng vẫn được mùa. Đó là lý do vụ xuân này nông dân Công Thành bước vào sản xuất sớm. Nhà tôi có 3 sào ruộng (1.500m2 - PV) hết ngày hôm nay là sẽ gieo thẳng hết”.

Bà Nguyễn Thị Loan, xóm Nam Châu, xã Công Thành cũng cho biết, gia đình bà có có 1,5 sào lúa cấy, mạ đã gieo được 7 ngày; 2,5 sào còn lại, bà gieo thẳng, giống đã nảy mầm, chỉ vài ngày nữa là gieo xong”.

Theo ông Ngô Thanh Phúc, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Công Thành, mặc dù xã không cơ cấu giống BC 15 trong vụ xuân 2017 nhưng vẫn có một số hộ đưa giống này vào sản xuất. Những hộ này đã gieo mạ cách đây hơn 2 tuần, xã đã lập biên bản; trường hợp gặp thiên tai, giảm năng suất do thời tiết, các hộ này phải tự chịu trách nhiệm. Từ vài ngày lại đây, người dân đồng loạt ra đồng gieo mạ, ước lượng khoảng 20 - 30% diện tích cấy (khoảng 150ha); nhiều hộ sạ thẳng với diện tích khoảng 30ha.

“Vụ xuân 2016, nông dân Công Thành cũng gieo mạ trước lịch thời vụ, may mắn được mùa nên năm nay họ tiếp tục bất chấp lịch của ngành nông nghiệp”, ông Phúc cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tại huyện Yên Thành mà một số địa phương khác như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn… tình trạng bất chấp lịch thời vụ trong vụ xuân 2017 diễn ra phổ biến.
 

“Đánh bạc” với trời

Theo đề án, vụ xuân 2017, Nghệ An gieo trồng 89 nghìn ha lúa các loại. Ba trà lúa sẽ được bố trí lịch gieo mạ kéo dài từ 5 - 25/1/2017, cấy tập trung sau Tết Nguyên đán. Lịch sản xuất nông vụ của Nghệ An nêu rõ: Không ra giống quá sớm để tránh lúa làm đòng và trổ gặp rét; riêng những vùng sản xuất lúa hè thu chạy lụt nên bố trí cho lúa xuân trổ từ 20 - 25/4 và chọn giống ngắn ngày. Dự tính, với khung lịch thời vụ trên, lúa xuân Nghệ An cơ bản sẽ trổ tập trung từ 25/4 - 5/5/2017.

Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân nhiều địa phương đã xuống giống sớm hơn lịch thời vụ gần 1 tháng.

11-15-53_nhieu-ho-ti-huyen-yen-thnh-d-s-thng
Bỏ qua khuyến cáo, nhiều hộ dân đã sạ thẳng
 

Lý giải nguyên nhân khiến nông dân xuống giống sớm, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Toàn huyện có khoảng 1ha mạ đã gieo, phục vụ gieo cấy ở những vùng ven sông Bùng. Thực tế, đây là vùng sâu trũng, nông dân vẫn có thói quen gieo mạ sớm để cấy sớm tránh trường hợp cuối vụ nước đổ về không thể cấy được(?)”.

Yên Thành là huyện có diện tích mạ gieo sớm nhiều nhất tỉnh Nghệ An, chủ yếu tập trung ở các xã miền núi. Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thành cho rằng, thực tế được mùa vụ xuân năm 2016 khi xuống giống sớm cộng với việc vụ hè thu được sản xuất sớm hơn, tránh được mưa lũ đã khiến nông dân đua nhau ra mạ sớm và dường như đã trở thành tập quán.

“Khi phát hiện thì nông dân đã ngâm ủ giống. Hiện toàn huyện đã có 100/500ha theo kế hoạch đã được gieo từ 10 - 20 ngày tuổi rồi. Chủ yếu rơi vào các giống lúa lai Thái Xuyên 111, Khải phong số 1… Giờ cũng không biết xử lý thế nào khi sự việc đã lỡ rồi, chỉ mong là không gặp cảnh mất mùa”, ông Dương cho biết thêm.

Trước tình trạng nông dân gieo mạ sớm hơn lịch thời vụ, Sở NN-PTNT Nghệ An đã có công văn chấn chỉnh. Theo đó, những địa phương để nông dân ra mạ quá sớm so với lịch sản xuất vụ xuân, nếu xẩy ra thiệt hại do thiên tai hoặc trổ gặp rét, năng suất sụt giảm, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Xem thêm
Ra mắt vacxin 3 trong 1 phòng các bệnh truyền nhiễm ở gia cầm

Vacxin 3 trong 1 đầu tiên và duy nhất tại thị trường Việt Nam phòng các bệnh truyền nhiễm ở gia cầm vừa được Boehringer Ingelheim Việt Nam công bố ra mắt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đặc biệt tập trung phòng chống bệnh cúm gia cầm và dại

Chiều 12/4, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác quý II lĩnh vực thú y. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự và chủ trì hội nghị.

Mưa đá 'tàn phá' 80ha mận hậu Sơn La

Mưa đá kèm gió mạnh làm thiệt hại hơn 80ha mận hậu đang chuẩn bị cho thu hoạch của người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La).

Tưới tiết kiệm: Cái khó bó cái khôn

Tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích mà bản thân nông dân hiểu rất rõ, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.