Xem Bình Dương làm nông nghiệp đô thị

Trước xu hướng đất nông nghiệp đang giảm dần, nhường chỗ cho các khu đô thị, yêu cầu cấp bách là phải tạo ra giá trị lớn trên một diện tích nhỏ, tỉnh Bình Dương đã sớm lên kế hoạch đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Và kết quả cho thấy, tỉnh này không chỉ đi sớm, mà còn đi rất đúng hướng.

Rất nhiều mô hình nông nghiệp, từ cá nhân đến doanh nghiệp, được đầu tư bài bản, tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi đến tham quan trang trại trồng lan cắt cành Mokara của ông Lê Văn Đạt, ở P. Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một. Đây là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường, bên cạnh sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương.

Ông Đạt kể, ông có thú vui trồng cây cảnh, lan là một trong những cây ông trồng từ lâu. Cách đây mấy năm, nhiều người thấy những chậu lan Mokara của ông đẹp nên hỏi mua. Ông bán xong lại trồng tiếp. Dần dà, toàn bộ diện tích 1.000m2 đất của gia đình được đầu tư trồng toàn bộ lan. Công chăm sóc đều từ người nhà, không phải thuê mướn, nên mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi hơn chục triệu đồng.

Thành công của ông Đạt khiến nhiều hộ học hỏi và cũng khá lên. Đến nay, các hộ trồng lan này đã liên kết lại, thành lập HTX Hoa lan Đất Thủ gồm 87 hội viên với diện tích 8ha. Nhãn hiệu “Hoa lan Đất Thủ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận… Hiện, mỗi ngày, HTX cung ứng hàng ngàn cành lan cho thị trường với giá bán từ 5-6 ngàn đồng/cành.

Riêng vườn lan của ông Đạt được chọn tham gia dự án “Trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới” và làm mô hình trình diễn. Ônh Đạt cho biết, toàn bộ vườn lan được lắp đặt hệ thống tưới phun sương bán tự động. Áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ chọn giống, bón phân cho đến phòng trừ sâu bệnh nên vườn lan của ông sinh trưởng rất tốt. So với cách trồng bình thường, lan trong dự án của ông Đạt phát triển từ 2 - 4 lá/tháng so với 1- 2 lá/tháng, lá có màu xanh bóng đẹp, bản lá to bề ngang và dài hơn. Số cành hoa cũng phát triển nhiều hơn bình thường, từ 2 - 6 cành tùy theo giống lan.

Một mô hình nông nghiệp thành công nổi bật khác là vườn lan Dendro diện tích 6ha của ông Mai Quốc Thái ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Đây được coi là trang trại lan thuộc diện lớn nhất ở miền Ðông Nam bộ. Toàn trang trại đều chuyên canh giống lan Dendro được trồng và khai thác theo dạng cắt cành và bán chậu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại cho lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Theo ông Thái, làm nông nghiệp công nghệ cao, kiến thức là một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại. Ông Thái vốn là kỹ sư, từng là giảng viên Khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Rời giảng đường về làm nông nghiệp, trước khi thành công với trang trại lan, ông từng nhiều lần thất bại với cao su, xoài, bưởi.

“Trong một lần xem chương trình giới thiệu loại lan dendro của Thái Lan, tôi tò mò tìm hiểu và sau đó quyết định “chinh phục” loài hoa khó tính này”, ông Thái nhớ lại.

Sau đó, ông Thái sang tận Thái Lan tham khảo cách trồng lan. Về nước, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các vườn lan tại Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước… về lan dendro. “

Lan dendro cho bông đẹp, được thị trường đón nhận rất nhiều. Tuy nhiên, hỏi cách trồng, chăm sóc thì nhiều nhà vườn lắc đầu, chào thua. Với suy nghĩ, khó mới có cửa cạnh tranh, ngày đêm tôi tìm tòi cách trồng, chăm sóc cho loài lan đặc biệt này”, ông Thái cho biết.

Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ vợ và 2 cô con gái (đều là kỹ sư tốt nghiệp Đại học Nông Lâm), cuối cùng, ông Thái đã chinh phục thành công loài lan dendro.

Có thể nói, sự thành công của những mô hình nông nghiệp đô thị ở Bình Dương có sự đóng góp không nhỏ của chính quyền địa phương. Với mục tiêu xây dựng những trang trại trồng lan cắt cành quy mô lớn, kỹ thuật cao, trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương cũng thường xuyên mời các chuyên gia trong ngành đến để hỗ trợ kỹ thuật cũng như xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt cho nông dân, hỗ trợ các loại phân bón chuyên dùng cho lan và thường xuyên nhập các giống mới hỗ trợ cho các trang trại.

Đến thời điểm này, có đến 90% lan thương phẩm cắt cành ở các trang trại đạt loại 1. Đến nay, những trang trại trồng lan cắt cành ở Bình Dương đều rất tự tin về kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Ngoài ra, để tiếp sức cho nông dân, hướng đến việc sản xuất lan thương phẩm chuyên nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kỹ thuật cao. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với những hộ dân đang chuyển đổi cây trồng và chọn mô hình trồng lan cắt cành để làm hướng phát triển mới. 

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay các cơ quan chức năng trong tỉnh cũng phối hợp cùng nông dân trồng lan tích cực quảng bá hình ảnh hoa lan Đất Thủ đến nhiều thị trường trong nước. Còn những nông dân trồng lan thì tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng hoa lan, hướng đến các sản phẩm lan cắt cành sạch từ bên trong và cho năng suất cao.

 

Ngoài hàng trăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, Bình Dương còn xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đầu tư bài bản theo hướng hiện đại. Hiện đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).

Trong số này, khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái - Unifarm (xã An Thái, huyện Phú Giáo) là đơn vị đi đầu làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, An Thái cũng là khu nông nghiệp thành công nhất Bình Dương với các sản phẩm như chuối, nhãn, dưa lưới… đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không chỉ nổi tiếng và chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan…

Để có mô hình nông nghiệp hiện đại, thành công như hôm nay, An Thái đã đi lên từ con số 0! Năm 2008, thời điểm An Thái bắt đầu làm dự án, trong nước chưa có mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào hoạt động hiệu quả để tham khảo, học hỏi, Unifarm đã phải “tự thân vận động”.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Unifarm kể, thời điểm mới thành lập, Unifarm chỉ có vỏn vẹn 10 con người, gồm lãnh đạo và kỹ thuật. Các thành viên phải chia nhau đi các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Đài Loan, Nhật Bản… để học hỏi, tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ thế, Unifarm sau đó còn thuê chuyên gia từ Israel, Philippines về tư vấn kỹ thuật cho Unifarm.

Năm 2010, Unifarm dám bỏ ra số tiền gần chục tỷ đồng để đầu tư cho diện tích 1ha hệ thống nhà kính. Đây là hệ thống khép kín bao gồm tưới tiêu, bón phân, kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, và điều khiển tự động bằng máy tính.

“Thời điểm năm 2009-2010, chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư số tiền lớn như vậy, nên nhiều người nói vui, Unifarm không chỉ đi đầu, mà còn 'chơi sang' trong nông nghiệp”, Tổng giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm nói.

Loại cây chính được Unifarm trồng trong nhà kính là dưa lưới, một loại trái cây mới du nhập vào Việt Nam, đang khá “hot” trên thị trường. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật tiên tiến dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài, dưa lưới của Unifarm đã thắng lớn ngay vụ đầu tiên, mặc dù giá bán chỉ bằng 1/2 so với hàng nhập khẩu, trong khi chất lượng tương đương, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ diện tích 1ha trồng dưa lưới ban đầu, công ty tăng diện tích lên 3ha và không ngừng tăng thêm diện tích khi nhu cầu tiêu thụ dưa lưới tại Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận ngày một tăng cao.

Ngoài dưa lưới, Unifarm cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu, thực nghiệm hơn 20 loại rau quả khác. Cuối cùng đã chọn ra một số mô hình cây trồng phù hợp để phát triển, chuối là một trong số đó.

Năm 2011, Unifarm trồng thử nghiệm giống chuối từ Philippines. Đến năm 2013, 10ha chuối cho năng suất bình quân 50 tấn/ha của Unifarm đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật và Mỹ… Đó chính là những thành công ban đầu của Unifarm.

Ngoài các sản phẩm chủ lực là chuối, dưa lưới hiện đã có mặt tại hầu hết ở các siêu thị lớn trên toàn quốc, với tỷ lệ phân phối nội địa và xuất khẩu 50/50; Unifarm còn có nhiều loại hoa trái khác như quýt đường, nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan với những ưu điểm nổi bật là vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt, thơm, giòn… được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Hiện tại, Unifarm đã có hơn 12ha nhà kính trồng dưa lưới, một năm 3 vụ với năng suất khoảng 100 tấn/ha/năm.

Đồng thời, Unifarm còn chuyển giao, nhân rộng kỹ thuật trồng dưa lưới cho các trang trại trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, số lượng khách từ mọi miền đất nước tìm đến học hỏi kinh nghiệm ngày càng đông.

“Điều đó cho thấy, ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể khát khao làm giàu, và thành công. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều bà con nông dân nắm rõ kỹ thuật, quy trình canh tác áp dụng khoa học tiên tiến. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con nông dân chuyển hướng cây trồng, sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho bà con”, Phó giám đốc kỹ thuật Unifarm Phạm Minh Tiệp nói.

Ngay từ đầu tham gia và ngành này, Unifarm đã chọn cho mình một hướng đi riêng là chú trọng yếu tố chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, qua đó, sản phẩm của Unifarm đạt tiêu chuẩn để bán vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. So với các doanh nghiệp làm nông nghiệp với định hướng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc, chất lượng sản phẩm của Unifarm là hoàn toàn khác biệt. Vì thế, Unifarm chưa từng có chuyện phải “giải cứu” sản phẩm.

Với mục tiêu vươn lên top đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chuối chất lượng cao nhất thế giới, từ năm 2014, Unifarm quyết định hợp tác với Dole, tập đoàn số 1 thế giới về trồng trọt và kinh doanh sản phẩm chuối của Hàn Quốc. Sau đó, Dole đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật từ Philippines và các quốc gia mạnh về chuối khác đến hỗ trợ giám định chất lượng và đào tạo người cho Unifarm, nhiều nhân viên kĩ thuật của Unifarm được đưa sang Philippines huấn luyện, đào tạo.

Năm 2016, Unifarm và Dole quyết định nâng tầm hợp tác thông qua việc ký hợp đồng để phát triển thêm 1.200ha chuối, xuất khẩu độc quyền cho Dole, Nhật Bản và Malaysia. Riêng Unifarm được Dole tin tưởng trao quyền kinh doanh sản phẩm chuối do Unifarm trồng, được các chuyên gia Dole giám sát chặt chẽ, mang nhãn hiệu Dole tại thị trường Việt Nam, bên cạnh các dòng chuối mang các nhãn hiệu khác của Unifarm.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Dương, từ năm 2016 đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tăng 3 lần với hơn 5.345ha.

Tính tới nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 469ha, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định với 142 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,3 triệu con. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn 517 ngàn con. Chăn nuôi vịt thịt có 15 trại với số lượng 205 ngàn con.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã có nhiều Chương trình, Kế hoạch sát thực tiễn, tạo đòn bẩy giúp nông dân nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả.

Ðể nông nghiệp đô thị phát triển căn cơ và thực chất, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Ðề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, các phương án sản xuất của cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Ðầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định. Thời gian vay ưu đãi lên đến 5 năm, hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô phương án đầu tư.

Kết quả đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và xét duyệt 107 phương án vay với tổng vốn lên gần 1.000 tỷ đồng. Hiện đã phê duyệt cho vay và ký hợp đồng tín dụng 76 phương án với tổng mức vốn đề nghị vay 650 tỷ đồng, tổng mức vốn phê duyệt cho vay 572 tỷ đồng. Ðến nay Quỹ Ðầu tư phát triển tỉnh đã thực hiện giải ngân theo tiến độ 526 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.

Hiệu quả từ nguồn vốn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng, các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển cả về lượng lẫn chất mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu của Ðề án nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

 

Chính sách sát thực tiễn giúp nông dân có điều kiện nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả.

Theo ông Mai Quốc Thái: “Để làm được nông nghiệp đô thị với những mô hình hiệu quả kinh tế cao, nếu không có sự hỗ trợ thì khó làm được bởi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Như trại lan của tôi, dù nỗ lực lắm nhưng lúc khởi sự chỉ đầu tư được 1,5ha vì chi phí đầu tư ban đầu cho 1ha lan Dendro đã hơn 4 tỷ đồng. Năm 2013, nhờ vay được vốn ưu đãi từ chương trình hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh với lãi suất 5,6%/năm, sau đó giảm còn 4,3%/năm, tôi mới có điều kiện mở rộng vườn lan lên 6ha như hiện nay”.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Bình Dương đang phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết: Tuy nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế hiện nay nhưng Bình Dương rất quan tâm đến nông nghiệp, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách và có hẳn hai Nghị quyết về “Phát triển nông nghiệp đô thị” và “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.

Trong Phát triển nông nghiệp đô thị, tỉnh ban hành Quy định hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển, đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Với hình thức hỗ trợ vốn thông qua Quỹ Ðầu tư phát triển của tỉnh, nếu nông dân có dự án được đánh giá tốt, có thị trường tốt thì được vay với lãi suất rất thấp.

Thông qua việc giao vốn cho Quỹ đầu tư cho vay, Nhà nước chỉ lấy phí quản lý, phí bảo tồn vốn và thời gian cho vay dài hạn nên thời gian qua nhiều nông dân, doanh nghiệp được vay vốn để phát triển, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị tại tỉnh Bình Dương.

 

 

Rõ ràng, những chương trình, chính sách được tỉnh Bình Dương ban hành đã thật sự là đòn bẩy giúp nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất tiên tiến được ứng dụng rộng rãi.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa rất nhanh. Đó là xu thế tất yếu. Bên cạnh những thành tựu chung đã được khẳng định, quá trình này cũng làm cho các nguồn lực trong nông nghiệp giảm nhanh; lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động lớn tuổi, lao động nữ ngày càng thiếu việc làm, đối mặt với nhiều thách thức đặt ra trước mắt cũng như lâu dài.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông nói: “Nhằm cân bằng cảnh quan, khắc phục mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thì đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị là một giải pháp quan trọng, mang lại hiệu quả cao và bền vững. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp đô thị cũng góp phần quan trọng để cải thiện cảnh quan, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tại chỗ cho người dân đô thị, bảo đảm sức khỏe của người dân…

Hồng Thủy - Thanh Sơn
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Hồng Thủy - Đức Trung
Hồng Thủy - Đức Trung