Chủ nhật, 19/05/2024 | 22:08 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 08:25, 17/04/2023

Xem người Nhật làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

SƠN LA Tại Sơn La, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ của các đơn vị, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản là kinh nghiệm quý cho nông dân địa phương học hỏi.

Tại Sơn La, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) vừa phối hợp cùng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tọa đàm “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam” và tham quan, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp an toàn, theo chuỗi giá trị tại các doanh nghiệp và trang trại nông nghiệp Nhật Bản tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La).

IMG_0956

Các đại biểu thảo luận sôi nổi, chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp an toàn tại Tọa đàm Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, thông qua Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, JICA triển khai. Bộ NN-PTNT Việt Nam đã giao Trung tâm KNQG là đơn vị chủ trì triển khai dự án.

Hoạt động lần này tại Sơn La nhằm giúp các HTX cũng như lực lượng cán bộ khuyến nông các địa phương là những chủ thể trực tiếp tham gia và hỗ trợ triển khai dự án có cơ hội quan sát thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm tăng cường sản xuất sản phẩm an toàn, theo chuỗi giá trị. Đồng thời, trao đổi về những thách thức và khó khăn cũng như ý tưởng, giải pháp tháo gỡ, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Sản xuất khép kín, bảo vệ thương hiệu trà Nhật Bản

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tới thăm chuỗi sản xuất trà xanh, trà matcha khép kín tại nhà máy sản xuất chè Nhật Bản của Công ty TNHH Satoen Việt Nam (tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ). Đây là nhà máy sản xuất trà Nhật Bản và trà matcha chất lượng cao đầu tiên bên ngoài Nhật Bản.

Tại đây, các đại biểu đã thăm và trao đổi kinh nghiệm trồng trà tại khu sản xuất nguyên liệu của Công ty với diện tích gần 52ha, sử dụng giống trà Nhật Bản được canh tác theo quy trình tự quản nghiêm ngặt, với sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản và các nhân viên địa phương được đào tạo bài bản. Quy trình sản xuất được tổ chức khép kín bằng những thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Công ty đã sử dụng lưới che giúp lá trà luôn tươi xanh để làm nguyên liệu sản xuất trà matcha (đây là phương pháp ít đơn vị sử dụng).

IMG_1045

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 2 từ trái sang) cùng đại diện JICA Việt Nam thăm khu vực sản xuất nguyên liệu trà Nhật Bản của Công ty TNHH Satoen Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng.

Tất cả sản phẩm sẽ được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng tại Viện Thực phẩm và Dược phẩm Satoen và Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.

Công ty cũng đặt nhà máy chế biến ngay trong trung tâm vườn chè với dây chuyền sản xuất trà xanh có công suất 2 tấn/ngày, sản xuất trà matcha 2,5 tấn nguyên liệu thô/ngày. Những búp trà non sau khi thu hoạch được đưa ngay vào chế biến giúp giữ được hương vị đặc trưng của trà Nhật Bản.

Theo ông Sato Kimihico, Chủ tịch Satoen Việt Nam, khi tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín sẽ tạo thuận lợi trong việc kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ hiện đại, các phương pháp canh tác tiên tiến cũng trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp trân trọng thiên nhiên

Tại trại rau hữu cơ Nico Nico Yasai tại thị trấn Vân Hồ (Sơn La), các đại biểu tham quan không khỏi ấn tượng với sự tâm huyết, cần mẫn cũng như triết lý canh tác nông nghiệp “there is no wast around a plant” (không có gì bỏ đi xung quanh cây trồng) của hai chàng trai Shiokawa Minoru (Nhật Bản) và Nguyễn Phước Sinh (đến từ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Chủ trang trại Shiokawa Minoru chia sẻ: Trang trại rau hữu cơ tại Vân Hồ có diện tích hơn 2.500m2, được thiết kế thành các nhà màng, nhà lưới trồng cà chua, khoai tây, ớt chuông, hành tây...

IMG_1086

Triết lý canh tác nông nghiệp “there is no wast around a plant” của hai chàng trai Shiokawa Minoru và Nguyễn Phước Sinh tại trang trại rau hữu cơ Nico Nico Yasai đã gây ấn tượng mạnh với các đại biểu tham quan. Ảnh: Hải Đăng.

Phương châm hoạt động của Nico Nico Yasai là “sản xuất nông nghiệp phải trân trọng thiên nhiên, bào chế nguồn dinh dưỡng và tạo ra sản phẩm tốt nhất mang giá trị đặc biệt”. Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất, trang trại luôn trân trọng tất cả những phế phẩm nông nghiệp, biến chúng thành nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng. Có thể kể đến như bào chế gừng, tỏi, ớt… thành các chế phẩm để tăng sức đề kháng cho cây, xua đuổi côn trùng. Sử dụng các loại thiên địch để bảo vệ cây trồng. Tận dụng thân, lá cây bỏ đi ngâm ủ với men vi sinh để làm phân bón. Trường hợp cây trồng gặp những bệnh nặng thì sẽ được nhổ bỏ chứ không cố gắng cứu chữa bằng hóa chất....

Theo anh Shiokawa Minoru, muốn sản xuất rau hữu cơ, tất cả các yếu tố đầu vào như giống, nước tưới, phân bón... đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Quá trình canh tác phải được thực hiện một cách thủ công, tuyệt đối “nói không” với thuốc BVTV và phân bón hóa học.

Bên cạnh đó, quan trọng hơn là người trực tiếp sản xuất phải có tinh thần yêu môi trường, chăm chỉ, kiên trì, sáng tạo, năng động và đoàn kết mới có thể thành công. Bởi lẽ, khi sản xuất thuận theo tự nhiên, hữu cơ thì năng suất thường chỉ bằng 60% sản xuất thông thường. Mẫu mã sản phẩm không được đẹp mắt. Người dân Việt Nam vẫn chưa thể nhận diện và có cách ứng xử đúng với những sản phẩm an toàn nên giá bán sản phẩm mặc dù cao hơn nhưng vẫn chưa có sự khác biệt với sản phẩm cùng loại sản xuất thông thường, trong khi quá trình sản xuất tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí...

Kiểm soát nghiêm ngặt các khâu trong sản xuất

Tại trang trại sản xuất dâu tây của Công ty Rau quả Việt Nhật tại bản Búa, xã Đông Sang (Mộc Châu), ông Nahana Shojiro, Giám đốc Công ty đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc trồng dâu tây an toàn, tiết kiệm chi phí.

Theo ông Nahana Shojiro, để vừa tạo ra sản phẩm dâu tây chất lượng, an toàn, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, ở từng khâu trong quá trình sản xuất đều phải được thực hiện một cách cẩn trọng.

IMG_1220

Trang trại dâu tây của ông Nahana Shojiro đang thành công với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Ảnh: Hải Đăng.

Trung bình cây dâu tây cho thu hoạch tối đa 6 năm. Tuy nhiên, năng suất cao nhất thường rơi vào năm thứ nhất và thứ hai. Do đó, nếu duy trì được việc 1 năm thay cây giống 1 lần thì năng suất, sản lượng sẽ đạt tối ưu.

Để chủ động cây giống, Công ty đã xây dựng hệ thống nhà màng để nhân giống riêng biệt. Từ những cây bố mẹ, sẽ áp dụng phương pháp nhân giống vô tính để duy trì được chất lượng nguồn gen.

Về chăm sóc, dâu tây là cây trồng rất dễ mắc nhiều loại bệnh, trong đó, bệnh thán thư là loại bệnh khó điều trị và có thể gây ra tình trạng chết hàng loạt.

Để giải quyết triệt để bệnh này, trang trại đã xây dựng thành từng bể trồng khép kín, chỉ để 1 lối thoát nước duy nhất. Sau đó, dùng cám gạo đánh đều với đất, tiến hành bơm ngập nước, dùng nilon phủ kín bề mặt để hạn chế không khí và giữ được nhiệt độ (luôn duy trì nhiệt độ từ 30 - 50 độ C). Ngâm đất ít nhất trong vòng 1 tháng để diệt hết mầm bệnh mới tiến hành xuống giống.

Theo ông Nahana Shojiro, phương pháp này chi phí khá cao nhưng hiệu quả lại rất tốt, minh chứng là 2 năm trở lại đây, trang trại của ông không còn hiện tượng cây chết do bệnh thán thư.

Đối với nhện gây hại, do thời gian thu hoạch trải dài và trồng dâu tây trong nhà lưới nên nhện xuất hiện khá nhiều. Ông đã sử dụng phương pháp “nhện ăn nhện”. Ông liên hệ với Công ty TNHH Dalat Hasfarm mua giống nhện thiên địch về nuôi. Loài nhện này sẽ giúp tiêu diệt nhện phá hoại, không cần dùng tới thuốc BVTV mà hiệu quả lại cao hơn rất nhiều lần.

IMG_1165

Những phương pháp canh tác nông nghiệp an toàn tại các trang trại Nhật Bản đã gợi mở nhiều ý tưởng cho các HTX Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, để tăng dinh dưỡng cho đất, ông đã sử dụng trấu ngâm ủ hoai mục với men vi sinh để bón thay vì dùng các loại phân bón hóa học.

Với cách làm này, các diện tích dâu tây của Công ty sinh trưởng và phát triển rất tốt. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường khoảng 14 tấn dâu tây. Sản phẩm sản xuất ra tới đâu đều được thu mua hết tới đó.

Sau khi được tận mắt chứng kiến và trao đổi kinh nghiệm với các chủ trang trại người Nhật Bản, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Chiềng Hặc, Yên Châu) hào hứng chia sẻ: Mặc dù cây trồng chính của HTX là xoài, nhưng những phương pháp cải tạo đất, tận dụng phế phụ phẩm làm phân bón, sử dụng thiên địch, xử lý môi trường khu vực sản xuất, chế biến... của các cây trồng được tham quan hoàn toàn có thể áp dụng trên cây xoài nói riêng, cây trồng khác nói chung để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG, Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam” có nhiều đổi mới về mặt thiết kế, đó là cách tiếp cận xây dựng chuỗi giá trị. Trong đó, có tác nhân tham gia trong chuỗi là HTX, hệ thống khuyến nông.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho HTX, dự án còn nâng cao năng lực cho các cán bộ khuyến nông và các bên tham gia trong chuỗi giá trị cây trồng an toàn. Đây là cách tiếp cận mang tính bền vững nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực thực thi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

TRUNG QUÂN - VÕ VIỆT

Kiên Giang phát triển 7.000ha trồng trọt hữu cơ

Kiên Giang phát triển 7.000ha trồng trọt hữu cơ

Kiên Giang Theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến năm 2025 tỉnh này phát triển 7.000ha trồng trọt hữu cơ.

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

Chiến khu xưa chuyển mình sang sản xuất hữu cơ

ĐỒNG NAI Do nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng cao, không ít nông dân xã Phú Lý đã ý thức chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hướng hữu cơ.

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, đặt nền móng cho sản xuất hữu cơ

NGHỆ AN Nâng cao năng suất, chất lượng, cây lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái là những giá trị mà mô hình áp dụng IPHM mang lại.  

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi

QUẢNG BÌNH Nhờ canh tác trồng bưởi theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ dân có thu nhập tiền tỷ từ vùng đất gò đồi trước đây sản xuất kém hiệu quả.

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Xây dựng chuỗi liên kết, chìa khóa để nông nghiệp hữu cơ cất cánh

Việc xây dựng các chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

BẮC GIANG Chiếc chài trong tay ông Vũ từ từ kéo lên, trong đó mấy con chép, trôi của vụ lúa cá trước giãy ầm ầm. Chọn lấy ba con to nhất ông đem về đãi khách.

Xem Thêm