| Hotline: 0983.970.780

Xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 đồng phạm

Thứ Hai 08/01/2018 , 06:55 (GMT+7)

Ngày 8/1/2018, TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). 

13-56-03_tt
Ôông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh

Phiên tòa dự kiến kéo dài 14 ngày, ông Đinh La Thăng cùng 21 bị cáo khác bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và “Tham ô tài sản” (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999).

Ông Trương Việt Toàn – Phó Chánh Tòa hình sự - Thẩm phán phiên tòa cho biết: “Từ ngày 1/1/2018, TAND TP Hà Nội áp dụng tất cả các quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử theo bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Vì vậy, phiên tòa sẽ không có vành móng ngựa, đại diện VKS ngồi đối diện các luật sư, đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội”.

Đây là một trong những phiên tòa đầu tiên ở TAND TP Hà Nội áp dụng những điểm mới này. Cũng theo Thẩm phán Trương Việt Toàn, về mặt nội dung, sẽ phát huy hơn nữa quyền tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo quyền con người tốt hơn nữa cho các bị cáo. Việc này phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đề ra. Đồng thời, HĐXX phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ đảm bảo tối đa tính độc lập, tuân thủ theo pháp luật. Các phóng viên đưa tin phiên tòa sẽ được bố trí một hội trường riêng để tác nghiệp.

Căn cứ kết quả điều tra vụ án đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can và sai phạm của những người liên quan, tổng cộng 22 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 12 bị cáo bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN), Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN), Lê Đình Mậu (nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN). Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN), Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN). Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó CT HĐQT PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC), Trương Quốc Dũng (nguyên Phó TGĐ PVC).

Có 8 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, riêng 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị truy tố về cả 2 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

Về tội danh của bị cáo Đinh La Thăng, theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,312 nghìn tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1,115 nghìn tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119,8 tỷ đồng. Hành vi nêu trên của Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị can Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,312 nghìn tỷ đồng. Quyết định sử dụng 1,115 nghìn tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra bị can khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, sau khi phạm tội bị can đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Theo khung hình phạt hiện hành, với tội danh trên, bị cáo Đinh La Thăng có thể đối mặt với khung hình phạt 10 - 20 năm tù, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có thể đối mặt với mức án tử hình.

Ngoài việc bị đưa ra xét xử trong vụ án lần này, cả hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh còn bị truy tố tại 2 vụ án khác. Ông Đinh La Thăng cùng 6 bị can khác bị truy tố tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án gây thiệt hại 800 tỉ đồng của PVN đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank). Trịnh Xuân Thanh cùng 7 bị can khác bị truy tố tại vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) và Công ty Minh Ngân. Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt tại vụ án này là 49 tỉ đồng.

Gia đình một số bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả

Trước khi phiên tòa diễn ra, một số gia đình bị cáo đã nộp tiền xin khắc phục hậu quả. Trong đó, gia đình bị cáo Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng tạm thời khắc phục số tiền Nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại PVC. Gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã nộp 2 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Anh Minh nộp 1,3 tỷ đồng, gia đình bị cáo Lương Văn Hòa 2,46 tỷ đồng, bị cáo Vũ Đức Thuận đã khắc phục 800 triệu đồng, bị cáo Bùi Mạnh Hiển đã khắc phục 300 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Thành Quỳnh và bị cáo Lê Thị Anh Hoa đã khắc phục 977,5 triệu đồng…

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm