| Hotline: 0983.970.780

Xét xử vụ Lý Nguyễn Chung: Luật sư chỉ ra nhiều uẩn khúc

Thứ Năm 23/07/2015 , 09:14 (GMT+7)

Ngày 22/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung trong vụ án giết người và cướp tài sản xảy ra tại thôn Me.

* Bị cáo một mực nhận tội

Trong cả ngày, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành thời gian cho việc tranh tụng. Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang (VKS), cáo trạng truy tố Lý Nguyễn Chung trong vụ án giết người và cướp tài sản là có căn cứ, đúng người đúng tội.

“Việc tiến hành thực nghiệm hiện trường đối với bị cáo Lý Nguyễn Chung đã phù hợp với những lời khai trong vụ án. Những người có liên quan như bà Lành (mẹ kế của Chung), chị gái và chị dâu của Chung... đều được nghe kể lại việc Chung giết chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Me để cướp tài sản”, vị này nêu rõ.

Trước tòa, bị cáo cũng thừa nhận toàn bộ hành vi sát hại chị Hoan và khẳng định chỉ có một mình gây án, không có đồng phạm trong việc này.

Tuy nhiên, trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên (21/7), bà Nguyễn Thị Hà, trú tại xã Song Mai (TP Bắc Giang), một “nhân chứng mới”, được triệu tập tại tòa, đã đưa ra nhiều căn cứ để cho rằng Chung không phải hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan, cướp tài sản. Theo người phụ nữ này, hai chiếc nhẫn Chung khai cướp được của chị Hoan là không đúng, bởi số tài sản này đã được cầm cố, lấy 2 triệu đồng trả cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Bà Hà lập luận rằng với hình dáng thấp bé, Chung không thể giết được người to cao hơn là chị Hoan. Người phụ nữ này nghi vấn, chị Hoan từng có quan hệ tình cảm với ông Chấn, bị sát hại ngay hôm đi cầm cố nhẫn và dây chuyền trả nợ nên ông Chấn mới là hung thủ.

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, bà Hà không phải là người biết các hành vi gây án của Chung. Những lời khai của bà Hà cũng không có căn cứ cụ thể, nghi ngờ suy diễn, mang tính chủ quan và không đúng sự thật.

LS Giáp Văn Điệp, luật sư bảo vệ cho gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Hoan trình bày nhiều điểm nghi ngờ và uẩn khúc của vụ án, những điều cần làm rõ. Theo đó, bị cáo Chung tránh nhiều câu hỏi mà HĐXX đưa ra, những câu hỏi đó có thể hé lộ nhiều tình tiết mới của vụ án. Mặt khác, Chung có khai nhận hành vi giết chị Hoan diễn ra quyết liệt nhưng quần áo trên người Chung lại ít dính máu.

“Khi giết chị Hoan, tay Chung dính đầy máu. Thế nhưng tại sao lại không có dấu vết trên tủ kính? Vậy thì phải xem ai là người giúp Chung xóa dấu vết?”, LS Điệp đặt câu hỏi.

Cũng theo LS này, các vật chứng của vụ án không đủ điều kiện đem ra buộc tội Lý Nguyễn Chung vì không được đầy đủ và nguyên vẹn theo quy định của pháp luật. Luật sư cho rằng bà Hà khai là có một số điểm phù hợp. Đây là một vụ án nghiêm trọng nên phải có thời gian để làm sáng tỏ về vụ án, xử đúng người, đúng tội.

Hơn nữa, luật sư cho rằng động cơ giết người của Chung không rõ ràng, đối với một người động cơ giết người không rõ ràng như thế liệu có thể giết người. Trên cơ sở đó, LS Điệp đề nghị HĐXX trả hồ sơ lại để tiếp tục điều tra làm rõ.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Văn Tú, cũng là người bào chữa cho bị hại, cho rằng vụ án này có nhiều điểm cần phải làm rõ. Thứ nhất, trên thân thể chị Hoan có tất cả 19 vết thương nặng. Trong thời gian ngắn như thế Chung khai là có tác động rất ít vào người chị Hoan. Phải chăng trong khi giết chị Hoan, chị Hoan không hề có phản ứng nào. Đây là điều rất vô lý và không rõ ràng. Tại sao tác động ít như thế mà trên người chị Hoan có 19 vết thương nặng?

Thứ 2, trên người chị Hoan còn có 1 vết thương ở cổ? Mà Chung khai không có một lúc nào tác động vào cổ nạn nhân.


Lý Nguyễn Chung khăng khăng nhận tội

Về hiện trường vụ án, LS Tú cũng cho rằng: Dấu vết ngón tay để lại trên cánh cửa nhà chị Hoan là vết tay to. Không phải tay của trẻ con 14 tuổi. Trong lời khai Chung nói Chung không mở cửa vậy dấu vết trên cánh cửa là của ai? Trong hồ sơ chưa chứng minh được điều đó.

Ngày 25/10/2013, ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan sau hơn 10 năm ngồi tù oan khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Ông Chấn đã được Tòa phúc thẩm tại Hà Nội – TAND Tối cao đồng ý bồi thường 7,2 tỷ đồng.
Tháng 3, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên xử và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định Lý Nguyễn Chung có đồng phạm hay không? Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, một mình Chung gây ra trọng án này.

“Tôi thấy việc nhận tội của Chung có vấn đề. Phân tích tâm lý, nếu theo lời khai Chung phát hiện thấy tiền sau đó quay ra giết người trong phút giây tích tắc nó trái với quy luật diễn biến tâm lý. Một người ngoan ngoãn tự nhiên chuyển biến thành một tên sát nhân chỉ trong tích tắc, khó có tâm lý như thế”, luật sư Tú phân tích.

LS Tú nêu rõ: “Chị Hoan không còn nữa, nhưng gia đình chị Hoan và cả chúng ta muốn tìm ra hung thủ thật sự, chứ không phải Chung nhận tội là khẳng định hung thủ là Chung”.

Đặc biệt, LS cho rằng điều vô lý khác là khi Chung gây án là 14 tuổi, bàn chân của Chung dài 23cm (theo lời khai của Chung) thì bây giờ bàn chân của Chung sau 12 năm vẫn là 23cm. Điều này sai hoàn toàn quy luật và ngay trong chính nội tại của lời khai. Chẳng lẽ hơn chục năm, Chung không có sự phát triển về sinh học?

Diễn biến tâm lý của ông Chúc cũng khiến luật sư nghi ngờ. Năm 2003, ông Chúc lại tổ chức cho Chung đi trốn. Năm 2013, ông Chúc gây áp lực với Chung buộc anh ta phải ra đầu thú. “Nếu không ra đầu thú thì ông Chúc sẽ tự tử”, luật sư nói. “Điều gì khiến ông Chúc phải gây áp lực với Chung như vậy?”, luật sư đặt vấn đề.

Một lần nữa, LS Tú kiến nghị hoàn trả hồ sơ cho VKSTC để điều tra thêm.

Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội bị cáo Chung. Theo đó, vào thời điểm phạm tội, Lý Nguyễn Chung mới 14 tuổi, là người chưa thành niên phạm tội nên đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo 11-12 năm tù tội giết người và 2-3 năm tù giam về tội cướp tài sản. Tổng hợp mức hình phạt của bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên là 12 năm tù giam, thời hạn tù tính từ ngày 25/10/2013.

Ngoài ra, đại diện VKS cũng đề nghị ông Lý Văn Chúc (bố bị cáo Lý Nguyễn Chung) và bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế bị cáo Lý Nguyễn Chung) phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại về phí mai táng, tổn thất tinh thần số tiền từ 79 triệu đến 90 triệu đồng; bồi thường cấp dưỡng nuôi Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Tiến (2 con trai của chị Hoan) số tiền từ 1,8 triệu đồng đến 2,3 triệu đồng/tháng.

Dự kiến ngày 23/7, HĐXX sẽ tuyên án đối với bị cáo Lý Nguyễn Chung.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm