| Hotline: 0983.970.780

Xích mích trong chuyện nuôi dạy trẻ

Thứ Sáu 26/03/2021 , 08:38 (GMT+7)

Tôi thấy các cháu ngoại tôi được nuôi dạy chằm bặp chứ không văn minh chị ạ. Bố mẹ như người hầu, cơm bưng nước rót cho con...

Thưa chị, tôi là viên chức, đã về hưu, chồng tôi cũng đã về hưu. Chúng tôi gói gém tùng tiệm, nhờ có chuẩn bị từ xa cho những ngày mà mọi người gọi là hạ cánh này.

Tôi lấy chồng sớm, 25 tuổi đẻ xong 2 suất. Con gái tôi lập gia đình muộn hơn mẹ, nhưng con đầu của nó cũng năm nó 26 tuổi, sớm sống riêng. Con trai út của tôi cũng vừa có con nhỏ, tuổi mẫu giáo, còn sống chung với chúng tôi đây.

Vấn đề là con gái tôi nuôi dạy con không theo kiểu của bố mẹ hồi trước. Dĩ nhiên, tôi biết chị ạ, mỗi thời mỗi khác.

Ngày xưa chúng ta không bỉm sữa, không quần áo hàng núi, không đồ chơi, xe đẩy… Chúng ta vui vì cháu của mình lớn lên no ấm, sung túc, như trẻ con của các nước giàu có. Nhưng giàu có thì văn minh.

Tôi thấy trẻ con được nuôi dạy chằm bặp chứ không văn minh chị ạ. Ví như cháu ngoại gái của tôi, đã 13 tuổi mà nó không biết cầm chổi quét nhà, không biết rửa rau, rửa cái bát, cái tách cũng không.

Bố mẹ như người hầu, cơm bưng nước rót cho con, học học học hoặc là cắm mặt vào smartphone. Thằng em 9 tuổi thì 'em chã', béo phì mà bố mẹ vẫn chiều cho ăn đêm, uống nước ngọt, ăn thức ăn nhanh.

Mỗi khi sang chơi với con gái và hai cháu ngoại, tôi bất an, than thở hay chỉ trích đều không thể. Con của chúng nó, nó có quyền. Nó không nói thẳng nhưng vẻ mặt, sự kêu ca về các ý kiến của ông bà ngoại nói lên điều đó. Con gái còn nửa đùa nửa thật, cháu nội đấy, trong tay ông bà đấy, để rồi xem sản phẩm của cả ông bà.

Con dâu tôi biết ăn uống khoa học, thực đơn nhiều rau, rất kỹ trong việc dạy con, có thể nói là khắc nghiệt với con. Đứa con ba tuổi của nó rất hay, nhưng chưa thể nói gì được, còn sớm quá.

Bắt đầu nảy sinh tâm lý cháu ngoại không thích cháu nội, mỗi khi tôi nhắc, tôi khen cách con dâu nuôi cháu nội tôi thì con gái và cháu ngoại tôi chọc gậy bánh xe. Rồi chúng thiên về nội nó, ở đó, người ta dễ tính, xuề xòa, tâng bốc. Chán không kia chứ. Muốn cho cháu đẹp, cháu giỏi, cháu ngoan mà cũng khó quá chị ơi.

-------------------

Bạn thân mến!

Hình như tôi được đến mấy lá thư có tâm tư kiểu bạn. Không phải chuyện đói kém, chật vật, mưu sinh. Không, hòa toàn không. Mà vì cách nuôi dạy con trong no đủ. Vì sao có chuyện khác trước gần như hoàn toàn như bạn băn khoăn? Có một bản lề rõ rệt là trước và sau mở cửa kinh tế. Người Việt chúng ta từ trong ngôi nhà khép kín, bước ra, hì hục làm ăn và có cất cánh thật. Nhưng ký ức đói nghèo ở những đứa con của chúng ta thật kinh khủng. Hình như chúng ta không có khoảng ký ức đó, bởi cha ông ta vốn nghèo, hoặc nếu có ăn có để thì cũng thong dong đôi chút. Cần kiệm và gói gém là phương châm ngàn đời của ông bà chúng ta.Thế nhưng con cái ta, khi thoát tuổi thơ đã nhận ra biển lớn, nước giàu, người có. Chúng sốt ruột và có học theo.

Tôi muốn dừng lại ở quãng này: Nước người giàu cũ, giàu bền vững, xã hội an ổn, văn hóa của họ dạy con làm người kiểu khác, nền giáo dục của họ cũng khác, họ khoan thai cứ thế hàng trăm năm, thậm chí hàng mấy trăm năm như thế. Chúng ta không vậy, chúng ta khá lên nhanh, nền tảng kém, tưởng rằng cho con no đủ là đủ, nghĩ rằng đời ta lam lũ, đời con phải được sống bù. Sai lầm trầm trọng là chỗ này đó bạn. Bơ sữa, bỉm sữa, nước có ga và thức ăn nhanh… chưa là gì cả mà người mình cứ đổ dồi cho con. Dạy chúng tự lập (ngủ riêng khi bé), dạy chúng giúp đỡ người thân, dạy chúng những việc phải tham gia với bố mẹ, dạy chúng lòng nhân với thú cưng, với hàng xóm, với bạn bè, thày cô…họ dạy bằng những khuyến khích và hình phạt (văn minh) rất chi tiết, cụ thể.

Tôi cũng phát chán với tính vị kỷ của trẻ con mình. Tây không tây, Ta không ta, chả giống ai. Cha mẹ như con ở người hầu. Và cái bệnh nhà này nhìm nhà kia để xỉa xói là tật xấu của người Việt. Cháu nội và cháu ngoại, rất có thể không ưa nhau vì khác nhau, ấy là do không văn minh, không tôn trọng khác biệt.Mừng là con dâu bạn dạy con nghiêm. Còn cháu ngoại, chăc đành thôi, rồi chúng sẽ lớn nhanh, có thể tung bay, bạn đừng bận tâm quá cho dễ sống. Cũng đừng chỉ trích con gái, con rể và bản thân các cháu chẳng giải quyết được gì mà lại xa nhau thêm, nhé. Giữ vị thế cha mẹ già, khoan hòa, thể tất, nhìn đời bình thản đi, nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất