| Hotline: 0983.970.780

Xích mích với bạn thân chỉ vì cách chăm con

Thứ Tư 25/03/2020 , 09:43 (GMT+7)

Cháu nản quá và cũng buồn quá. Có chuyện mới thấy thân với nhau không dễ, cô ạ.

Cô kính mến!

Nhóm bạn của chúng cháu, bạn chí thân gồm ba đứa. Cả ba đứa đều có con đi du học cô ạ. Cũng phải nói thật một điều, chúng cháu thân với nhau, rồi dắt dây con cái của mình cũng thân nhau.

Chúng cùng luyện tiếng Anh một trường và cứ thế rủ nhau, một đứa du học thì đứa thứ hai phải tìm cách đi, cuối cùng, con của đứa thứ ba cũng phải đi.

Nhưng chúng không đi một chỗ, tùy theo sở thích, khả năng săn học bổng và nghe tư vấn nữa. Rồi cũng tùy vào bà con họ hàng của mỗi đứa ở bên ấy. Con của cháu ở Pháp, con của đứa bạn ở Đức, con của đứa kia ở Mỹ. Chúng nó vẫn liên lạc chặt chẽ với nhau, mấy bà mẹ vì vậy càng gắn bó nhau hơn.

Đại dịch khiến ba bà mẹ như ngồi trên lửa cô ơi. Mấy ông ba thì bình tĩnh chứ không bà mẹ nào có thể ngồi yên, đúng không cô? Trong ba đứa bạn với nhau, cháu hay bị kêu là nghiêm, hà khắc, tiết kiệm, ki bo… Con gái của cháu vì vậy cũng cứng cáp, cứng cỏi thì đúng hơn, so với con gái của hai cô bạn. Nhìn mẹ biết con, đúng không cô?

Đứa ở Mỹ của bạn cháu vừa về, cách ly ở cái nơi mà hôm qua với hôm nay báo đài và mạng xã hội ùn ùn đưa ảnh người nhà xếp hàng tiếp tế như thể con cái họ đi tù.

Con của cháu không hiểu sao máy bay đáp xuống Vân Đồn ở ngoài Bắc. Còn con bé ở Đức, nó không về, nó viết nhiều dòng trên mạng xã hội rất kiên cường và cảm động. Có lẽ nước Đức và người Đức đã làm cho nó thấm nhuần tinh thần Đức.

Cháu viết thư tâm sự là vì cháu và cô bạn thân có con du học ở Mỹ (đã về khu Đại học Quốc gia ở Thủ Đức) tranh luận, gần như cãi vã, có nguy cơ mếch lòng, nói thẳng là xích mích. Nó gửi vào cho con nào là gối nằm gối ôm, quạt, thức ăn cả 1 thùng, cháu bảo nếu ai cũng như bà thì người phục vụ ở đó gãy lưng trước khi chính họ cũng sẽ nhiễm virus.

Trong khi con của cháu chỉ nhắn xin nạp tiền điện thoại vì nó đã nhờ người mua sim Việt Nam và chuyển tiền Việt vào tài khoản cho nó. Nó viết ba mẹ yên tâm, ai sao con vậy, cách ly xong con tự về nhà.

Bạn của cháu nói móc, kiểu tại vì con của bà ở Vân Đồn, nếu nó ở Thủ Đức coi, bà còn khuân cả nệm gửi vô cho ấy chứ, ở đây có người còn gửi tủ lạnh mi ni vô đấy, lòng mẹ như nhau cả, đừng lên giọng đạo đức với nhau!

Cháu nản quá và cũng buồn quá. Có chuyện mới thấy thân với nhau không dễ.

----------------------

Cháu thân mến!

Cô có đứa cháu bên chồng, cũng nhóm bạn chơi thân với nhau từ con cái học chung nhau trường điểm. Rồi luyện tiếng Anh cùng nhau và cứ thế cuốn nhau đi Anh học đại học. Eo ơi, một núi tiền.

Chúng đua nhau, sao mà coi tiền như giấy thế không biết. May mà đã học xong, mấy năm trước về nước rồi, đi làm chỉ tầm mười lăm triệu một tháng. Nếu giờ chúng kẹt bên ấy, cũng không biết giải cứu cách nào, hay là ở lại chịu trận.

Cô chiêu cậu ấm, từ ấy có thật. Con ít mà đã có của nên đã cưng con, đội con lên đầu kiểu người Việt mình “nhất con nhì của”. Văn minh Âu Mỹ họ không quan niệm con trên của, họ không có quan niệm đó nên con họ vừa lớn là ra khỏi nhà, lập thân, học hành lên thì tự vay nợ tự trả.

Nếu con cái họ ở Trung Quốc hay ở Việt Nam thời dịch bệnh này, cô nghĩ, họ để cho con họ tự quyết định, tự xoay xở và họ chỉ cầu nguyện mà thôi.

Cháu hãy giữ chặt phương châm rèn con như đã. Con của cháu hạ cánh ở Vân Đồn, cháu bình tâm và kiên nhẫn chờ con xuất hiện sau cách ly, đúng, ai sao mình vậy, coi như đi cắm trại trong rừng có được không, nước kém, toilet không sạch, kệ, trong rừng mà.

Nhẹ nhàng như thế sẽ đỡ gánh nặng cho cộng đồng. Ai chẳng thương con, nhưng thương có phương pháp, thương có sáng suốt, thương con mình phải nhìn sang xem có làm hại cho cộng đồng hay không, đó là tình thương văn minh, nhân bản, tử tế.

Thương chăm bẵm, lo cho con mà quên mồ hôi của người phục vụ là tình thương bản năng, ít tính người, nói thẳng như vậy.

Bạn bè có thân thì sẽ có lúc rời xa nếu va chạm hoặc thời gian hiện rõ sự khác biệt. Không sao cả, đậm nhạt còn tùy, đừng cả nghĩ, mất tập trung. Lúc này, hãy lo cho đại dịch, chống chọi và sáng suốt để bình an, giúp cho cộng đồng của mình bình an.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất