| Hotline: 0983.970.780

Xin đất ở... Song Tử Tây

Thứ Hai 27/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ngư dân Bùi Thanh Ninh táo bạo nghĩ đến chuyện xin đất tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa để xây cơ sở dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm, là cầu nối đất liền với đảo xa.

Chuyện ngư dân Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) làm giàu từ nghề biển nhiều người đã biết. Chuyện ông vừa được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân xuất sắc, tiếng cũng đã vang xa.

Thế nhưng chuyện ông Ninh xin đất ở đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá là chuyện mới.

Từ 5 triệu đồng

Cái tên Sáu Ninh (tên thường gọi của ông Bùi Thanh Ninh) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) đã trở nên quá thân thuộc với ngư dân cả nước, bởi đội tàu cá ông đang quản lý thuộc loại “khủng” nhất, 16 chiếc với trên 6.000CV chuyên hành nghề lưới vây rút chỉ hành nghề đánh bắt cá ngừ sọc dưa.

Nhưng nếu ai được nghe ông kể chuyện làm giàu của mình được bắt đầu từ chiếc ba lô sờn rách và với 2 bàn tay trắng thì càng bái phục.

Năm 1976, như mọi thanh niên ở quê nhà, ông Ninh thực hiện nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ba năm sau, ông xuất ngũ, trở về quê với chiếc ba lô cũ rích đựng mấy bộ quân phục cũng chẳng còn mới mẻ gì.

Là người con sinh ra từ vùng quê biển, dù qua bao năm lăn lộn ngoài chiến trường nhưng ông Ninh vẫn không quên nghề biển. Rời tay súng, ông đi bạn cho tàu cá ở địa phương để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Lúc bấy giờ, hầu hết tàu cá của ngư dân đều có công suất nhỏ, đánh bắt quanh quẩn gần bờ nên tiền kiếm được từ những chuyến biển chẳng là bao, không đủ nuôi vợ nuôi con. Cái đầu năng động của ông Ninh không cam chịu, vừa đi bạn, ông vừa nghĩ ngợi tìm hướng làm ăn mới.

Khi ấy ông đi bạn cho tàu đánh bắt cá chuồn. Mỗi khi tàu cập bờ bán cá, ông dò hỏi bạn hàng và biết thị trường miền Bắc đang ăn mạnh cá chuồn khô, ông liền rời biển về bờ đi buôn.

“Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng trong tay không có tiền thì mua bán nỗi gì. May sao nhờ có người giới thiệu, tui vay được từ Ngân hàng NN-PTNT 5 triệu đồng để mở cuộc đi buôn cá chuồn. Cuộc đời tui đi lên từ số tiền 5 triệu đồng đó”, ông Ninh tâm sự.

Trong thời gian đi buôn cá chuồn, bụng ông Ninh lại nghĩ: “Rồi sẽ có một ngày thị trường không còn ăn mạnh cá chuồn như hiện nay, phải kiếm hướng làm ăn khác”.

Với suy nghĩ đó, ông Ninh tích cực tích góp tiền lãi từ mỗi chuyến buôn, đến năm 1994, ông Ninh vay thêm từ Ngân hàng NN-PTNT huyện Hoài Nhơn 200 triệu đồng nữa để đóng chiếc tàu cá đầu tiên.

Vì muốn có chiếc tàu theo thiết kế của riêng mình nên ông tự tay đi mua gỗ, vẽ mẫu rồi thuê thợ về đóng. Sau khi chiếc tàu hạ thủy, lợi nhuận từ những chuyến biến ông trả lãi ngân hàng, tiếp tục dành dụm để đóng tiếp chiếc tàu thứ 2.

Cứ thế, vài năm sau, ông Ninh đóng thêm chiếc tàu thứ 3. Thời gian sau đó, rất nhiều ngư dân ở địa phương muốn làm ăn chung với ông Ninh, ngặt nỗi họ không có đủ vốn để hùn hạp.

10-06-51_2
Ông Ninh kiểm tra tàu đóng mới tại xưởng của mình

Ông Ninh lại nghĩ, những người có nguyện vọng tham gia vào đội tàu, ai có được bao nhiêu vốn thì hùn vào, ngoài phần ông góp vốn vào thêm, khoản thiếu ông Ninh sẽ đứng ra liên hệ với Ngân hàng NN-PTNT vay thêm.

Sau khi tàu hoạt động, khoản thu nhập mỗi chuyến biển được trích ra để trả dần vốn và lãi suất cho ngân hàng. Ý tưởng này của ông Ninh nhanh chóng được thực hiện thí điểm. Sau đó, từ hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình này ngày càng được nhân rộng, phát triển đội tàu lên đến 16 chiếc.

“Mỗi tài công của tui ai cũng đóng góp từ 25% đến 50% vốn vào con tàu, điều này tăng thêm tính trách nhiệm trong làm ăn”, ông Ninh nói.

Hiện nay, tổng sản lượng đánh bắt bình quân mỗi năm của đội tàu 16 chiếc của ông Ninh đạt trên 1 nghìn tấn hải sản, trừ chi phí và trả công cho thuyền viên, ông còn thu về 500 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài ra, xưởng đóng tàu và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác của ông Ninh mỗi năm còn cho ông khoản thu nhập lớn khác.

Nối đảo với đất liền

Hầu hết đội tàu của ông Ninh hành nghề lưới vây rút chỉ, chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa, ngư trường chính là vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Tàu cập bờ bán sản phẩn là lập tức ra khơi mở chuyến biển khác để tranh thủ mùa vụ.

Hơn 200 ngư dân làm việc trong đội tàu của ông Ninh hầu như gắn đời với biển nhiều hơn ở trong bờ.

Do đó, ông Ninh táo bạo nghĩ đến chuyện xin đất tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa để xây cơ sở dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm cho những tàu đang hành nghề trên biển; đồng thời đó cũng là “trạm dừng chân” nghỉ ngơi của ngư dân trong quá trình đánh bắt.

10-06-51_3
Lưới vây rút chì đánh bắt cá ngừ sọc dưa, nghề chính của đội tàu ông Ninh

Nghĩ là làm, ông Ninh làm đơn gửi UBND tỉnh Bình Định nhờ trình lên Bộ Quốc phòng, Hải quân vùng 4 để xem xét, bố trí cho ông 200m2 đất trên đảo Song Tử Tây để ông xây dựng nhà dịch vụ.

Ông trình bày như trút lòng trong lá đơn: “…Nguyện vọng tôi xin một lô đất 200m2 tại đảo Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa là nhằm mục đích xây dựng trạm cho tổ đội đánh bắt thủy sản ra vào; cũng là để giảm bớt chi phí nguyên liệu tàu ra vào bờ; tàu cá có thời gian bám biển dài ngày hơn.

“Một ngư dân chân chất, cả đời bám biển làm ăn, nay có ý định xin đất, xây dựng trạm dịch vụ làm chỗ nghỉ chân cho ngư dân trên đảo Song Tử Tây, kết nối biển đảo với đất liền, đó là ý tưởng rất mới và táo bạo, xưa nay hiếm. Chúng tôi sẽ tích cực liên hệ với các cơ quan liên quan để hỗ trợ nguyện vọng chính đáng đó”, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Việc xây dựng nhà dịch vụ trên đảo Song Tử Tây cũng có mục đích nối đảo với đất liền gần nhau hơn, đó cũng là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc và chủ trương bám biển của ngư dân ta”.

Đơn đề nghị của ông được ông Phan Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, xác nhận ngày 18/7/2014, trình UBND huyện Hoài Nhơn để tiếp tục được trình lên UBND tỉnh xem xét, trình tiếp lên Hải quân vùng 4 và Bộ Quốc phòng. 

Sau 3 tháng lá đơn của ông được trình cho cấp chính quyền thấp nhất, đến nay ông Ninh đã thở phào khi nhận được tín hiệu vui.

“Tuy chưa có văn bản chính thức nhưng mới đây nghe Sở NN-PTNT Bình Định cho biết Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đã đồng ý. Nguyện vọng tui chỉ xin đất, nhưng họ còn hào phóng đồng ý hỗ trợ để xây cả nhà nên tui vui lắm. Nếu mọi việc suôn sẻ tui lại sắp có chuyến đi ra Trường Sa rồi”, ông Ninh nói.

Có thể, ông Ninh còn phải chờ phải đợi thêm một thời gian nữa để hoàn tất thủ tục đúng quy trình. Nhưng ngay từ bây giờ, ông Ninh đã có thể vui mừng với hy vọng mình là ngư dân đầu tiên được xây dựng cơ sở ngay nơi đầu sóng ngọn gió.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, bày tỏ: “Trong hoạt động đánh bắt, ngư dân Bùi Thanh Ninh đã thể hiện sự bứt phá trong tổ chức SX. Với cả đội tàu lớn đến 16 chiếc, ông chỉ ngồi nhà chỉ đạo qua máy Icom nhưng mọi hoạt động của đội tàu luôn theo đúng quy trình, đánh bắt hiệu quả, ổn định đời sống cho hơn 200 ngư dân trực tiếp đánh bắt.

Ông Ninh đúng là hình mẫu ngư dân hiện đại. Nay ông lại có thêm bứt phá khác là đệ đơn xin đất trên đảo Song Tử Tây xây nhà dịch vụ để vừa giúp ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài, vừa thể hiện trách nhiệm với chủ quyền, đó là việc ít ai nghĩ tới”. 

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.