| Hotline: 0983.970.780

Xin đừng mỵ dân

Thứ Ba 05/04/2011 , 16:04 (GMT+7)

Trao đổi lại với Phương Hà, tác giả bái báo "Hạt điều Bình Phước có tệ như ông Bình nói?"

* Trao đổi lại với Phương Hà, tác giả bái báo "Hạt điều Bình Phước có tệ như ông Bình nói?"

Ngày 4/4/2011, Báo NNVN có đăng bài viết "Hạt điều Bình Phước có tệ như ông Bình nói?" của tác giả Phương Hà phản bác lại bài báo "Hạt điều Bình Phước vì sao mất giá?" đăng ngày 31/3/2011 của TS Hoàng Bình. Vì nhận thấy nội dung bài viết của Phương Hà có một vài chỗ chưa được đúng với thực tế, nay tôi- TS Hoàng Bình xin được trao đổi lại như sau.

>> Hạt điều Bình Phước có tệ như ông Bình nói?

Về tình trạng gian lận thương mại trong mua bán hạt điều thô ở Bình Phước.

Gian lận thương mại ở Bình Phước trong lĩnh vực mua bán hạt điều xô thô tươi đã diễn ra nhiều năm nay, càng ngày càng tinh vi, càng ngày càng kín đáo. Năm 2008, Hội điều Bình Phước đã phát động cả một chiến dịch rầm rộ với sự hỗ trợ của lực lượng công an và quản lý thị trường, xử lý nhắc nhở để ngăn chặn nhưng chỉ được ít ngày sau, đâu lại vào đó.

Nếu Phương Hà (tôi chưa biết là nam hay nữ) muốn thực mục sở thị, xin sẵn sàng đi cùng chúng tôi để quay phim chụp hình cho “đã” con mắt và để thấy rằng, những gì tôi nói chỉ là sự thật và chỉ có sự thật mà thôi. Bạn yêu mến người trồng điều, tôi còn hơn bạn vì còn phải biết ơn họ. Nhưng sự đời rất nghiệt ngã, thương người thì khó đến thân. Đi đường, thấy có người gặp nạn, ngã xe, đau đớn và xin được giúp đỡ. Mình dừng xe, đưa họ và xe vào bệnh viện. Rốt cuộc là gì? Nạn nhân khai là bị mình đụng xe vào họ. Bạn biết rồi đó, sẽ có biết bao điều phiền toái kéo theo để mình phải chứng minh cho được sự vô can của mình.

Người trồng điều thoạt đầu rất đàng hoàng. Họ thu hoạch điều như người châu Phi, như người Cămpuchia, như người Đak Lak, như người Đồng Nai ngày nay vẫn làm. Nhưng rồi bỗng có một ngày đẹp trời nào đó, có ai đó phát hiện ra rằng, tại sao lại phải vặt sạch cái cuống đi nhỉ. Nếu để lại cái cuống đó thì cái túi điều này của mình thực ra chỉ có 1kg, nay sẽ phải là 1,3kg. Vậy là bỗng dưng kiếm thêm được ít tiền vì tăng thêm trọng lượng.

Cái tư duy đơn giản này là nguồn gốc của hàng trăm hàng ngàn mưu kế tăng trọng. Anh đã bán cho người ta không phải là một trọng lượng thật mà là một trọng lượng cộng thêm, trong đó phần cộng thêm – cái phần mà anh được nhận tiền tương đương như phần hàng hóa đó chỉ là rác rưởi. Hành vi đó, tiếng Việt gọi là gì, nếu không phải là hành vi móc túi?

Vài số liệu dẫn chứng

Bạn hãy so sánh hai sự thật này: Mua vịt. Bạn ra chợ tìm mua vịt. Trước đó, người bán đã cố hết khả năng nhồi vào cái diều của vịt tất cả những gì có thể, khiến cho chú vịt 2kg tăng lên thành 2,5kg. Khi mua chú vịt này, bạn phải trả tiền cho 2,5 kg chứ không phải là 2kg như chính trọng lượng thật sự của chú vịt. Vậy bản chất của 500gr rác rưởi mà bạn phải trả tiền đó là gì, hành vi gian lận đó là gì?

Tương tự như vậy trong mua bán hạt điều. Sáng đổ xuống sân 30 tấn điều với giá 35.000đ/kg = 1.050.000.000đ (một tỷ năm mươi triệu đồng). 3 ngày sau, phơi khô, thu hồi, nhập kho chỉ còn lại 22,5 tấn. Bay đâu mất 7,5 tấn X 35.000.000đ/tấn=265 triệu? Vì sao người mua bị mất 7,5 tấn tương đương 265 triệu này? Vì cái trọng lượng đó chính là nước lã, cát, bột đá, xi măng… đã được người bán trộn vào. Tỷ lệ hao hụt bình thường sau khi phơi khô là khoảng 8-10% chỉ gồm nước tự nhiên nằm trong hạt điều tươi khi thu hoạch.

Nếu không bị tưới thêm nước, trộn thêm đá, cát và xi măng với sự hỗ trợ tối đa của những chiếc cùi cuống – được giữ lại khi thu hái ở nhà vườn, thì không thể nào có một con số hao hụt kinh khủng như vậy, người mua không thể bị móc túi một số tiền khổng lồ như vậy.

Tôi xác nhận rằng, Bù Gia Mập - nơi chúng tôi đã mua hàng từ nhiều năm nay, là cái ốc đảo duy nhất còn sót lại của hạt điều sạch Bình Phước. Nhưng cái ốc đảo này đang bị làn sóng gian lận xâm nhập vào. Ông Sáu Chiến - người được Phương Hà trích lời phát biểu, chủ một trang trại vài trăm mẫu điều, bà Yến – có chồng là cán bộ xã Bù Gia Mập, cũng là bạn hàng của chúng tôi. Hàng của Sáu Chiến là tuyệt đẹp vì nó quá sạch, bởi vậy thông qua các kênh thương nhân đứng đắn, mấy năm nay chúng tôi thu mua gần như 100% hàng của họ bán ra với giá cao hơn thị trường chừng 10 -15%.

Đáng tiếc là mùa này (2011) hạt điều của ông Sáu Chiến cũng bị “xào chẻ” thêm đất cát và nước lã. Làm gì có cái sự hạt điều bị mưa, dính đất nhưng hàng triệu hạt đều dính đất đều tăm tắp, không hạt nào khác hạt nào? Những năm trước, hạt điều của ông sau khi phơi chỉ hao 10-12%, nay hao tới 20%. Chúng tôi đã gửi số đất đỏ rơi ra sau khi phơi cho ổng xem đồng thời chấm dứt việc mua bán. Nếu Phương Hà muốn, xin cứ hỏi thẳng ổng về cái chuyện đó xem ổng nói gì?

Đâu là sự thật và việc những người mua lớn đã ra đi.

Phương Hà viết: "Giá hạt điều Bình Phước luôn cao hơn hạt điều nơi khác 25-30%?". Nghĩa là, nếu điều Bình Phước có giá 30.000đ thì nơi khác chỉ 22.000đ. Từ khi bắt đầu có chuyện mua bán hạt điều đến giờ đã hơn ¼ thế kỷ, chưa bao giờ có cái sự chênh lệch giá khủng khiếp này- như Phương Hà viết, đó là một sự tưởng tượng của những người “ngoài hành tinh” hoặc mắc bệnh hoang tưởng, hoặc hoàn toàn không có một chút kiến thức nào về ngành điều. Qua đây cho thấy tác giả Phương Hà không hiểu gì về ngành điều. Chết ở chỗ tác giả bài báo "Hạt điều Bình Phước có tệ như ông Bình nói?" cứ viết một cách nhiệt huyết, hồn nhiên- cái hồn nhiên, vô tư của một người ngoại đạo ngành điều nhưng đang dạy dỗ chính những người đã cả đời theo đuổi, sống chết, lăn lộn hiểu cặn kẽ ngành này. 

Từ vị trí cao giá nhất Việt Nam, giá điều thô xô tươi Bình Phước mùa vụ 2011 càng ngày càng giảm và đến nay đã rơi xuống mức giá thấp nhất trong bảng báo giá hàng ngày của Vinacas. Hạt điều Campuchia từ vị trí cuối bảng của những năm trước, nay đã được đưa lên hàng cao giá nhất, tiếp theo là Đồng Nai, cuối cùng là Bình Phước. Để kiểm chứng điều này, Phương Hà chỉ cần gọi điện thoại cho bất kỳ một doanh nghiệp chế biến nào.

Vì sao giá cả hạt điều Bình Phước đã rơi xuống cuối bảng? Vì các nhà chế biến lớn nhất của Việt nam mùa này đều đang tập trung vào thị trường điều thô Campuchia, nơi hàng hóa luôn được làm sạch sẽ cùi cuống, không hề ngâm tẩm phun nước, trộn tạp chất, thậm chí họ còn để cho hạt điều khô ráo trước khi giao hàng. Hàng của họ chỉ hao hụt 8-10%, hoàn toàn đúng chuẩn hao hụt tự nhiên. Những vùng ngoài Bình Phước cũng đều có tỷ lệ hao hụt tương ứng, bởi vậy người mua sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được hàng chuẩn hơn, tốt hơn, đúng với đồng tiền của mình đã bỏ ra.

Ngày xưa, khi chỉ có một thị trường nguyên liệu Bình Phước, thương lái và nhà vườn đã ép được các nhà máy phải mua hàng xào chẻ vì họ không còn lựa chọn nào khác, nếu không mua thì sẽ phải đóng cửa nhà máy. Nhưng kể từ khi khai mở được thị trường nguyên liệu thế giới thì tình hình đã thay đổi. Không ai có thể ép buộc các nhà máy và ngược lại, các nhà máy cũng không thể ép được thương lái, nhà vườn. Tình trạng gian lận ở Bình Phước đã trở nên vô cùng nặng nề, nó khiến cho những người làm ăn chân chính cũng thấy xấu hổ. Mời Phương Hà chịu khó đi thăm các Nhà máy chế biến để trực tiếp nghe tâm sự của các chủ nhà máy.

Đến việc những người mua lớn đã ra đi.

Có thể kể ra tên một số doanh nghiệp lớn nhất của ngành điều, những người từng làm mưa làm gió ở Bình Phước mỗi khi đến vụ thu hoạch, nay đã từ bỏ Bình Phước. Đó là: Pygico (Phú Yên), Lafooco (Long An), Tanimex (Long An), Donafood (Đồng Nai), Nhật Huy (Bình Dương), Nam Long (Bà Rịa – Vũng Tàu), Huỳnh Minh (TP HCM), Hà Mỵ ( Bình Phước), Mỹ Lệ (Bình Phước), Nam Sơn (Bình Phước), Long Sơn (TP HCM), Ral-internation, Olam…

+ Với tư cách của người có vai trò và trách nhiệm trong giới doanh nhân doanh nghiệp Bình Phước nói chung và ngành điều của Bình Phước nói riêng, đây không phải là lần đầu tiên tôi viết bài chỉ trích về sự gian lận. Hãy hành động ngay để thủ phủ điều Việt Nam- mảnh đất Bình phước xứng đáng với tên tuổi từng oanh liệt một thời, để Bình Phước không trở thành chợ chiều giá rẻ.

+ Chỉ có sự thật mới là tiêu chuẩn của chân lý. Mọi sự tán tỉnh, dù hoa mỹ đến đâu cũng chỉ là mỵ dân, không thể chinh phục được lòng người.

Hầu hết Giám đốc của các doanh nghiệp này đều đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thường vụ, Ủy viên BCH Hiệp hội Điều Việt Nam. Hàng trăm ngàn tấn điều thô từ châu Phi đã và sẽ được mở LC, hầu như toàn bộ gần 200.000 tấn điều Campuchia cũng đã lọt vào tay các nhà mua lớn này. Những doanh nghiệp này rời bỏ Bình Phước vì họ không thể chịu nổi sự mất mát quá lớn khi mua phải hàng xào chẻ, khi bỗng dưng phải mua bột đá, bột xi măng và nước lã với giá của hạt điều.

Tình trạng gian lận trong mua bán hạt điều xô tươi ở Bình Phước đã không còn thuốc chữa. Mọi cố gắng của Hiệp hội Điều trong việc tuyên truyền giáo dục đã bất lực. Những người làm vườn và thương lái Bình Phước cần phải suy nghĩ lại, chỉ vì cái lợi trước mắt mà họ đã đánh mất cái lợi lâu dài. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, dù nó có đau lòng.

Nếu có ai đó – theo Phương Hà, đã “phẫn nộ” vì những điều tôi viết ra thì đó chỉ là một thái độ thiếu cẩn trọng và sự cầu thị cần có. "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng", nhưng thà mất lòng để cùng chung tay làm lại, lấy lại tên tuổi và thương hiệu hạt điều Bình Phước, còn hơn cứ tự ru ngủ mình. Không nhìn thẳng được vào sự thật đó, không chấp nhận sự thật đó để tìm ra cách chữa trị thì không thể có sự thay đổi, sự tự điều chỉnh. Xin đừng hô khẩu hiệu, tung hỏa mù chỉ để “lừa bịp mình và lừa bịp người” (Lênin). Hạt điều Bình Phước sẽ trở lại mức giá cao nhất, nếu nó được làm sạch sẽ như mọi vùng khác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất