| Hotline: 0983.970.780

Xin lỗi ruộng đồng

Thứ Năm 18/11/2010 , 12:50 (GMT+7)

Cả tháng trời lang thang ở những cánh đồng Nam Bộ chúng tôi hầu như chỉ gặp người già làm ruộng, còn lao động trẻ tuổi đều rời làng lên thành phố.

Cả tháng trời lang thang ở những cánh đồng Nam Bộ chúng tôi hầu như chỉ gặp người già làm ruộng, còn lao động trẻ tuổi đều rời làng lên thành phố. Họ chán ruộng hay không thể sống nổi với nghề nông?

>> Mơ được... nghèo
>> Nợ nần quẫn bách
>> Cận cảnh nông dân Nam Bộ

Chán làm ruộng vì không… oách

Càng tìm hiểu về đời sống người dân Nam Bộ, chúng tôi càng bị ám ảnh bởi những câu chuyện nếp nghĩ của nông dân. Chuyện về những cô gái miền Tây đi làm nghề massage khắp cả nước, chuyện về những chợ người ở Sài Gòn chiếm phần lớn là nông dân Cà Mau, Vĩnh Long…Những câu chuyện tưởng chừng mơ hồ nhưng đặt ra một câu hỏi: Chẳng lẽ một miền đất trù phú, đất rộng người thưa như Nam Bộ mà nông dân cũng không thể sống nổi trên đồng ruộng của mình?

Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) là một trong số rất nhiều địa phương chúng tôi đi qua mà trên đồng ruộng chủ yếu là người già. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Lý chia số nông dân rời quê thành hai dạng. Dạng đi về một vài lần trong năm và dạng đi biền biệt. Từ đầu năm 2010 đến nay đã có hơn 2.000 nông dân bỏ ruộng đi làm mướn. Ông không khái quát hết nguyên nhân tại sao dân mình rời làng và lúng túng kết luận rằng: Hình như bây giờ chẳng mấy ai thích làm ruộng. Xã có đến 1.400 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng đến mùa thuê tiền công đến 150 ngàn/ngày nhưng vẫn tìm không ra.

Phương Bình có 8 ấp thì ấp nào số nông dân rời làng cũng lên đến hàng trăm. Đi vào những nơi này thật khó để tìm gặp được một nông dân trẻ. Vừa dẫn chúng tôi vào ấp, ông Lý đưa tay lần lượt chỉ từng ngôi nhà, nhà nào ông cũng bảo “họ có truyền thống bỏ ruộng đi làm ăn xa”. Nhà ông Ba Dình, nhà Tư Oanh, nhà Năm Tính… nhà nào cũng chỉ còn người lớn tuổi bám quê.

Một trong những gia đình có “truyền thống” ấy là nhà ông Tạ Hồng Tính (66 tuổi) ở ấp Phương Hòa. Ông bà có bảy người con thì cả bảy chẳng đứa nào chịu “nối nghiệp” làm ruộng. Tất cả đều lên Sài Gòn hoặc một thành phố nào đấy kiếm kế sinh nhai. Thành thử, dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng ông Tính vẫn phải quần quật với mấy sào ruộng và vườn mía. “Không làm thì biết bỏ cho ai hả chú. Con cái nhà này cứ học xong là kéo nhau đi hết, chẳng đứa nào chịu ở nhà. Tui cũng muốn giữ chúng ở lại làm ruộng cho gần cửa gần nhà nhưng hỏi thì chúng nói là thời giờ mà còn làm ruộng thì không oách được”.

Chẳng biết cái quan điểm “làm ruộng không oách” và khát vọng làm người thành phố của mấy đứa con nhà ông Tính có tiền đồ gì không nhưng nhìn vào gia cảnh nhà ông thì thảm quá. Hai ông bà già với căn nhà lá lụp xụp, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ghe máy cho bà Thứ chở đám học sinh đi học.

Thế con cái không gửi tiền về sao? Ông Tính nhìn quanh nhà một lượt rồi lắc đầu như thể thay cho câu trả lời. Thì ra con ông không muốn làm nông dân nhưng khi lên phố đứa thì làm đứa đi phụ thợ nề, đứa đi làm mướn, đứa đi bưng phở thuê ở các nhà hàng…Thậm chí có đứa ông còn chẳng biết nó làm nghề gì, cứ cuối năm kéo nhau về chơi vài ba ngày tết rồi lại đi.

Khổ hay sướng thì chẳng ai chứng kiến mà biết thế nào, chỉ thấy mỗi lần ông ốm hay bà đau, gọi điện cho chúng thì phải mất cả tuần mới có tiền con gửi về mua thuốc. “Làm ruộng ở vùng này cũng khổ thật, nhưng nếu lam lũ vẫn còn hơn là bỏ làng đi làm mướn nhưng còn cách nào khác đâu. Tui chỉ mong có đứa nào đấy về sống gần nhà nhưng không được”- ông Tính nói.

Đi ở đều khổ

Để tìm hiểu kỹ hơn về thực trạng nông dân bỏ ruộng, chúng tôi tìm về những vựa lúa lớn nhất Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp… với hi vọng ruộng đồng còn níu chân được người nông dân. Nhưng thực tế cũng hết sức đáng buồn. Cánh đồng ở ấp Thanh Niên, xã Phú Hòa (huyện Thoại Sơn, An Giang) xưa nay là vựa lúa của cả tỉnh. Dù tên của cánh đồng trẻ trung là thế nhưng hầu như chỉ có những nông dân già đang thu hoạch lúa vụ đông.

Phải mất rất nhiều lần hỏi tôi mới tìm được một nhóm nông dân Lê Tấn Đức (32 tuổi), những nông dân trẻ hiếm hoi còn ở lại bám ruộng. Nhưng cũng rất nhanh chóng, hi vọng có được một sự khác biệt ở vùng đất năng suất lúa vào loại bậc nhất ĐBSCL cũng vụt qua khi nhận ra cuộc sống nông dân vùng này cũng chẳng khá hơn bao nhiêu.

Thanh niên trong làng, phân nửa bỏ lên thành phố kiếm việc. Số còn lại cứ làm xong mùa màng cũng kéo nhau đi. Nhóm nông dân như Đức cũng từng phải bỏ làng mà đi, nhưng không trụ được ở thành phố nên đành phải quay về thuê ruộng để làm. Qua một hai vụ lại có người bỏ làng đi vì không có vốn để đầu tư tiếp ở vụ sau.

Lý giải về thực trạng ở vùng đồng bằng trù phú, đất ruộng mênh mông nhưng nông dân vẫn cứ phải bỏ làng, nhóm bạn Đức khẳng định: Làm ruộng bây giờ toàn theo kiểu hên xui thôi. Năng suất cao thật, nhưng chỉ có điều tính đi tính lại thì đâu lại vào đấy cả. Một năm làm tới 3 vụ nhưng bấp bênh lắm. Nên thanh niên cứ học đến chừng nào thì đến rồi tìm đường “thoát”.

Đi sâu vào các ấp ở Nam Bộ có thể nhìn thấy khá nhiều căn nhà quanh năm cửa đóng im ỉm. Những căn nhà mà chủ nhân kéo nhau lên thành phố làm mướn hết. Ruộng đồng cho người này người kia mướn đến vụ thu về một vài tạ thóc đem bán lấy tiền tiêu tết vì mang tiếng người quê nhưng họ toàn ăn cơm thành phố. Một số nhà không ai mướn cũng bỏ hoang ruộng rồi vợ chồng con cái kéo nhau đi.
Theo cách tính của anh Đức, một công ruộng ở Phú Hòa mỗi vụ thu hoạch được chừng 25 giạ. Nếu đem áp giá thị trường cũng được tầm 2,5 - 3 triệu đồng. Nhưng để có được 25 giạ lúa phải mất ít nhất là 1,2 triệu đồng tiền phân bón, thuốc BVTV, 500 ngàn tiền đi thuê đất. Nếu những ngày thu hoạch gặp phải một vài trận mưa thì tốn thêm 600 ngàn tiền vận chuyển và thuê máy sấy. Lỗ là chuyện thường xuyên. Hai vợ chồng nhà anh Đức mỗi năm làm 3 vụ, mỗi vụ 20 công. Hai vụ đầu năng suất cao nhưng giá thấp, vụ sau năng suất thấp giá lại cao nên chẳng biết đầu tư cho vụ nào. Cứ thu hoạch xong một đợt là vợ chồng, con cái ôm nhau ngồi chờ giá.

Vụ thu đông năm nay năng suất khá cao nhưng giá cứ xuống từng ngày khiến chị vợ anh Đức chẳng buồn ăn uống, người rộc đi vì lo vỡ nợ. Còn ông chồng, mỗi lần nghe thằng con hét trời mưa thì tất bật cầm bạt đi che lúa vì chỉ cần dính một trận mưa, phải tốn tiền đi sấy thì xem như công cốc. Mọi năm được mùa, giá cả hợp lý được chừng 15-20 triệu đồng, không thể trang trải nổi cuộc sống, nợ đầu này nợ đầu kia. Nếu năm nay giá thấp chắc cả nhà chỉ có nước kéo nhau đi làm mướn.

Cũng chính vì làm ruộng theo kiểu hên xui, giá cả không biết thế nào nên bây giờ những nông dân trẻ ở Phú Hòa muốn bám quê cũng không có ruộng mà làm. Cả cánh đồng thanh niên chỉ có một vài hộ là làm ruộng nhà mình, còn lại đều phải đi thuê. “Từ mấy năm trước khi giá lúa xuống 3 ngàn/kg nhiều nhà vỡ nợ nên phải sang ruộng cho người khác rồi bỏ làng đi làm lao động tự do. Đến khi con cái lớn lên không có ruộng làm lại nối gót bố mẹ đi tiếp. Làm mướn mãi không đủ sống đành quay lại thuê chính ruộng nhà mình ngày xưa cấy cày. Khổ lắm”.

Là người từng bỏ làng đi rồi lại quay về, anh Đức phân tích rằng bây giờ làm ruộng hay đi làm mướn đều khổ như nhau bởi đi làm mướn thì thỉnh thoảng trong ấp có người điện về xin gia đình tiền xe, còn làm ruộng thì cứ gặp một vụ giá lúa xuống lại có người kêu bán ruộng. Hỏi chuyện những người già ở nhiều vùng quê Nam Bộ mười người thì chín nói rằng: Nếu có sức chúng tôi cũng đi chứ làm ruộng giờ bấp bênh quá. Đi làm mướn được đồng nào xào đồng ấy vậy mà chẳng phải lo nghĩ gì. Còn đầu tư vào ruộng, được mùa được giá còn đỡ chứ qua một hai vụ giá thấp thì đổ nợ ngay.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất