| Hotline: 0983.970.780

XK thủy sản sẽ không đạt mục tiêu

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Kế hoạch XK thủy sản năm nay sẽ là 6,5 tỷ USD. Nhưng đến thời điểm này, mục tiêu trên có thể nói là sẽ không thành hiện thực.

Kế hoạch XK thủy sản năm nay sẽ là 6,5 tỷ USD. Nhưng đến thời điểm này, mục tiêu trên có thể nói là sẽ không thành hiện thực.

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 10, XK thủy sản của nước ta mới đạt giá trị 4,74 tỷ USD. Với giá trị XK chỉ ở mức trên 500 triệu USD mỗi tháng trong mấy tháng qua, có thể khẳng định rằng, trong 2 tháng rưỡi còn lại, XK thủy sản dường như không thể đạt 1,76 tỷ USD để đưa giá trị XK thủy sản cả năm chạm mốc 6,5 tỷ USD.

Dự báo XK mới nhất của VASEP đã thể hiện rõ điều này. Theo VASEP, XK thủy sản trong năm nay chỉ có thể đạt trên 6,18 tỷ USD, tăng chừng 1% so với năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng XK thấp nhất của ngành thủy sản trong nhiều năm qua.

XK thủy sản không đạt mục tiêu, nguyên nhân trước hết là do sự suy giảm mạnh trong XK tôm. Trong quý 3 vừa rồi, XK tôm đã bị giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tính từ đầu năm đến giữa tháng 10, XK tôm giảm 4,1%. Ước tính cả năm nay, giá trị XK tôm chỉ vào khoảng 2,2 tỷ USD, kém tới gần 200 triệu USD so với kỷ lục gần 2,4 tỷ USD của năm 2011.

Sự suy giảm quá mạnh về giá trị XK tôm sang 2 thị trường trọng điểm là Mỹ và EU là nguyên nhân chính làm cản trở sức bơi của con tôm Việt Nam trong năm nay. Từ đầu năm đến 15/10, XK tôm sang Mỹ chỉ đạt 353 triệu USD (giảm 16,6% so cùng kỳ 2011), XK tôm sang EU đạt 243 triệu USD (giảm 24,9%). Thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam là Nhật Bản, do vướng mắc về Ethoxyquin mà đã liên tục giảm mức tăng trưởng NK tôm từ tháng 7 đến nay.

Thành ra, nếu như 6 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang Nhật Bản tăng 28,4% so với cùng kỳ 2011, thì đến giữa tháng 10, mức tăng trưởng đã giảm mạnh xuống chỉ còn 9,2%. Mà với mức tăng trưởng khiêm tốn như trên ở thị trường Nhật Bản, rõ ràng không thể kéo được XK tôm đi lên, khi các thị trường lớn thứ 2, thứ 3 là Mỹ và EU đều đã giảm quá mạnh.

Sự suy giảm mạnh trong XK tôm cũng có thể thấy được qua tình trạng “sức khỏe” của các nhà máy trong ngành hàng này. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó TGĐ Cty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, trong năm nay, có 50% nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL đã ngừng hoạt động, 30% còn lại đang “chết lâm sàng”, chỉ 20% vẫn hoạt động nhưng không có hiệu quả kinh tế.

Ở ngành hàng cá tra, giá trị XK cho đến giữa tháng 10 cũng mới chỉ đạt 1,364 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2011. Dự kiến trong cả năm nay, XK cá tra chỉ có thể đạt gần 1,8 tỷ USD, thấp hơn so với mức 1,805 tỷ USD của năm ngoái. Giá trị XK cá tra đã liên tục giảm trong 3 tháng qua, và đầu ra cho con cá tra trong quý 4 chưa thấy có dấu hiệu sáng sủa hơn.

Trong 3 nhóm hàng thủy sản lớn (tôm, cá tra, hải sản), hải sản là nhóm duy nhất vẫn đang có sự tăng trưởng XK. Nhưng mức tăng trưởng của hải sản cũng đã giảm đáng kể khi mặt hàng mực và bạch tuộc đã giảm liên tiếp trong 3 tháng qua do thiếu trầm trọng nguyên liệu. Vì thế, dù trong quý 3 vừa rồi, XK cá ngừ và cá biển vẫn tăng mạnh tới 92% và 24%, nhưng XK hải sản nhìn chung đã bị chững lại và mức tăng trưởng của nhóm hàng này không đủ để bù đắp cho phần suy giảm của tôm và cá tra.

Những năm trước đây, quý 4 luôn được kỳ vọng là thời gian để ngành thủy sản tăng tốc XK nhằm đạt mục tiêu đề ra, bởi đây là thời điểm các thị trường lớn như EU, Mỹ … tăng NK phục vụ cho nhu cầu cao của Lễ Giáng sinh và năm mới. Nhưng năm nay, tình hình thị trường trong quý 4 vẫn rất trầm lắng.

 Theo VASEP, ở thị trường EU, tình hình kinh tế vẫn sẽ tiếp tục ảm đạm cho tới cuối năm 2012, do đó, trong quý 4 này, nhu cầu NK thủy sản của các nước EU vẫn sẽ tiếp tục giảm. Thành ra, XK thủy sản của Việt Nam sang EU trong quý 4 năm nay không những không thể tăng mạnh như trước đây mà còn được dự báo là sẽ giảm tới 12-15% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tương đương hoặc giảm nhẹ so với quý 3, đạt khoảng 280–290 triệu USD. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như tôm và cá tra vẫn tiếp tục gặp khó khăn lớn ở thị trường này.

Xu hướng giảm giá trị XK thủy sản vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục trong quý 4, dự báo đạt khoảng 330 triệu USD, tương đương với quý 3, nhưng giảm nhẹ so với quý 4/2011. Một thị trường lớn khác của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản cũng sẽ giảm khoảng 1,5- 2% giá trị trong quý 4 so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt khoảng 280 triệu USD.

Do đó, dù cho các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN … có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 4, với mức tăng khoảng 10–20% so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng rõ ràng sự tăng trưởng nói trên của các thị trường này không thể nào bù đắp cho sự giảm sút ở 3 thị trường lớn nhất là EU, Mỹ và Nhật Bản.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.

Bình luận mới nhất