| Hotline: 0983.970.780

Xơ xác làng cau

Thứ Ba 05/10/2010 , 11:03 (GMT+7)

Cao Nhân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có khoảng 1.200 hộ dân thì nhà nào cũng có cau. Giờ Cao Nhân đang phải đối mặt với nạn dịch cau bung hoành hành đến xơ xác.

Cao Nhân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có khoảng 1.200 hộ dân thì nhà nào cũng có cau, ít cỡ dăm bảy chục gốc, nhiều cả vài ngàn. Cau mươn mướt xanh khắp vườn nhà, lối xóm. Cau dày đặc, tua tủa, tựa rừng, tăm tắm cao bao bọc làng xóm…Giờ Cao Nhân đang phải đối mặt với nạn dịch cau bung hoành hành đến xơ xác.

Cau như một cuốn lịch kỳ diệu của tạo hóa. Một năm bình thường cau ra mười hai tàu tương đương mười hai tháng, trổ cỡ dăm buồng quả. Nếu “cuốn lịch” nào bị xé thiếu, sẽ chỉ còn cỡ tám đến mười tàu lá, cây sẽ chỉ ôm được ba đến bốn buồng quả. Mỗi buồng cau ra đời khắc thêm một đốt trên thân cau mà dân gian quen gọi là mày. Cứ đếm số lượng mày là có thể đoán được tuổi. Từ lúc trồng đến khoảng 30 năm cau cho quả tốt, sau đó bị lão hóa dần dần nhưng đến 50 năm vẫn cho quả. Có những cây cao đến 30 - 40 m hàng dăm bảy chục tuổi đời, da mốc meo cùng sương gió mà vẫn đeo trên mình lúc lỉu quả tươi non.

Thân cau mảnh dẻ nhưng dẻo dai hiếm có cây nào bì được. Bão cấp 11, 12 quăng quật cũng không hề suy suyển, tán vẫn xanh, dáng vẫn thẳng, chỉ cành lá có chút xao xác. Cau Cao Nhân không thể trộn lẫn với cau miền Nam hay các vùng khác bởi giống, bởi tiểu khí hậu. Cau miền Nam hạt to, nhiều xơ, cắm vào lợi đau cả răng còn cau Cao Nhân mềm, ngọt với hạt rất nhỏ và vị say cứ gọi là đứ đừ, lử lả. Có lẽ duy nhất trong cả nước Việt có Cao Nhân được công nhận làng nghề trồng cau và chế biến cau.

Ở Cao Nhân tự bao giờ đã hình thành đội ngũ trèo cau chuyên nghiệp. Cau thân nhỏ nên cũng chỉ trẻ nhỏ mới trèo nổi. Lũ trẻ trèo cau chỉ mươi tuổi đã thoăn thoắt trên những thân cây. Chúng dùng cái tròng to kết bằng loại sợi rất dai, chòng vào hai bàn chân. Mỗi cú rướn mình trèo lên cái tròng là một điểm tì vào thân cây, cứ thế lũ trẻ có thể trèo lên tới trời cũng được. Đám trèo cau có một tuyệt kỹ đáng kinh ngạc. Nếu những vườn cau cùng tuổi, cao bằng nhau, khoảng cách mỗi cây khoảng 2 mét chúng chỉ cần trèo một cây là được bốn cây.

 Cách trèo ấy như sau: Chúng bám đu trên ngọn cây giữa lưng chừng trời, chờ một luồng gió rồi rướn hết người nương theo cơn lắc lư của thân cây lấy đà nhảy tót sang túm lấy ngọn cây khác. Cứ thế xung quanh bán kính của gốc cây đang trèo, chúng có thể nhảy sang ngọn của ba cây gần đó mà hái chứ không phải tụt xuống vừa lâu vừa mất sức. Giá đồng hạng, mỗi gốc cau, gia chủ phải trả cho người trèo 4-5.000đ, tùy chiều cao của vườn cau. Đám trèo cau đứa nào cũng gầy nhẳng, còi cọc, không biết có phải do trèo một ngày hàng trăm gốc cau hay bởi đặc thù nghề nghiệp chỉ cần người nhẹ cân nên sinh ra thế. Khoảng 15 tuổi chúng đã phải giải nghệ rồi.

Đã là nghề ắt có tai nạn, có nhiều trẻ trèo cau bị ngã do leo phải cây gẫy, mục ngầm. Tuy nhiên chẳng ai tử nghệ cả vì thân cau rất dai, có nhiều thớ chằng chịt, quấn quýt nên không bị gãy nhanh, răng rắc như gỗ mà chỉ gãy từ từ. Thân nhỏ nhẹ, ít cành, cái tán cau tựa như một cái dù khổng lồ cản không khí khiến cho tốc độ càng chậm lại, bọn trẻ có thể tiếp đất khá nhẹ nhàng, nếu có va vào tường rào hay mái nhà cùng lắm cũng chỉ xước xát, gãy tay, gãy chân mà thôi.

Cau dễ trồng, một sào cau cỡ 70 gốc, bình thường thu cỡ mươi mười lăm triệu, bằng mấy mươi sào lúa. Tuy thế cau là cây cực đỏng đảnh bởi thời tiết. Năm nào mưa ít, được mùa còn mưa nhiều, hoa rụng là trắng tay. “Được mùa cau đau mùa lúa” là vì thế. Cau Cao Nhân là giống cau muộn, các nơi thu hết mới đến cau Cao Nhân. Các cụ từng có câu: “Tháng chín nằm nín nghe mo”, xưa chưa có cau miền Nam, miền Trung chuyển ra, cau trổ vào tháng chín là cau cực muộn, sẽ thu buồng vào tháng năm, tháng sáu năm sau, lúc đã hết mùa thì giá cực đắt, một buồng cau giá cả chỉ vàng, thậm chí hai chỉ vàng là thường.

Kỷ lục của dân Cao Nhân là năm được mùa 1984, năm đó chỉ với những quả cau nho nhỏ mà ông Hoàng Văn Tư đổi được mười cây vàng, mua luôn được ngôi nhà gỗ lim đồ sộ của nguyên quan chi phủ Ninh Giang (Hải Dương). Ngôi nhà còn khắc rõ năm hoàn thành là Hoàng Khải Định tam niên tức khoảng 1917-1918, gồm ba gian với vô vàn điêu khắc tinh tế khiến người xem bồn chồn không bứt khỏi đầu ước muốn sở hữu…

Từ năm 2000 đổ lại đây, một nạn dịch vàng lụi hay nôm na là cau bung tàn phá xơ xác hai làng cau nổi tiếng Nhân Lý và Thái Lai của Cao Nhân. Khi cây hỏng, dân làng chặt thu lấy bắp cau, bóc hết bẹ để lộ ra một cái lõi trắng ngần như cườm tay tiểu thư khuê các mười tám, đôi mươi. Đó là cái nõn cau hay còn gọi đầu cau. Đầu cau thái mỏng đem luộc rồi chắt hết nước hăng ra, ninh với xương chó thì vị ngọt, giòn sậm sựt khó quên nơi đầu môi cuống họng. Thịt chó nấu đầu cau rất đắt bởi nguyên cái đầu cau đã phải mua cả trăm ngàn mà còn không có. Muốn thưởng thức phải đặt trước cả tuần. Dân sành ăn tận Nam Định, Thái Bình hay Hải Phòng đến mùa cau bung vẫn tìm về Cao Nhân mua đầu cau. Vô hình chung hình thành ở nơi đây những “đại lý” chuyên thu gom đầu cau đi từng vườn gạ.

Ông Hoàng Văn Tư, một bậc đại thụ trong nghề trồng cau, năm nay 68 tuổi, kể rằng từ năm 1968 đến năm 2000 là thời hoàng kim của cau. Ông sầu não than: “Làng hết lộc về cau, giờ toàn cau Tiên Lãng, Vĩnh Bảo chứ trong huyện chỉ còn lác đác những xã có vườn cau thu cả trăm triệu đồng/vụ. Thời vận của cau đã hết. Hàng loạt những vườn cau cổ thụ, danh tiếng của xứ này đang bị bung hết. Trong hàng ngàn vườn cau của xã, chỉ còn trụ lại vài vườn là cho thu nhập khá, còn không đều ở tình trạng “tứ chứng nan y” cả”. Vườn cau trước đến một ngàn năm trăm gốc nhà ông cũng không phải là ngoại lệ, giờ chỉ còn thoi thóp cỡ trăm cây.

Nghề sấy cau dường như không mấy bị ảnh hưởng bởi nạn cau bung. Xã có cỡ ba mươi lò to, dăm chục lò nhỏ. Cau Cao Nhân chất lượng chỉ bán tươi, một quả lắm khi ngang giá một cân cau nơi khác. Chủ lò Hoàng Văn Chiến đã làm nghề được mươi năm nay nhớ lại đận liêu xiêu năm 2007 mất đứt 500 triệu do Trung Quốc không nhập hàng mà cau sấy chỉ để được 2-3 tháng là hỏng, phải đổ đi đến 40 tấn. Anh kể, bình thường mỗi tấn lãi 2-3 triệu, một năm chế biến dăm bảy chục tấn nên phải mất mấy năm mới vực lại được. Quả cau từ lúc tươi đến ra lò phải qua các công đoạn vặt cuống, luộc rồi đem sấy nguyên vỏ bảy ngày bảy đêm.

Truyện “Chim trĩ trắng” viết: Khoảng thế kỷ 6 trước Công nguyên khi sứ Việt sang triều kiến, Chu Vương hỏi rằng: “Người Việt xăm trổ để làm gì?”. Sứ ta đáp: “Người Việt xăm trổ để tránh thuỷ quái ăn thịt”, lại hỏi rằng: “Thế cạo tóc để làm gì”. Sứ ta đáp: “Cạo tóc để đi rừng cho khỏi vướng”, Chu Vương hỏi tiếp: “Thế ăn trầu để làm gì?”. Sứ ta trả lời: “Ăn trầu để tránh ô trừ uế”… Nghe xong Chu Vương phán rằng: “Người Việt có văn hoá riêng của họ, không cùng dòng giống với ta”.
Dân làm cau sấy xuất khẩu cứ lang bạt khắp nước, tháng 5-6 vào Bến Tre dựng lò, mua cau sấy, đến tháng 6-7 dịch ra Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến tháng 8-9 mới về quê khai lò cho đến tháng 12 là hết vụ. Cau Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Hà Nam, Nam Định… thuộc loại cau mùa còn cau Cao Nhân thuộc loại cau chiêm rất muộn, khi tất cả đã hết thì nơi đây mới vào vụ Có hai loại cau sấy là cau đen sấy bằng củi và cau trắng sấy bằng than, rẻ tiền hơn. Mỗi vụ cả xã Cao Nhân xuất đến 2-3.000 tấn cau sấy tương đương cỡ 18-20.000 tấn cau tươi nhưng buồn thay lợi nhuận phần lớn nằm ở…bên kia biên giới.

"Dân mình không bảo được nhau tự hạ giá cạnh tranh còn thương lái Trung Quốc bảo được nhau nên nói cho cùng là ta đánh ta. Chúng tôi xuất bán cau khô chỉ 20.000đ/kg nhưng họ mang về Trung Quốc chế biến kẹo cau - món ăn chống rét cho vùng băng tuyết giá bán lên tới cỡ 150.000đ/kg", anh Chiến tâm sự.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.