| Hotline: 0983.970.780

Xóa định kiến, quyết làm giàu

Thứ Ba 20/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Sau 10 năm kiên trì triển khai thực hiện (2010 – 2019), xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã đạt chuẩn và duy trì tốt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) tạo ra diện mạo mới...

10-50-32_img_0007
Thu hoạch mướp.

Kết quả này thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống từ xã đến thôn. Sự ủng hộ và tham gia của nhân dân trong việc huy động nội lực, hiến đất làm đường, đóng góp công lao động…
 

Từ xã nghèo thành đô thị loại V

Do địa hình xã không bằng phẳng, dân cư sống phân tán, hình thành tới 18 thôn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thoát nước, lưới điện, cần nguồn kinh phí lớn. Việc chỉnh trang nhà ở, bố trí quy hoạch đồng bộ gặp khó khăn, tốn kém. Chương trình xây dựng NTM triển khai trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, nhu cầu về nguồn lực là rất lớn.

Tuy nhiên một số tiêu chí cần nguồn vốn như: Giao thông nông thôn, điện, trường học, nhà văn hóa thôn… đã được tập trung đầu tư từ những năm trước. Do vậy có nhiều tiêu chí đã gần đạt. Đây chính là thuận lợi cơ bản xã tập trung nguồn lực đầu tư vào các tiêu chí còn lại, để hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2014.

Nhờ sự phấn đấu vươn lên bằng nội lực tự thân, nên Kim Long đã nhanh chóng trưởng thành. Theo Quyết định số 24/2015/QĐ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Kim Long đã được công nhận là đô thị loại V. Đô thị bao gồm đất tự nhiên 15,1 km2, dân số 11.742 người. Đô thị Kim Long trực thuộc huyện, trung tâm chuyên ngành cấp huyện, trung tâm tổng hợp dịch vụ, thương mại, công nghiệp cấp tiểu vùng của Tam Dương.

Từ khi trở thành đô thị loại V, Kim Long được đầu tư phát triển SX, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch, dịch vụ… Bộ mặt nông thôn của Kim Long thay đổi hẳn. Nếp sống văn minh đô thị sớm được hình thành.
 

Vươn lên làm giàu

Gần với vùng núi Tam Đảo, Kim Long có khí hậu tương đối mát mẻ, dễ chịu. Không biết từ bao giờ, Kim Long hình thành một vùng rau ăn quả rất phát triển. Ở các thôn liền kề số 6, 7, 8 đã hình thành một mạng lưới các hộ trồng mướp, như thể một khối liên hoàn. Mướp ở đây được trồng rất bài bản. Giàn mướp bằng cột bê-tông chắc chắn. Giàn cũng làm bằng khung sắt hoặc bê-tông. Ai đến lần đầu sẽ thấy choáng ngợp, vì các giàn mướp “liên hoàn” nối tiếp nhau. Vào mùa, hoa mướp nở vàng rực trên các giàn. Thấp thoáng phía dưới là mướp đậu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Bịch – Trưởng thôn 8 – thì các giàn trên không chỉ có mướp. Thời gian đầu trong năm, là để trồng su su. Ở đây khác với vùng chân núi Tam Đảo, su su trồng không lấy ngọn, mà lấy quả. Khí hậu vùng này tuy dễ chịu, nhưng chưa phải thích hợp với ngọn rau su su. Bởi vậy dân vùng này thấy trồng su su lấy quả phù hợp hơn.

Hết mùa quả su su là đến mướp lên giàn, phát triển rất nhanh. Như vậy, chỉ một loại giàn, đã có thể trồng được hai loại cây ăn quả. Cây nọ bổ sung cho cây kia, loại nào cũng có năng suất.

Bà con ở đây cho biết, Trước đây không ai mặn mà với cây mướp. Nhiều người còn có ý nghĩ rất “cổ”, cho là trồng mướp thì không khá lên được. Người ta vẫn có ý nghĩ “Rách như xơ mướp”, “Tã như mướp” để nói rằng, giồng mướp sẽ không giàu, mà nghèo khổ quanh năm. Chỉ đến khi những gia đình đi tiên phong cho cây mướp phát triển và mau chóng được nhân rộng. Rồi các thương lái tìm đến, đặt vấn đề thu mua ngay từ khi quả còn non, đã khiến các gia đình xóa bỏ được thứ “mặc cảm”, thành kiến vô lý. Thế rồi cây mướp bỗng phát triển rầm rộ, trở thành một đặc sản của Kim Long.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thuận, thôn 8 đúng lúc gia đình đang thu hoạch mướp. Mướp được hái về, phân loại, đóng gói. Mỗi loại mướp tùy theo trọng lượng, hình dáng mà để theo từng bịch, sọt, khi thương lái đến, cứ theo từng loại mà tính tiền, đưa lên xe.

Gia đình ông Thuận hiện nay có 3 sào trồng mướp – su su. Mỗi vụ mướp, thu từ 3 đến 4 tấn quả. Vào vụ, ngày nào cũng thu hoạch. Và ngày nào thương lái cũng đến thu gom. Mướp được để riêng từng loại theo yêu cầu của thương lái. Loại 4 quả, loại 5 quả, loại 6 quả/kg…

Niềm vui của các hộ dân ở đây, là “đầu ra” rất ổn định. Đương nhiên dầu vụ, giá cao ngất ngưởng. Đến cuối vụ, có khi giá lại rẻ như cho. Nhưng đã làm ăn, thì phải chấp nhận cơ chế thị trường thôi…
 

Chương trình có tầm nhìn xa

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, Kim Long còn triển khai xã NTM nâng cao, thôn dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu, làm điểm một số thôn dân cư NTM kiểu mẫu trong năm 2019 – 2020. Triển khai thực hiện đồng loạt 18 thôn trong năm 2020, hoàn thiện các hạng mục của thôn dân cư NTM kiểu mẫu và xã NTM kiểu mẫu, đạt chuẩn năm 2020.

Hiện nay Kim Long đã có định hướng cụ thể cho chương trình và thực hiện chương trình cho năm 2020 như: Hoàn thiện tiêu chí quy hoạch. Tiếp tục xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn. Nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT. Giảm hộ nghèo, tăng cao thu nhập bình quân đầu người…

Kim Long còn có dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực, thực hiện chương trình trung hạng giai đoạn 2012 – 2025. Kim Long đã xác định, đạt được các tiêu chí NTM đã khó, mà việc duy trì và phát triển có tính bền vững còn khó hơn. Nhưng càng khó thì càng kích thích sự cố gắng của một xã luôn luôn vươn lên và đạt được những thành tích nổi bật.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.