| Hotline: 0983.970.780

Xóa dự án treo, dở cười dở mếu

Thứ Năm 29/11/2012 , 09:50 (GMT+7)

Thông tin xem xét xóa Dự án KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc và Lộc Hưng nhận được sự đồng tình của đa số người dân, nhưng nhiều hộ vẫn đang tiếp tục ngậm đắng nuốt cay bởi lỡ tin vào lời hứa hẹn của chủ đầu tư.

Trước nguyện vọng của người dân và muốn tránh tình trạng lãng phí đất, UBND huyện Trảng Bàng vừa kiến nghị tỉnh Tây Ninh xem xét trình Chính phủ xóa Dự án KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc và Lộc Hưng. Thông tin này nhận được sự đồng tình của đa số người dân, nhưng nhiều hộ vẫn đang tiếp tục ngậm đắng nuốt cay bởi lỡ tin vào lời hứa hẹn của chủ đầu tư.

KCN Bàu Hai Năm có diện tích quy hoạch là 200 ha, thì có tới 150 ha thuộc đất của ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc. Chỉ có 50 ha còn lại thuộc xã Lộc Hưng. Ông Dương Văn Cu, trưởng ấp Lộc Khê cho hay có tới gần 150 hộ trong ấp có đất được lấy vào Dự án Bàu Hai Năm.

Phần lớn ý kiến của người dân ấp Lộc Khê, nhất là những hộ có đất bị lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều đồng tình với việc nên xóa dự án này. Bà Thu Oanh, ở số nhà 75, đường Hương lộ II, chia sẻ: “Đất bị lấy vào KCN Bàu Hai Năm là đất nông nghiệp, trồng bắp, trồng ớt hay các loại cây trồng khác đều tốt. Nhà tôi có 3.000 m2 nằm trong quy hoạch của dự án này. Mấy năm nay, do chủ đầu tư chưa tiến hành đền bù để lấy đất nên tôi vẫn trồng ớt và các cây trồng khác trên chỗ đất đó. Riêng với cây ớt, mỗi năm trồng một vụ thôi đã có thể kiếm trên dưới trăm triệu đồng. Do đất đã bị quy hoạch nên tôi chỉ có thể trồng cây ngắn ngày. Muốn trồng các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao và ổn định hơn như cao su hay nhãn đều không được. Đất nhà tôi nằm kế ngay cổng KCN nên được bồi thường với mức giá 1,1 tỷ đồng/ha, tính ra được 330 triệu đồng.

Nhưng dự án treo đã mấy năm rồi mà chúng tôi chưa nhận được gì, từ tiền bồi thường đến các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ tiền ăn trong 6 tháng thất nghiệp để chuyển sang nghề khác, mà chủ đầu tư đã hứa hẹn. Nói thực với anh, nếu 2 năm trước chủ đầu tư đã thanh toán tiền cho chúng tôi rồi thu hồi đất theo đúng như tiến độ thực hiện dự án mà họ đã cam kết, thì số tiền 330 triệu đồng đó, đến giờ có lẽ nhà tôi cũng đã tiêu hết rồi. Trong khi đó, nhờ họ chưa bồi thường, chưa thu hồi nên mảnh đất ấy vẫn giúp gia đình tôi có thu nhập trên trăm triệu mỗi năm từ trồng ớt và các cây trồng khác. Vì thế, tôi ủng hộ việc nên xóa dự án này để chúng tôi yên tâm đầu tư trồng ớt, trồng bắp hay có thể trồng các loại cây dài ngày có giá trị cao như cao su, nhãn”.


Đất lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều là đất nông nghiệp

Theo ông Phan Văn Tấn, PCT UBND xã Gia Lộc, Dự án Bàu Hai Năm được phê duyệt năm 2009, đến năm 2010 thì bắt đầu thực hiện. Chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành đo đạc, định giá đền bù cụ thể cho từng hộ dân. Chủ đầu tư hứa là đến cuối năm 2010 sẽ tiến hành bồi thường và thu hồi đất. Nhưng sau đó, do dự án đường Hồ Chí Minh cắt ngang qua Dự án Bàu Hai Năm, nên chủ đầu tư phải ngưng thực hiện dự án, làm hồ sơ xin Bộ GT-VT cho đấu nối vào con đường này. Đến nay, hồ sơ ấy đã hoàn thành thì chủ đầu tư lại không vay được vốn để thực hiện Dự án Bàu Hai Năm. Ông Tấn bảo, 150 ha đất của ấp Lộc Khê lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều là đất nông nghiệp, lại kế cận tuyến kênh N20 nên có thể sản xuất 2 - 3 vụ/năm với nhiều loại cây trồng như lúa, màu, bắp, khoai mì, ớt…

Do đó, nếu tiếp tục bỏ không sẽ rất lãng phí và ảnh hưởng tới đời sống người dân. Bởi thế, huyện Trảng Bàng đã chỉ đạo UBND xã Gia Lộc tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc có nên xóa KCN Bàu Hai Năm hay không. Trong cuộc họp này, phần lớn các hộ dân nghiêng về việc nên xóa ngay dự án để họ có thể yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện Trảng Bàng đã có văn bản kiến nghị lên tỉnh Tây Ninh về việc xóa Dự án Bàu Hai Năm.

Dầu vậy, dù mới “treo” chừng hơn 2 năm, nhưng Dự án Bàu Hai Năm cũng đã kịp gây thiệt hại, khốn khổ cho không ít người dân ở ấp Lộc Khê, nhất là những hộ tưởng là mình đã có những tính toán nhanh nhạy, kịp thời. Điển hình trong số này là hộ ông Bảy Cảnh. Sau khi Dự án được công bố chính thức và chủ đầu tư thông báo giá đền bù, để bù lại phần đất nông nghiệp bị lấy vào dự án, ông Bảy Cảnh tính ngay tới việc phải mua đất nơi khác để tiếp tục trồng trọt. Sợ đến khi nhận tiền bồi thường (cuối năm 2010 theo lời hứa hẹn của chủ đầu tư), giá đất nông nghiệp trong xã sẽ lên bởi nhiều hộ trong ấp Lộc Khê đổ xô đi mua, ông Bảy Cảnh đã không chờ đến khi nhận tiền bồi thường mà đi vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua mảnh đất ở mé đường Lò Gốm.

Ông Cảnh tính toán rằng khi nhận tiền bồi thường sẽ lấy ngay tiền đó trả nợ ngân hàng. Nào ngờ đến cuối năm 2010 vẫn chẳng thấy tiền bồi thường đâu, và cho đến tận bây giờ cũng vậy, gia đình ông Bảy Cảnh đành phải cắn răng trả lãi ngân hàng suốt mấy năm nay cho miếng đất lẽ ra không cần phải vay để mua nếu như biết được rằng có ngày dự án này bị kiến nghị xóa bỏ.

Gia đình ông Mười Kê cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười với lời hứa hẹn về thời gian bồi thường thu hồi đất. Ông Mười Kê đang làm cán bộ văn phòng Huyện ủy Trảng Bàng, bởi thế những thông tin về việc thực hiện dự án, ông đều nắm được. Năm 2010, thấy chủ đầu tư rốt ráo tiến hành dự án, ông Mười Kê cũng tin tưởng lắm. Bởi thế, khi biết gia đình mình sẽ được bồi thường 195 triệu đồng cho 3.000 m2 đất ruộng (đất nhà ông Kê ở sâu bên trong nên được tính giá 650 triệu đ/ha), ông Kê quyết định làm ngôi nhà mới khang trang để ở thay cho ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp đã cũ.

Ngoài Dự án Bàu Hai Năm, UBND huyện Trảng Bàng cũng đã kiến nghị hủy Dự án KCN Gia Bình ở xã Gia Bình. KCN Gia Bình có diện tích 200 ha, toàn bộ là đất lúa 2 vụ với năng suất bình quân 5,5 - 6 tấn/vụ. Ông Nguyễn Quốc Quân, PCT UBND xã Gia Bình cho hay do Dự án này mới chỉ làm ranh quy hoạch, chỉnh địa giới mà chưa định giá đất, hứa hẹn bồi thường… nên nhìn chung những hộ dân có đất bị quy hoạch vào KCN Gia Bình chưa bị thiệt hại như bên KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc.

Ông Kê tính, chỗ tiền gia đình tích cóp được đủ để xây phần thô. Còn phần hoàn thiện, sẽ dùng số tiền bồi thường. Vì sợ để sang năm 2011 hay những năm sau đó sẽ không được tuổi xây nhà, ông Kê đã không đợi đến khi nhận tiền bồi thường mà cho xây dựng luôn. Nào ngờ khi nhà đã xong phần thô thì tiền bồi thường lại chưa có, và đến giờ cũng chưa thấy đồng nào. Không muốn vay mượn ngân hàng hay người thân quen, ông Kê đành phải dừng việc xây dựng ngôi nhà mới suốt từ năm 2010 đến giờ, và cả nhà vẫn phải tiếp tục ở trong căn nhà cũ.

Ông Dương Văn Cu, trưởng ấp Lộc Khê, dù rất tán thành chủ trương xóa Dự án Bàu Hai Năm, nhưng vẫn chưa hết bức xúc về việc nhiều hộ dân trong ấp đã gặp nhiều khốn khổ với dự án này. Ông Cu nói: “Khi dự án được công bố, nhiều hộ dân đang cầm sổ đỏ trên ngân hàng, đã phải tới ngân hàng xin phô tô sổ đỏ với khoản phí mấy chục ngàn đồng. Rồi còn phải mất tiền phô tô CMND, hộ khẩu để làm thủ tục bồi thường đất. Giờ hủy dự án, những khoản phí đó coi như người dân bị mất không. Bực nhất là dù mới chỉ đo đạc, định giá đền bù mà chưa tiến hành bồi thường, thu hồi đất, nhưng nhiều hộ dân không thể tiến hành chuyển nhượng đất, sang tên chủ sở hữu đất. Nhất là những hộ đang vay nợ ngân hàng, đến kỳ đáo nợ, không có tiền trả, đành phải tính tới việc bán đất để trả nợ thì đều không thể bán được do đã là đất quy hoạch. Nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù đã vội vay mượn tiền để mua đất nơi khác hay xây sửa nhà cửa, đến giờ vẫn phải ôm nợ bởi không có tiền bồi thường để trả”.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm