| Hotline: 0983.970.780

Xoan, lát thoát nghèo

Thứ Năm 15/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Những quả đồi trọc đang dần dần được phủ lên một màu áo màu xanh của xoan, lát mang theo hy vọng về giấc mơ thoát nghèo của người Mông nơi đại ngàn Mường Lát (Thanh Hóa). 

Sự đổi thay hiện hữu từng ngày trên mảnh đất huyện miền núi xa xôi.

Để đến được Mường Lát chúng tôi phải vượt qua cung đường gần 300 km và sau gần 1 ngày lắc lư trên "con ngựa sắt" cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng thì "cổng trời" cũng hiện ra với không gian núi rừng bao la, bạt ngàn màu xanh của xoan, lát.

Anh Phạm Trung Tuyến ở Pom Bui, khu 3, thị trấn Mường Lát cho biết: “Hằng năm, sau Tết cổ truyền là mùa đi rẫy, bà con trong bản đốt rừng để trồng lúa, ngô chứ không biết trồng cây xoan, lát đâu.

Từ năm 2012, Nhà nước cho cây, rồi cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng nên bà con mới biết trồng đấy chứ! Dân bản chẳng ai nghĩ đến chuyện có một ngày những quả đồi, khu rừng bị “cạo trọc”, giờ thành khu rừng xanh, chờ ngày thu hoạch”.

Dự án trồng rừng 147 được Ban Chỉ đạo Phát triển KT-XH huyện Mường Lát khởi xướng từ năm 2012. Sau gần 3 năm phát triển, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 11.000 ha xoan, lát.

 “Có được kết quả trên, yếu tố tuyên truyền rất quan trọng. Chúng tôi phối hợp với chính quyền các xã Tam Chung, Nhi Sơn, Trung Lý... đến tận hộ dân vận động, khuyến khích đồng bào tham gia trồng rừng. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng cũng thành công”, một chiến sỹ biên phòng nói.

Hiện diện tích chưa có rừng của Mường Lát đang tương đối lớn (gần 24.000 ha). Nhưng với quyết tâm và nỗ lực của chính quyền, đồng bào nơi đây, mục tiêu trồng mới hơn 19.000 ha rừng SX giai đoạn 2011 - 2015 sẽ sớm hoàn thành, từng bước khai thác tối đa tiềm năng đất đai, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng BCĐ Phát triển KT-XH huyện Mường Lát cho biết, ngay sau khi Chính phủ có chủ trương về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng SX, Thanh Hóa căn cứ điều kiện đất đai, khí hậu cụ thể từng địa phương để lựa chọn cây trồng sao cho phù hợp.

Với huyện Mường Lát cây chủ lực là xoan và lát. Đến cuối năm 2011, UBND tỉnh tổ chức thành lập các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn người dân về kỹ thuật và chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng SX.

“Nhờ sự kiên trì của các cấp chính quyền và người dân mà diện tích đất trống đồi núi trọc được phủ xanh. Nếu thuận lợi, chỉ sau 3 - 4 năm nữa không ít đồng bào Mông ở Mường Lát sẽ thoát nghèo bền vững từ rừng xoan, lát này”, ông Quyền nói.

Mặc dù diện tích rừng trồng còn khiêm tốn, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực miền núi mang ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giúp bà con dân bản chuyển đổi nhận thức, tích cực tham gia đăng ký và trồng rừng trên đất nương rẫy trồng lúa, ngô, sắn kém hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Cao Văn Cường cho biết: "Sắp tới huyện sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng xoan, lát với mục tiêu là phủ xanh toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn. Đây không chỉ là mục tiêu giúp dân thoát nghèo mà còn tác động trực tiếp đến bảo vệ môi trường, chống xói mòn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu".

Theo tính toán của người dân, sau 6 - 7 năm trồng xoan, lát sẽ cho thu hoạch cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa nương rẫy. Việc trồng xoan còn có thể kết hợp với chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và trồng cỏ nuôi bò. Đây là một chủ trương đúng đắn, thích hợp với điều kiện tự nhiên tại một huyện vùng cao như Mường Lát.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.