| Hotline: 0983.970.780

Xóm cũ

Chủ Nhật 19/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại họ, trong một tiệc cưới. Đó là những người bạn cùng xóm của tuổi ấu thơ xa lắc xa lơ.

15-15-31_trongchinhxomcu_03
Ảnh: Trọng Chính.

Bạn cùng xóm nên thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Có người bằng tuổi tôi, lại từng học cùng lớp suốt những năm cấp 1, cấp 2. Có những người ít hơn một vài tuổi. Có người đã gần 30 năm nay tôi mới gặp lại.

Những người khác, thì lần gặp gần nhất cũng đã cách chừng 5-6 năm. Vậy mà câu chuyện giữa chúng tôi, nhất là khi nhắc nhở về xóm cũ, vẫn rôm rả, thân tình như thể gặp gỡ thường xuyên vậy.

Nhà tôi chuyển về cái xóm nhỏ ấy cách đây gần 40 năm. Xóm ngày ấy mới có chừng vài chục nóc nhà, nhà nào đất đai cũng rộng, có ao, có vườn. Lại có cả những mảnh ruộng nhỏ do người dân trong xóm tự khai phá, trồng cấy trên nền sân bay Lai Thành, vốn được quân Nhật xây dựng và sử dụng trong những năm đầu của thập niên 1940, nhưng đã bị bỏ hoang kể từ năm 1945. Vì vậy, xóm tuy thuộc phường, được gọi tổ dân phố, là đô thị đấy mà trông không khác một xóm quê là mấy.

Người trong xóm, tuy đa số là cán bộ, công nhân viên, nhưng đều sinh ra và lớn lên ở các vùng quê. Cộng thêm khung cảnh xóm mà lại giông giống như làng, nên đối đãi với nhau rất tình làng nghĩa xóm. Mọi nhà, mọi người trong xóm đều biết rõ về nhau, người lớn quê ở đâu, làm việc ở đâu, trẻ con học lớp mấy, trường nào.

Thanh niên nam nữ trong xóm, ai đang yêu ai, ai tìm hiểu ai, gần như cả xóm đều biết. Khi nhà nào có cưới hỏi đều mời khắp cả xóm. Xóm giềng không chờ đến hôm cưới mới sang ăn cỗ, mà đều đến từ trước để phụ giúp gia chủ trang trí rạp cưới, xắp xếp bàn ghế, thậm chí phụ làm cỗ cưới.

Lúc ma chay, cả xóm lại xúm vào, từ đào huyệt, đưa tang, đến hạ huyệt, đắp mồ mả để người quá cố được mồ yên mả đẹp. Nhà nào có con lên đường nhập ngũ, cả xóm kéo đến chia tay, động viên tân binh. Nhà ai có con đậu đại học, lại là cả xóm đến chúc mừng.

Ngày Tết, người lớn rủ nhau đi khắp các nhà trong xóm để chúc nhau những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới. Còn nhiều, rất nhiều những chuyện đầy tình làng nghĩa xóm như thế ở một xóm nhỏ mà tên gọi chính thức là một tổ dân phố.

Bọn trẻ con chúng tôi, vì thế mà cũng chơi với nhau khắp cả xóm, không phân biệt tuổi tác, gia cảnh, giới tính. Tối tối, sau khi ôn bài xong, trẻ con trong xóm lại í ới rủ nhau ra chỗ ngã ba đường để chơi trốn tìm, cướp cờ và nhiều trò khác.

Ban ngày, cũng sau giờ đi học, chúng tôi lại rủ nhau chơi bóng đá, đi tắm ao, tắm sông hay ra đồng bắt dế, bắt cào cào … Tiếng là trẻ phố, mà bọn trẻ con trong xóm gắn bó với nhau chẳng thua gì trẻ nhỏ ở quê, sẵn sàng bảo vệ nhau khi bị trẻ con nơi khác bắt nạt.

Tuổi thơ của chúng tôi cứ êm đềm trôi đi trong cái tình làng nghĩa xóm, qua những tháng ngày đầy khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp. Những đứa trẻ lần lượt trưởng thành. Người đi học đại học, người nhập ngũ làm quân nhân, kẻ đi làm công nhân, làm thợ. Có những người sớm lập gia đình, bận bịu với cuộc mưu sinh. Lại có bạn sớm từ giã cõi đời.

15-15-31_trongchinhxomcu_01
Ảnh: Trọng Chính.

Xóm cũng dần đổi thay khi đường sá được mở mang rộng rãi hơn, từ đường đất lên đường rải đá, rồi chuyển thành đường nhựa. Đường điện đã được kéo về thắp sáng cả xóm, sáng cả đường đi lối lại. Nhiều nhà bắt đầu bán bớt đất đai cho những người, những gia đình muốn về định cư trong xóm.

Những mảnh vườn, ao cá vì thế lần lượt mất đi. Các mảnh ruộng mà người trong xóm đã tự khai phá cũng vậy, khi mà nhu cầu tự túc lương thực không còn do đã qua thời bao cấp. Thay vào đó, là những ngôi nhà mới cứ lần lượt mọc lên.

Đến đầu những năm 1990, xóm đã bắt đầu ra dáng một phố thị thực sự, với những ngôi nhà san sát hai bên đường. Người trong xóm không chỉ còn sống nhờ lương, nhờ những công việc làm thêm rất đặc thù của thời bao cấp như bóc lạc, làm chổi đót … cho các công ty xuất khẩu, mà đã xuất hiện các dịch vụ mới như bán hàng tạp hóa, cho thuê phòng trọ, cho thuê băng đĩa…

Những mặt trái của đô thị cũng bắt đầu len lỏi về xóm như cờ bạc, lô đề, ma túy. Nhưng cái tình làng nghĩa xóm, thì vẫn là sợi dây liên kết bền chặt không chỉ giữa những gia đình đầu tiên về lập xóm, mà còn với cả nhiều hộ mới chuyển đến sau này.

Chính cái tình làng nghĩa xóm ấy, đã như một chất keo gắn kết chúng tôi – bọn trẻ con của xóm trong những năm 1980, đến tận bây giờ, cho dù phần lớn từ lâu đã rời xa xóm cũ, lập nghiệp ở những phương trời xa và lâu, thậm chí rất lâu mới gặp lại nhau.

Sống trong tình làng nghĩa xóm từ thuở ấu thơ, nên dù sau này mỗi đứa một phương, một công việc, một hoàn cảnh riêng, nhưng đám trẻ con xóm cũ, vẫn tìm cách gặp lại nhau mỗi khi có dịp. Có những chuyện tìm lại nhau đã khiến tôi cảm động. Như chuyện một anh bạn cùng xóm, cùng học với tôi, vào định cư ở Long Thành (Đồng Nai) đã gần 30 năm.

Hồi mười mấy năm trước, dù trong tay chỉ có một địa chỉ không rõ ràng, lại không có số điện thoại nào để liên lạc, nhưng đã từng đi xe máy từ Đồng Nai lên tận một huyện xa xôi của tỉnh Bình Phước, để tìm bằng được một đứa em gần nhà nơi xóm cũ, xem cuộc sống của nó ra sao, dù chẳng hề có quan hệ bà con ruột thịt. Chỉ có tình làng nghĩa xóm, mới khiến bạn tôi chẳng nề hà khó khăn, vất vả, lặn lội đường xa để tìm một đứa em cùng xóm như thế.

Và trong suốt buổi tối hội ngộ ở tiệc cưới ấy, những đứa trẻ ở xóm cũ, giờ đã là những người đàn ông, đàn bà ở tuổi trung niên hay xấp xỉ trung niên, cứ rôm rả với chuyện xóm giềng. Câu chuyện chủ yếu nhắc nhở về những chuyện, những người ở thời xưa cũ, những kỷ niệm ấu thơ, vậy mà cũng khiến cho ai cũng thấy xốn xang.

Đôi khi, bầu không khí của buổi hội ngộ lại trùng xuống khi ai đó chợt nhắc tới một người ở xóm cũ đã qua đời. Mấy chục năm đã trôi qua, nhiều người trong xóm, từ những người già cả, tới cả một số người cùng thế hệ với tôi hoặc ít tuổi hơn, đã thành người thiên cổ. Người mới mất cách đây không lâu, người ra đi từ mấy chục năm trước, nhưng chưa ai bị lãng quên trong ký ức của những đứa trẻ xóm cũ ngày nào.

Nhà của mẹ tôi đã không còn ở xóm cũ nữa, mà đã chuyện sang một phường khác cũng trong thành phố. Dầu vậy, mỗi lần về quê thăm mẹ, nếu có thời gian, tôi lại ghé về xóm cũ. Ở đó còn nhà của cậu tôi. Một người bạn thân từ thuở ấu thơ, giờ vẫn còn ở đấy. Một số nhà hàng xóm thân thiết với nhà tôi từ mấy chục năm nay, giờ cũng vẫn còn ở đấy.

Xóm cũ đã thay đổi quá nhiều, giờ phải gọi là phố chứ không phải là xóm nữa, vì gần như không còn bóng dáng nào của cái xóm nhỏ những năm cuối thế kỷ trước. Về xóm bây giờ, gặp người lạ dễ hơn gặp người quen, khiến tôi không thể không liên tưởng tới câu thơ của Hạ Tri Chương, một thi sỹ thời Đường, viết khi về lại thăm quê sau mấy chục năm “Nhi đồng tương kiến bất tương thức. Tiếu vấn khách tòng hà khứ lai” (Trẻ con thấy không biết là người làng. Cười hỏi khách từ đâu đến).

15-15-31_trongchinhxomcu_02
Ảnh: Trọng Chính.

Nhưng mỗi lần đứng bên con đường cũ, nhìn lại một vòng nơi mình đã gắn bó gần như suốt thời thơ ấu, trong tôi lại bâng khuâng hiện về những cảnh, những người của xóm nhỏ xa xưa.

(Kiến thức gia đình số Tết Âm lịch)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm