| Hotline: 0983.970.780

Xóm Đỏ Đầu!

Thứ Ba 30/07/2013 , 10:10 (GMT+7)

Xóm biển Đầu Đỏ thuộc xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Trong cơn bão số 1, năm 2010 xóm nghèo này có 6 người làm thợ lặn gặp nạn phải bỏ mạng giữa biển khơi. Ba năm trôi qua người thân các thợ lặn mất tích tìm đến cơ quan chức năng xin chứng nhận là đã chết, thế nhưng không được thừa nhận...

Xóm biển Đầu Đỏ thuộc xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Trong cơn bão số 1, năm 2010 xóm nghèo này có 6 người làm thợ lặn gặp nạn phải bỏ mạng giữa biển khơi. Ba năm trôi qua người thân các thợ lặn mất tích tìm đến cơ quan chức năng xin chứng nhận là đã chết, thế nhưng không được thừa nhận...

NỖI ĐAU LÀNG BIỂN

Trong một lần về xã Vạn Hưng công tác, tôi hỏi một cán bộ xã về các thôn phân bố trên địa bàn. Kể hết thôn, vị cán bộ liệt kê các xóm, khi nhắc đến thôn Xuân Tự 2 có xóm Đầu Đỏ, tôi ấn tượng ngay. Tôi hỏi hai chữ Đầu Đỏ, vị cán bộ lý giải: “Chuyện rằng, xóm này đàn ông trăm người như một sống bằng nghề lặn. Mà lặn thì ngâm mình trong nước khi ngoi lên chỉ có cái đầu khiến tóc ai cũng đỏ quạch. Do đó người ta đặt tên Đầu Đỏ”.

Ông Võ Cao, trưởng thôn Xuân Tự 2, cho biết: “Xóm Đầu Đỏ có 160 hộ, trong đó 80% sống bằng nghề lặn và đánh bắt thủy sản. Trước đây chỉ có một vài hộ nhưng dần dần người dân từ đâu kéo đến sinh sống lập thành xóm. Hiện Đầu Đỏ có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất xã, nhiều gia đình hoàn cảnh éo le lắm”.

Ông Cao khẳng định: “Phải thừa nhận một điều, nghề lặn biển đang nuôi sống người dân xóm Đầu Đỏ. Nhưng cũng không ít người nằm lại giữa biển khơi, người nào trở về thì mang thương tích đầy mình. Thế nhưng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác giữ nghề. Bọn trẻ học đến cấp 2 đã nghỉ học để ra khơi tập làm quen lặn biển, trong xóm không có một đứa con trai nào học nổi cấp 3”.

Lại nói trong cơn bão số 1 năm 2010 có 6 thợ lặn ở xóm Đầu Đỏ mất tích trên biển. Hôm tôi đến, chỉ còn vài ngày nữa là giỗ anh Nguyễn Ngọc Hạnh, chồng chị Nguyễn Thị Hạnh. Căn nhà cấp bốn bé nhỏ của chị nằm ở gần vịnh Vân Phong khép mình chống chọi từng đợt gió biển. Mình chị gồng mình nuôi 3 đứa trẻ mồ côi cha.

Chị Hạnh kể: “Giữa tháng 6/2010, chồng tôi cùng 9 người trong thôn rời quê ra Quảng Ngãi đi trên con tàu QN-95904 ở xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đợt ấy khi nghe tin cơn bão số 1 xuất hiện trên biển Đông, ngày đêm tôi đứng ngồi không yên.


Chị Nguyễn Thị Hạnh cùng đống giấy tờ xin xác nhận chồng mình mất tích

Tôi có liên lạc cho chồng thì bảo tàu đang đi tránh bão. Khi cơn bão đổ bộ mọi thông tin với chồng bặt vô âm tín. Sau mấy ngày cơn bão đi qua có 3 người trong xóm trở về, họ đến thông báo tàu đã bị sóng đánh chìm. Trên tàu chỉ 5 người sống sót còn lại chết mất xác”.

Sự thật là vậy nhưng chị vẫn không tin, cho đến ngày 18/7/2010, Đồn Biên phòng 362, Bộ Chỉ huy Biên phòng Khánh Hòa thông báo về các trường hợp mất tích, trong đó có chồng chị. Những người làng xóm đến động viên và khuyên chị làm đám tang cho chồng nhưng chị vẫn không. Một tháng trôi qua, rồi 1 năm, 2 năm, 3 năm..., chị chờ chồng trong vô vọng.

Chị Hạnh nghẹn ngào: “Trước khi anh đi, có nói với vợ con, chuyến này ra khơi sẽ mang tiền về trả nợ ngân hàng 20 triệu đồng. Anh ấy còn dặn: Người ta có đến đòi thì xin gia hạn chờ anh về. Ai ngờ anh ấy ra đi nay đã 3 năm, chắc mất xác rồi. Ngân hàng đến thông báo xiết nợ, đòi tịch thu nhà. Do đó, tôi phải bán một nửa đất ở để trả ngân hàng. Tiền thì ngân hàng lấy nhưng không trả lại sổ đỏ, bởi người đứng ra vay là anh Hạnh”.

“Ngân hàng bảo nếu chồng mất tích thì phải có giấy xác nhận, lúc đó xã có giấy ủy quyền thì mới trả lại sổ đỏ. Tôi lên xã hỏi thì họ trả lời là người mất tích phải đủ thời gian quy định của pháp luật mới làm được. Còn chồng tôi mất tích chưa đủ thời gian nên xã không thể làm được giấy”, chị Hạnh cho hay.

Nỗi đau mất chồng đã đành nay chị Hạnh vướng vào nợ nần. Số tiền trả nợ ngân hàng chị bán đất cho người ta nhưng không có sổ đỏ để tách đất. Người mua đất đòi chị liên tục. Họ bảo với chị, nếu không tách đất thì trả tiền, nhưng cuộc sống qua ngày 4 mẹ con miếng ăn còn chưa no đủ chứ nói gì đến 20 triệu đồng.

Cách nhà chị Hạnh vài bước chân là gia đình chị Trần Thị Dung, có chồng Trần Văn Tới cũng mất tích trên con tàu QN-95904. Căn nhà hiện không còn chủ nhân ở mà đang nhờ một người thân trông hộ.

Những người hàng xóm chị Dung kể, suốt 1 năm đầu chồng mất tích, đêm đêm chị Dung lặng khóc, lòng thương nhớ khôn nguôi bóng hình người chồng đoản mệnh. Lần đi ấy là chuyến cuối cùng để anh Lợi kiếm ít tiền cộng với vay mượn anh em mua tàu chuyển sang nghề cá ven bờ cho đỡ vất vả, nguy nan.

Anh Lợi mất tích trên biển, chị Dung mất đi trụ cột gia đình. Chị thay chồng gồng gánh nuôi 2 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn. Chị lên xã xin chứng nhận chồng đã chết để mong Nhà nước hỗ trợ 2 đứa con mồ côi cha mong được giảm các khoản đóng đậu đi học. Ấy vậy mà không được chứng nhận, hai đứa con chị buộc phải nghỉ học.

Bám được ở quê 2 năm thì ba mẹ con bỏ quê vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Hiện 2 đứa con của chị đang nương nhờ một ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh, còn chị đi làm công nhân.

BẠI LIỆT VÌ NGHỀ

Người dân xóm Đầu Đỏ không biết nghề lặn có từ bao giờ, họ chỉ biết khi sinh ra thì cha, ông đã làm. Nhưng cuộc sống khó khăn họ không có tiền đóng thuyền công suất lớn, sắm lưới đánh bắt thủy sản.

Do vậy cứ vào mùa đàn ông trong xóm lên đường ra Quảng Ngãi, người vào Bà Rịa – Vũng Tàu tìm bạn đi lặn. Những chuyến đi kéo dài từ 1 - 3 tháng, nếu gặp may mắn cũng đem về cho gia đình chừng 10-20 triệu đồng. Đấy là nguồn chính nuôi sống người dân xóm Đầu Đỏ.

Nhưng để kiếm được từng ấy tiền, không ít thợ lặn xóm Đầu Đỏ bỏ mạng giữa biển khơi, còn người trở về cũng thương tích đầy mình. Ông Võ Cao, trưởng thôn Xuân Tự 2 thống kê, ở xóm Đầu Đỏ hiện có hơn 15 người bị tàn tật do nghề lặn gây ra. Người thì bại liệt chân tay, người bị bệnh xương hoại tử nằm một chỗ hoặc đi bằng nạng.

Ông Trần Kim Anh (40 tuổi) gắn bó với nghề lặn 20 năm bị bại liệt nằm một chỗ. Ngày trước, ông Anh thường ra Quảng Ngãi lênh đênh trên biển làm nghề lặn. Tàu của ông không chỉ lặn trên vùng biển Việt Nam mà còn xuất ngoại sang nước bạn như Philippines, Malaysia…


Ông Trần Kim Anh có 20 năm lặn biển nay bị bại liệt nằm một chỗ

Mỗi chuyến đi kéo dài 1-3 tháng ròng. Thợ đi lặn được các chủ tàu mua thức ăn, dầu…, họ chỉ việc lặn. Cứ sau mỗi chuyến chủ tàu trừ chi phí rồi chia đều cho anh em, người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.

Hỏi về căn bệnh của mình, ông Anh cho biết: “Nghề lặn luôn đối mặt với nguy hiểm như đứt ống dẫn hơi, sức ép dòng chảy, luồng nước độc, cá dữ tấn công… Những lúc gặp nạn thì được các chủ tàu cấp thuốc.

Muốn khỏi bệnh nhanh thì tiêm, còn không uống thuốc viên. Những loại thuốc đó tôi không biết độc hại như thế nào nhưng tiêm vào nghỉ ngơi sau một ngày lại tiếp tục xuống đáy biển. Đến lúc đau quá, vào bệnh viện thì các bác sĩ bảo rằng do tiêm loại thuốc đó mà tôi bị teo cơ, xương phân hủy”.

“Người chết yên phận dưới lòng đất lạnh đã đành, chỉ thương những người vợ, người mẹ còn trên đời với gánh nặng áo cơm và nỗi đau mất mát, đoạn lìa… Ở xóm có những người tuổi đời mới 28-35 cũng bị như tôi, suốt ngày làm khổ vợ con. Nhưng xóm lặn chúng tôi không làm thì biết lấy gì mà nuôi gia đình”, ông Anh nói về nghề.

Trao đổi với bà Trần Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Vạn Hương về việc chứng nhận những thợ lặn mất tích, bà Thu cho biết: “Về việc này xã không thể chứng nhận được, ở cấp xã không đủ thẩm quyền. Để chứng nhận người mất tích thuộc về Tòa án huyện, người thân những người mất tích phải khai báo với tòa đã mất tích trong vòng thời gian bao lâu. Hiện xã đã thông báo với người thân của nạn nhân các bước làm thủ tục nhưng người dân không chịu làm nên mới có việc như vậy!”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.