| Hotline: 0983.970.780

Xóm đồng bào S’tiêng đói điện, khát nước sạch mấy chục năm nay

Thứ Sáu 28/10/2016 , 14:30 (GMT+7)

Từ mấy chục năm nay, người dân thôn Phú Tiến, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, Bình Phước, vẫn sống dưới ngọn đèn dầu và nước… trời cho. Cuộc sống gần như tách biệt với xã hội văn minh, người lớn “đói” thông tin, bệnh tật bủa vây, trẻ em học dưới ánh đèn dầu. Điều đáng nói là, thôn này nằm các trung tâm...

Điều đáng nói là, thôn này nằm các trung tâm xã chỉ vài cây số.
 

Tivi để hứng bụi

Theo chân anh công an xã Phú Trung Đoàn Quốc Nguyên, chúng tôi tìm vào thôn Phú Tiến trên con đường mòn nhỏ gập ghềnh. Vào đến nơi đúng lúc mặt trời đứng bóng, hắt cái năng gay gắt xuống những mái nhà nhỏ nóng hầm hập.

Do nóng nực, lại không có quạt điện nên chủ nhân những ngôi nhà ấy nằm trên võng, hay ngồi dưới dưới gốc điều, mít để trốn nắng, tránh nóng. Những đứa trẻ tầm 5-6 tuổi sau một hồi chơi đùa khiến mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, không chịu nổi, cũng theo chân người lớn núp dưới gốc cây.

Anh Nguyên cho biết, thôn Phú Tiến có 115 hộ, trong đó có 19 hộ là đồng bào S’tiêng, sống tập trung thành một khu riêng, gần như tách biệt với người Kinh. Ở đây đồng bào vẫn chịu cảnh đèn dầu, ăn nước suối từ bao năm nay.

Chúng tôi ghé nhà già làng Điểu Bó, 56 tuổi, trong lúc ông đang vá lại những chỗ bị rách ở nền nhà. Cầm chiếc bay trên tay, ông đang cố sức xoa thật mạnh, lưng đẫm mồ hôi. Trong căn nhà tềnh toàng, ngoài chiếc ti vi được Nhà nước tặng từ 2 năm trước ra, chẳng còn món đồ nào đáng giá. Chiếc ti vi bị phủ một lớp bụi vì lâu không dùng đến.

15-46-24_nh-1
Chiếc tivi của già làng Điểu Bó phủ lớp bụi dày vì lâu không dùng tới
 

Già làng Điểu Bó cho biết, gia đình ông về sinh sống tại đây từ năm 1991, dù làm việc cật lực nhưng cuộc sống của gia đình ông và những người xung quanh vẫn khó khăn chồng chất, mà một trong những nguyên nhân cơ bản, theo già làng, là không có điện, nên làm gì cũng chỉ có đôi tay với con dao, cái cuốc…

Chỉ chiếc máy phát điện nhỏ trong góc nhà, già làng bảo: “Cách đây hai năm, tôi với thằng con rể cố gom góp, nhịn ăn để dành tiền mua được cái máy phát điện nhỏ để dùng. Nhưng cũng không dám dùng nhiều, chỉ cho nó nổ chút xíu lúc ăn tối hay hôm nào trời nóng quá chịu không nổi thôi, vì không có tiền mua xăng”.

Còn chiếc ti vi, mặc dù được gia đình Điểu Bó xem như “báu vật” trong nhà, nhưng nó chưa một lần được mở.

15-46-24_nh-2
Chiếc máy phát điện của già làng Điểu Bó
 

Anh Nguyên bảo: “Nhà già làng vậy là còn khá so với các hộ khác trong xóm này! Nhiều hộ còn nghèo khó hơn thậm chí còn chẳng có cái đèn dầu nữa”. Nói rồi anh dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm. Quả đúng như lời anh Nguyên nói, chỉ tiếc là không gặp được bà con. “Giờ này họ đi rẫy, đi làm thuê hết rồi”, anh Nguyên nói.

Trời nhá nhem tối, chúng tôi quay lại nhà già làng Điểu Bó, lúc này, mọi thứ đang dần bị bóng tối che khuất. Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông vừa kết thúc, người vợ bê vội để tạm một chỗ chờ trời sáng mới rửa.

15-46-24_nh-3
Buổi tối ở xóm đồng bào
 

Chỉ đứa cháu nội Điểu Thanh, 8 tuổi đang học lớp 2, già làng Điểu Bó nói: Đời sống của bà con nơi đây là thế đấy. Chiều tối về phải tranh thủ nấu nhanh để ăn, nếu không thì phải mò mẫm làm trong bóng tối. Thằng bé hôm nào cũng vậy, ăn xong là chuẩn bị lên giường thôi, vì không có điện, không học bài được, cũng chẳng có gì để chơi.

Thằng Điểu Thanh bảo nó không thích đi học nữa, vì thường không làm bài ở nhà nên hôm nào lên lớp cũng bị cô giáo nhắc nhở. Mấy đứa nhỏ trong xóm này đều thế cả. Từ bao lâu nay tụi trẻ con ở đây vẫn chỉ có cai đèn để học.

Nếu không có điện thì nghèo mãi thôi, cơm chưa đủ ăn, ai dám mua máy phát điện. Mà mua máy phát rồi tiền đâu mua xăng dầu cho nó “ăn”? Sống trong cảnh tối tăm như người rừng từ lâu nên chúng tôi cũng quen rồi, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ, học hành không được nên chẳng có tương lai. Tụi nó lâu lâu đi học về lại kể, ở xóm ngoài thắp điện sáng trưng, nghe tủi thân lắm.
 

Khát nước sạch

Không chỉ đói điện, xóm đồng bào S’tiêng ở đây còn khát nước sạch. Theo anh Nguyên, hơn 20 năm sinh sống tại đây là chừng ấy thời gian bà con phải sử dụng nước suối, nước mưa để ăn uống.

15-46-24_nh-4
Nguồn nước suối bà con dùng ăn uống từ hơn 20 năm nay
 

Mới đầu năm 2016, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ theo Chương trình 135, chính quyền xã Phú Trung mới có điều kiện vào khoan cho bà con 1 giếng nước, mua máy bơm điện, tổng số tiền cũng hết đến 77 triệu đồng.

Nhưng giếng này cũng chỉ có vài hộ ở gần được sử dụng, còn các hộ khác dù muốn cũng đành “ngắm từ xa”, vì đoạn đường khá xa, đường khó đi, phương tiện không có, nên không có cách gì chở nước về được. Còn bảo kéo đường ống nước về, lại càng không, vì làm gì có tiền mà kéo! Họ đành vẫn ra suối cách nhà mấy trăm mét, múc nước về dùng.

Đi qua một vườn điều già, chúng tôi tìm đến khe suối nhỏ mà người dân ở đây lấy nước về dùng. Anh Điểu Năng, 36 tuổi, đang dùng xô múc nước để cho vợ kịp nấu ăn chiều và tắm cho mấy đứa con. Suối rộng chừng 3 mét, trên bờ, người đứng có thể nhìn thấy đáy. Khe suối này, được bà con ở đây đắp cao, tạo dòng chảy để có được nước trong.

15-46-24_nh-5
Từ đầu năm 2016, vài hộ trong xóm đã được dùng nước giếng sạch
 

Vừa kéo xô nước, anh Điểu Năm vừa nói: “Đang mùa mưa, nước nhiều nên mới được trong như thế, chứ mùa hạn, nước đục ngầu, chúng tôi phải đào một cái hố ngay trên bờ, thì mới có nước để dùng. Hơn nữa, mùa nắng, những người có rẫy điều, cao su, cà phê, ca cao, họ lấy nước suối này pha thuốc sâu để phun. Phun xong lại xuống suối rửa bình, rồi vứt luôn vỏ chai thuốc xuống lòng suối.

Biết là không đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải lấy nước về để dùng. Vài năm nay, bà con bị bệnh đường ruột, ho, viêm phổi hoài, không biết có phải do dùng nước suối này hay không”.

Anh Phan Duy Thanh, Bí thư Chi bộ thôn, cho biết: “Đời sống của xóm đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị về việc kéo điện vào cho dân nhưng điện vẫn chưa về và cũng chưa biết khi nào điện về đến nơi này. Trong các cuộc họp cũng kiến nghị đầu tư thêm 1 giếng nước nữa cho đồng bào, lãnh đạo xã trả lời khi nào có nguồn đầu tư sẽ ưu tiên khoan giếng nước cho bà con nơi đây, người dân nghe vậy và cũng chỉ biết đợi thôi”.

15-46-24_nh-6
15-46-24_nh-7
Những "ngôi nhà” ở xóm đồng bào thôn Phú Tiến, xã Phú Trung, Phú Riềng
 

Chúng tôi rời xóm đồng bào S’tiêng khi màn đêm đã trùm lên khắp xóm, bước ra khỏi nhà già làng, sương đêm se lạnh hòa vào màu đen của bóng đêm. Hình ảnh những ngôi nhà rát nát, tối om om, rồi dòng nước suối lâu lâu lại pha… thuốc trừ sâu, chiếc ti vi còn mới của già làng Điểu Bó, chiếc máy phát điện phủ bụi nằm im lìm, nhất là những đứa trẻ nhem nhuốc đu bám nhau trên thân cây điều… cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.

“Thôn Phú Tiến hiện đang sử dụng đường dây điện của thị xã Phước Long, mật độ dân cư thưa, nên việc kéo điện vào đến khu đồng bào dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, bà con ai cũng nghèo nên không thể kêu gọi đóng góp tiền kéo dây điện, trong khi xã còn rất nghèo. Chúng tôi rất nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp, những nơi khó khăn còn rất nhiều nên vẫn phải đợi hỗ trợ. Về vấn đề nước sạch, trong thời gian tới có nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẽ ưu tiên khoan giếng cho bà con”, ông Lê Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trung.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những đoàn xe thiện nguyện đuôi nhau chở nước về vùng hạn mặn

Mỗi ngày các địa phương ven biển ĐBSCL, tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre… tiếp nhận hàng chục, hàng trăm chuyến xe và nhiều sà lan mang theo những giọt nước nghĩa tình.

Bình luận mới nhất