| Hotline: 0983.970.780

Xóm Trường Tết này liệu đã có nhà?

Thứ Tư 10/02/2010 , 16:31 (GMT+7)

Chúng tôi về lại xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên khi cơn lũ lịch sử đầu tháng 11 đã đi qua được hơn 2 tháng. Quang cảnh đổ nát vẫn còn đó...

Cơn lũ lịch sử đầu tháng 11 tàn phá Phú Yên nặng nề, trong đó Xóm Trường, thôn Triêm Đức xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Cả xóm có 43 nóc nhà thì đã có 42 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

18 người đã vĩnh viễn xa người thân. Gần 2 tháng nay, những người dân còn sống ở xóm Trường vẫn sống trong cảnh màn trời chiếu đất và họ đang rất mong mỏi một mái nhà. Thế nhưng liệu Tết nguyên đán này người dân vùng rốn lũ Triêm Đức đã có nhà mới?

Chúng tôi về lại xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên khi cơn lũ lịch sử đầu tháng 11 đã đi qua được hơn 2 tháng. Quang cảnh đổ nát vẫn còn đó. Xóm Trường sầm uất ngày nào giờ chỉ còn bãi cát với gạch đá vụn chỏng chơ trên các nền nhà còn sót lại và những cây ăn quả trơ gốc. Chừng ấy thời gian những người dân ở xóm Trường phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Anh Võ Thanh Đại thẫn thờ bên nền nhà cũ

Dưới những gốc cây, từng tốp người ngồi tụm năm, tụm ba. Bà con cho biết: Nhà không còn để về. Ở nhờ thì chật chội, ban ngày ra đây ngồi, ai cho gì thì nhận, có gì thì ăn nấy qua ngày, ban đêm thì đi ngủ nhờ nhà bà con ở xóm trên và chờ Nhà nước ủi đất làm nhà mới khu khác để ở. Khó khăn trăm bề nhưng cố mà chịu chứ chẳng biết phải làm thế nào! Bà Nguyễn Thị Hồng Trinh, hơn 1 tháng nay hai vợ chồng che tạm tấm bạt để ở tạm cho biết: Cứ chờ vậy, tối ngủ ké trong xóm trong, ban ngày ở tạm dưới tấm bạt chứ có nhà đâu mà ở. Bây giờ bà con chúng tôi mong muốn Nhà nước làm sao mau mau thúc đẩy công việc để mà có chỗ ăn Tết.

Anh Võ Thanh Đại đợt lũ vừa qua gia đình anh có vợ là chị là Nguyễn Thị Chúc và 2 con trai là Võ Trường Đoan 10 tuổi và Võ Minh Đức 8 tuổi đều mất. Những ngày sau lũ, anh ốm liệt giường vì không thể chịu nổi cú sốc quá lớn. Tài sản, nhà cửa và người thân đều không còn ai. Hai 2 tháng nay, ngày ngày anh tha thẩn ra nền nhà cũ hết đứng lại ngồi mà chẳng biết phải đi đâu, làm gì. Ăn uống anh cũng chẳng thiết. Anh Đại cho biết: Ruộng nương thì đã bị cát lấp cả rồi. Nhà không còn, anh em ruột nhà cũng bị sập, phải đưa vợ con sang thờ ở nhà bà ngoại các cháu tận thôn Phước Lộc, ngày nào khoẻ thì về đó khói hương. Nhưng để mãi bên ngoại cũng không được. Anh mong muốn làm sao Nhà nước nhanh chóng hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới để anh có nơi chui ra chui vào và đem di ảnh vợ con về thờ phụng cho ấm cúng trong ngày Tết.

Khu tái định cư xóm Trường ở chân Hòn Dinh, cách xóm Trường 1km được cắm mốc

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: Huyện Đồng Xuân đã quy hoạch xong khu đất khoảng 3 ha tại chân Hòn Dinh, cách Xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 khoảng 1km làm nơi định cư mới cho bà con. Hiện công tác đền bù đã xong và đang tiến hành san ủi mặt bằng. Với diện tích đất được cấp từ 300-500m2 và 22 triệu đồng mỗi hộ, huyện Đồng Xuân quyết tâm sẽ hoàn thành sớm việc xây cất nhà ở cho bà con có nhà mới đón Tết nguyên đán Canh Dần. Cùng với đó, huyện Đồng Xuân cũng đang tiến hành giải phóng gần 30 ha đất lúa 2 vụ của nhân dân Xóm Trường bị cát bồi lấp trong lũ, để bà con sản xuất, ổn định đời sống về lâu dài.

Tuy nhiên khi chúng tôi đến khu vực Hòn Dinh, lúc này công việc giải phóng đường dẫn vào khu dân cư mới chỉ bắt đầu. Khối lượng công việc cần làm để tạo thành khu đất bằng phẳng, phục vụ cho việc di dời nhân dân xóm Trường là rất lớn. Trong khi thời gian từ đây đến Tết không còn nhiều nên bà con Xóm Trường rất băn khoăn. Ông Huỳnh Tấn Kế, người dân Xóm Trường bày tỏ: Nhìn lại Tết còn hơn tháng nữa mà đất chưa giải phóng xong được mặt bằng. Tất cả đều chưa có gì mà yêu cầu xong trước Tết là không có cơ sở. Không biết Nhà nước làm bằng cách gì chứ không thì việc đưa hơn 40 hộ xóm Trường này đến đó sẽ lại chậm. Mà không có nhà trước Tết thì bà con lại phải chịu cảnh màn trời chiếu đất mất thôi.

Mới đây, Cục chính trị quân khu 5 và UBND tỉnh Phú Yên đã có buổi làm việc với UBND huyện Đồng Xuân bàn việc giúp bà con nhân dân xóm Trường, thôn Triêm Đức, đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Bà Trần Thị Hà, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên xuất cho huyện Đồng Xuân mượn 20 bộ nhà bạt cùng với số nhà của huyện bảo đảm cho toàn bộ hộ dân nới đây có nhà tạm ở từ nay đến Tết. Giao cho ngành chức năng hoàn thành hệ thống điện sinh hoạt, hoàn thành hệ thống nước để kịp thời phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên phối hợp Bộ tư lệnh quân khu 5 triển khai xây dựng đường giao thông nội bộ, kè, cống rãnh thoát nước khu vực xóm Trường. Đối với công trình đường giao thông nội bộ, điện nước hoàn thành trước Tết nguyên đán nhằm giúp cho bà con nhân dân xóm Trường tuy ở trong nhà tạm nhưng vẫn có nơi thờ cúng người thân và đón tết cổ truyền đầm ấm.

Một điều làm nhân dân Xóm Trường lo lắng không kém là hình thức hỗ trợ xây cất nhà ở. Bà con cho biết: Qua cuộc họp của huyện và xã, mỗi nhà sập được hỗ trợ theo chế độ của tỉnh là 12 triệu đồng, cộng với tiền hỗ trợ di dời tái định cư 10 triệu cho mỗi hộ. Phương thức đầu tư là hộ dân sau khi cấp đất, bà con sẽ tự mua vật liệu làm nhà trước và huyện sẽ thanh toán lại sau. Ai có nhu cầu làm nhà kiên cố hơn số tiền hỗ trợ thì gia đình đóng góp thêm.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết người dân ở Xóm Trường đã bị nước lũ cuốn hết tài sản, việc đóng góp thêm để xây dựng nhà là rất khó. Chị Võ Thị Như Mai thở dài: Nghe nói nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền đó cũng mừng, nhưng người dân bây giờ mất mát hết rồi, không còn gì nữa. Mà bao nhiêu đó sợ không đủ làm nhà, tụi em bây giờ ngày đêm cứ lo thứ nhất tiền Tết không có rồi, thứ hai là nhà cửa thì chưa biết ra sao, có thêm vô thì cũng không biết lấy gì để thêm.

Hiện tại, ngoài số tiền, gạo hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức từ thiện để bà con tạm sống đến những ngày giáp hạt. Con người ở đời sống có ngôi nhà, chết có nơi thờ phụng nhưng ở xóm Trường người dân đang phải sống trong cảnh tạm bợ và ăn nhờ ở đậu từ hơn hai tháng nay, người thân không có nơi thờ cúng. Thiết nghĩ tỉnh Phú Yên, huyện Đồng Xuân cần có những cách làm phù hợp, để thúc đẩy nhanh việc xây cất nhà ở cho nhân dân Xóm Trường, đảm bảo bà con có ngôi nhà mới trước Tết để ấm lòng trong những ngày Tết, sau những mất mát quá lớn mà họ phải gánh chịu do thiên tai gây ra.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm