| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao đào nhà tìm mộ… chữa bệnh

Thứ Sáu 19/07/2013 , 10:40 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở làng quê xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) nghe theo sự hướng dẫn qua điện thoại của một người ở miền Nam, đào xới nền nhà tìm mộ người vô danh với hi vọng sau khi cất bốc mộ, người thân bị đau ốm sẽ lành bệnh.

Thời gian gần đây làng quê xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) bỗng nhiên “nổi tiếng” trước thông tin nhiều hộ dân nghe theo sự hướng dẫn qua điện thoại của một người ở miền Nam, đào xới nền nhà tìm mộ người vô danh với hi vọng sau khi cất bốc mộ, người thân bị đau ốm sẽ lành bệnh.

Sập nhà vì tìm mộ qua điện thoại

Chúng tôi tìm về xã Nga Liên, đi từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng nghe thông tin về việc gia đình ông nọ, bà kia đào thấy mộ ngay trong nhà. Thông qua sự giúp đỡ của một người quen, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Châu (56 tuổi) và bà Phạm Thị Lý (52 tuổi), trú tại xóm 7, xã Nga Liên.

Sau một hồi lưỡng lự, ông Châu nói: “Vợ tôi bị bệnh tiểu đường và một số căn bệnh khác đã 13 năm nay. Vào ngày 9/4/2013 (âm lịch), có một người láng giềng đến thăm hỏi sức khỏe vợ tôi. Trong quá trình ngồi trò chuyện, người láng giềng này gọi điện cho ai đó, rồi đưa điện thoại cho tôi và bảo nói chuyện đi. Tôi cầm lấy điện thoại của cô ấy và bắt đầu nói chuyện với người ở đầu dây bên kia”.

Nói đến đây, ông Châu cầm chiếc điện thoại di động của mình đặt lên tai và bắt đầu tường thuật lại việc ông được một người ở trong miền Nam chỉ dẫn tìm mộ: “Sau khi thăm hỏi nhau, người nói chuyện với tôi bắt đầu hỏi: Nhà chính của gia đình dài, rộng bao nhiêu mét? Nằm theo hướng nào?

- Chiều dài là 11,7 m, chiều rộng gần 6 m. Nằm theo hướng Đông – Nam

- Nhà chính của gia đình anh sạch sẽ (nghĩa là không có mộ-PV).

- Bây giờ chỉ tập trung vào căn nhà dưới (căn nhà ông Châu sử dụng một phần làm bếp, một phần làm chuồng chăn nuôi lợn - PV). Khoảng cách từ tường nhà dưới đến ranh giới nhà bên cạnh là bao nhiêu mét?

- Khoảng chừng 7-8 m

- Thế lối đi từ nhà chính xuống nhà bếp và chuồng lợn rộng bao nhiêu mét?

- Khoảng 1,1 m

- Nhà chăn nuôi dài, rộng bao nhiêu mét?

- Chiều dài 7,5 m, chiều rộng 4,2 m. Nhà chia làm 3 ô chuồng lợn.

Khi tôi trả lời xong những câu hỏi đó, người đàn ông trong điện thoại bắt đầu hướng dẫn tôi đi vào các gian của căn nhà và bảo tôi đánh dấu cụ thể 3 ngôi mộ ở 3 gian chuồng lợn. Xong việc đánh dấu 3 ngôi mộ, người ấy bảo tôi lấy bút để ghi. Lúc này, qua điện thoại, tôi nghe người ấy hỏi:

- Ông, bà (của ông Châu - PV) tên gì? Sinh năm bao nhiêu? Thọ bao nhiêu tuổi? Người dân tộc nào? Bây giờ có nguyện vọng gì?

- Mộ thứ nhất là của bà Trần Thị Xuân (SN 1805), thọ 75 tuổi. Mộ thứ 2 là của ông Trần Văn Khá (SN 1806), thọ 55 tuổi. Mộ thứ 3 là của ông Trần Văn Đại (SN 1807), thọ 45 tuổi. Cả 3 cụ đều là người dân tộc thiểu số. Nguyện vọng của họ bây giờ là được cất bốc để đưa vào nghĩa địa cải táng.

Cứ thế, theo lời chỉ dẫn qua điện thoại, ông Châu đánh dấu vị trí, sau đó nhờ người thân và bà con hàng xóm tiến hành cất bốc 3 “ngôi mộ” vào ngày 13/4/2013 (âm lịch).


Ông Châu đang đứng tại vị trí của 3 ngôi mộ trong khu vực chuồng lợn, thuật lại cuộc điện thoại với người lạ ở miền Nam

Cũng giống như gia đình ông Châu, hộ anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1978) – chị Trần Thị Mầu (SN 1982), trú tại xóm 9, xã Nga Liên cũng thông qua chỉ dẫn của một người lạ tự xưng đang sống ở tận Đồng Nai để tìm, cất bốc mộ trong nhà mình. Thế nhưng hộ anh Sỹ không được may mắn như ông Châu bởi vì cất bốc mộ mà vợ chồng anh và 4 đứa con mất đi căn nhà trú mưa che nắng. Hiện tại, gia đình anh đang sống nhờ nhà bố mẹ đẻ anh Sỹ ở sát bên cạnh.

Lúc chúng tôi đến anh Sỹ đi vắng nên mẹ anh Sỹ là bà Mai Thị Hương (56 tuổi) buồn rầu tâm sự: Sau khi lấy vợ, Sỹ dựng nhà ở riêng để lập nghiệp. Hai vợ chồng sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai) nhưng cả 4 đứa thường xuyên đau ốm nên nhà vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Từ đó nó sinh ra nghĩ ngợi nhiều, đúng lúc này, thấy một số gia đình tìm đào mộ trong nhà nên nó xin số, rồi gọi điện hỏi và được biết ở ngay trước cửa buồng chính có một phần mộ trong đó có 3 thi thể. Nghe theo lời người chẳng quen biết, đến ngày 1/3/2013, nó bắt đầu tiến hành đào nhà. Khi đào sâu xuống khoảng 1,6 m thì gặp 1 ly cổ và thấy có hình hài cả bàn tay. Ở lớp đất này khác hẳn với lớp đất phía trên là có màu đen sẫm, mùn và thấy có một ít xương đốt ngón tay, ngón chân.

Thấy vậy, Sỹ đã cất bốc và đem lên nghĩa địa cải táng. Sau đó, lấp đất trở lại, rồi láng nền bằng xi măng. Hơn một tuần sau, khoảng 11h đêm, cái Mầu đi công việc về thì nghe thấy tiếng khóc giống tiếng khóc của một người đàn bà nào đó. Thế rồi, Sỹ lại tiếp tục gọi điện vào hỏi người lạ và được bảo là cất bốc chưa hết. Để yên tâm, nó lại tiếp tục đào nền nhà lên để tìm mộ, khi đào đến lần thứ ba, xuyên qua chân tường mới cất bốc hết được mộ thì cũng là lúc căn nhà trị giá 30-40 triệu đồng sập hẳn.


Căn nhà của anh Sỹ đổ sập vì đào tìm mộ 

“Chẳng biết đào xới thế nào mà sập cả căn nhà. Ở vùng nông thôn chúng tôi thì 30 triệu đồng là cả một tài sản lớn của gia đình rồi huống chi là hộ cận nghèo và con cái ốm đau triền miên như nó. Tôi can nó mãi mà không được, giờ thì mới biết khổ. Không biết rồi kiếm tiền đâu mà dựng lại nhà”, bà Hương than thở.

Không chỉ nhà ông Châu, anh Sỹ, ở Nga Liên còn có hộ anh Nguyễn Bảo Quang (37 tuổi), ở xóm 3; hộ anh Đặng Văn Tám, ở xóm 6; anh Vũ Văn Quang, ở xóm 8…. cũng thi nhau gọi điện cho “thầy” ở Định Quán (Đồng Nai) để tìm, đào mộ trong nhà.

Người bệnh và cơ quan y tế nói gì?

Dù cách chữa bệnh chẳng dựa trên cơ sở khoa học và không hề đáng tin, vậy nhưng ông Châu vẫn nói với chúng tôi: “Từ khi tìm thấy mộ và cất bốc cho đến nay, sức khỏe của vợ tôi tốt lên rất nhiều”. Bà Lý tiếp lời ông chồng: “Tôi thấy trong người khỏe hẳn lên, tinh thần tốt hơn. Đi khám lại ở các bệnh viện họ đều bảo, bệnh của tôi đều đã đỡ”.

Bà Phạm Thị Lan (SN 1952), trú xóm 1, xã Nga Thái cũng nói: “Sau khi cất bốc, xây mộ, bệnh tình của tôi gần như đã khỏi, hằng ngày không phải tiêm thuốc, ăn uống điều độ hơn trước và đã đi lại được”.


Bà Phạm Thị Lan

Theo bà Lan, 18 năm nay, bà thường xuyên phải đi trạm xá, bệnh viện. Kết quả khám bệnh kết luận bà bị viêm phổi mãn tính, tim to, nhưng uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi, thậm chí còn nặng đến mức bà phải nằm một nơi, mỗi ngày tiêm hết 100 ngàn tiền thuốc. Thế rồi, ngày 28/1/2013 (âm lịch), con trai bà là Vũ Văn Lâm và 13 người nữa tháo dỡ nhà bếp, đào tìm mộ một người phụ nữ chết đói năm 1945 theo lời chỉ dẫn của “thầy” ở tận Định Quán, Đồng Nai thì bệnh tình của bà mới thuyên giảm.

Thế nhưng, trái với lời khẳng định của vợ chồng ông Châu và bà Lan, Trạm trưởng Trạm y tế xã Nga Liên Trần Thanh Nam, khẳng định: “Việc người dân cho rằng cất bốc mộ có thể khỏi bệnh chẳng qua là suy nghĩ bột phát của một số người mê tín dị đoan. Bất cứ người nào bị bệnh cũng phải có phác đồ điều trị mới khỏi được. Riêng trường hợp bà Lý, mới đây còn đến khám, điều trị ở chỗ tôi, làm gì đã khỏi bệnh”. Theo ông Nam, hiện bà Lý đang bị nhiều biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên như phù nề, thận, huyết áp...

Về những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với ông Vũ Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Nga Liên. Ông Giáp cho biết: Việc nhiều hộ dân trên địa bàn xã gọi điện cho một người lạ ở trong miền Nam rồi nhờ bà con, hàng xóm về đào mộ trong nhà là có thật. Kể cả việc đào mộ dẫn đến sập nhà ở hộ anh Sỹ. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong các ngôi mộ mà người dân đào không có xương mà chỉ có một lớp đất xốp như bã cà phê nên không thể khẳng định đó là mộ của người chết.

“Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã đến động viên, chia sẻ với gia đình anh Sỹ; đồng thời, tuyên truyền người dân không nên mê tín, đào bới trong nhà gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến môi trường thậm chí là tính mạng của chính họ”, ông Giáp nói.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất