| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao 'Sở cứng, Sở mềm':Tâm sự của những người bị mất tên

Thứ Tư 23/05/2018 , 14:50 (GMT+7)

Loạt bài Xôn xao "Sở cứng, Sở mềm" đang thu hút sự chú ý đặc biệt của những người làm nông nghiệp. Vì đụng đến việc tách nhập, đụng đến tổ chức, đến con người... xưa nay chưa bao giờ là chuyện đơn giản. 

TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông- Khuyến lâm, Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã trải lòng với NNVN về câu chuyện thời sự này. 
 

Gần nửa thế kỷ sáp nhập

Gần nửa thế kỷ, từ năm 1975 đến nay nông nghiệp trở thành ngành biến động lớn nhất về tên tuổi, về tổ chức. Qua các thời kỳ, Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện nay là 8 Bộ, ngành hợp nhất gồm Nông nghiệp, Thủy lợi, Công nghiệp thực phẩm, Lương thực, Nông trường, Thủy sản, HTX, Lâm nghiệp…Ở cấp Sở cũng vậy, tôi cũng là 3 Giám đốc của Ty Nông nghiệp, Sở Nông Lâm nghiệp rồi Sở Nông nghiệp và PTNT. Ở cấp phòng thì Phòng Nông nghiệp, rồi Phòng Kinh tế.

TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông- Khuyến lâm

Việt Nam có tâm lý cứ phải có tên mình. Tên cơ quan, doanh nghiệp thường rất dài, con dấu in cũng chẳng hết. Tâm lý chung của những người bị mất tên là bị sốc, buồn bã. Tôi cũng nằm trong số đó. Tự nhiên mất tên hoặc thay đổi tên cũng buồn chứ? Sau này vận hành, phù hợp với quá trình phát triển lại thấy việc thay đổi đó là hợp lý.

Một ngành cái tên bị biến đổi liên tục, chuyện xung quanh nó nói cả ngày có khi cũng không hết. Thế thì có sao không? Nghị quyết 26 khi đánh giá về tam nông thì nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, xuất khẩu… Từ một nước nghèo đói trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới ở nhiều mặt hàng nông nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có cái tên nhưng có thể nói quan trọng nhất là cơ chế chính sách, nhà nước tháo gỡ, cởi trói cho nông nghiệp phát triển từ khoán 100 rồi đến khoán 10, đến khoa học công nghệ, đến luật doanh nghiệp…

Kinh tế Việt Nam có 4 động lực chính là nông nghiệp, dân doanh, quốc doanh, và ngoại doanh (FDI). Trong đó nông nghiệp vẫn chiếm khoảng ¼, 50% lao động, 60% dân số và nhất là nó gắn cả với giữ gìn văn hóa dân tộc. Bởi thế, cái tên cũng quan trọng nhưng không phụ thuộc vào thành tựu của ngành đạt được. Nó phải phù hợp với quá trình phát triển, có tầm nhìn vượt thời đại, nếu không sẽ lại lạc hậu rất nhanh.

Giờ đây đã đến thời kỳ nếu chỉ có tự mình nông nghiệp thì sẽ không nhấc nổi mình lên. Vừa rồi có chuyện Thủ tướng Phan Văn Khải lúc cuối nhiệm kì có băn khoăn hỏi sao quê Củ Chi của ông vẫn cứ nghèo mãi bên cạnh một đô thị hơn 10 triệu dân là TP Hồ Chí Minh?

Có nhiều lời giải, nhưng lời giải chung là phải có sự trợ giúp của công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị hóa thì Củ Chi mới vươn lên được chứ tự nông nghiệp khó nâng mình lên được. Người ta gọi đó là “hệ sinh thái” chứ nếu chỉ có trồng trọt, chăn nuôi sẽ không ăn thua.
 

Một thời sùng bái công nghiệp, thu được gì?

Trước đây chúng ta sùng bái công nghiệp nhưng giờ đây nhìn lại mấy chục năm công nghiệp hóa không thành công nên hiện nay không được coi nhẹ các ngành phi công nghiệp như tài chính, thương mại, logicstic, tin học...

Ví dụ điển hình là ông Nguyễn Phương Đông ở huyện Ba Vì (Hà Nội) sang Trung Quốc học 1 tháng thụ tinh nhân tạo cho gà mất 200 triệu về áp dụng cho 10 trang trại gà đặc sản của mình, mỗi tháng thu 1 tỉ tiền lãi trong khi đó cả hệ thống của ta không làm được điều này. Hay như thụ tinh phôi bò tập đoàn TH làm thành công nhờ công nghệ nhập. Đó là sự kết hợp của khoa học- công nghệ, của bí quyết, của đặc sản, của thương mại, thương hiệu chứ không chỉ riêng nông nghiệp.

17-14-44_dsc_1186
Nông nghiệp không chỉ là kinh tế mà còn là an sinh xã hội
"Chân dung ngành nông nghiệp ngày nay cũng đã thay đổi, trước đây là HTX với hộ nhỏ lẻ bây giờ là doanh nghiệp lớn, là HTX kiểu mới, là chủ trang trại. Nếu chúng ta mà cứ tư duy kiểu cũ thì khó. Vừa rồi 70% các giải Nobel kinh tế thế giới lại trao cho người ngoài ngành kinh tế. Tự nông nghiệp mà cứ sản xuất như cũ sẽ không vươn lên được. Bây giờ nông nghiệp đối mặt với “bổ đề” mới, phương thức tổ chức sản xuất, tổ chức thương mại mới, bản sắc mới", TS Lê Hưng Quốc.

Có luồng ý kiến, là nhất thiết phải giữ lấy cái tên nông nghiệp, tôi nghĩ trên phạm vi toàn quốc có thể có những cái tên khác nhau, không cứng nhắc. Có chỗ dịch vụ phải là quan trọng, có chỗ công nghiệp chế biến phải là quan trọng, có chỗ thủy sản phải là quan trọng...

Như tỉnh Khánh Hòa hay TP Đà Nẵng chẳng hạn, có khi không cần Sở Nông nghiệp và PTNT thật vì ít diện tích. Đà Nẵng có mỗi một huyện Hòa Vang làm nông nghiệp thì giờ gần như biến mất rồi. Những đô thị lớn cũng tương tự như thế. Riêng Hà Nội gắn với Hà Tây cũ nên cần giữ lấy Sở Nông nghiệp và PTNT vì diện tích nông nghiệp còn rất lớn.

Quy luật phổ quát chung là quyền lực của Nhà nước sẽ giảm, quyền lực của thị trường ngày càng mở rộng. Triết lý phát triển là thị trường sẽ tạo ra mọi điều kiện, phát huy trí tuệ thông minh của hàng chục triệu nông dân, phát huy mọi nguồn lực của đất nước. Bởi thế không nên quá buồn khi bộ máy Nhà nước co lại.

Tôi chỉ ví dụ như Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội có khoảng hơn 4.000 người mà chỉ có khoảng gần 200.000 ha, như vậy mỗi người phụ trách có 50 ha, đó là đơn vị lớn nhất trong 63 Sở Nông nghiệp và PTNT trong cả nước. Hiện nay mỗi một thành tựu không chỉ do một ngành mà là do cả cộng đồng, do công nghệ. Nếu BVTV chỉ lo BVTV, khuyến nông chỉ lo khuyến nông, thú y chỉ lo thú y thì không ổn. Cần một sức mạnh công nghệ tổng hợp mới phát triển được.

Giờ đây trách nhiệm của Nhà nước dồn lên vai trưởng thôn, trưởng bản, Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh, thành phố. Phân cấp cho họ thì họ phải có quyền, có lực lượng, có sức mạnh vật chất, có trách nhiệm giải trình, có trách nhiệm trước dân, có trách nhiệm với đói nghèo, có trách nhiệm phát triển. Để mỗi ông một mảng là không được.

Hồi còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tây cũ, ngay từ đầu tôi đã quan điểm là phải giao cho huyện chứ sau này lại giao các ngành dọc ở tỉnh sẽ bị phân tán nguồn lực. Hệ quản trị điều hành nền kinh tế mà phân tán như thế là không tốt. Phải có tư lệnh kinh tế của 7 vùng (như “bang” ở các nước)

Kinh nghiệm trước đây, Bộ Công thương từng ôm vào mình chuyện quản lý phân bón hóa học. Hồi ấy Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng và tôi đã đề nghị với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao quản lý phân bón về cho Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng Chính phủ không chấp nhận.

Thực tế về sau Bộ Công thương lại phải trao trả lại việc quản lý phân bón hóa học cho Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong 14.000 sản phẩm phân thì phân hữu cơ rất ít (4-5%) mà chủ yếu là phân hóa học. Một sự phát triển quá nóng khiến cho đất đai thoái hóa, sâu bệnh gia tăng, môi trường ô nhiễm. Sử dụng phân, bảo vệ đất, bảo vệ nước, bảo vệ môi trường, quy trình sản xuất bền vững giao về Bộ Nông nghiệp và PTNT là đúng đắn, theo đúng quy luật kinh tế, quy luật sinh học.

Hệ điều hành nông nghiệp thu gọn đến đâu, quản lý tốt đến đó

Đưa ra đề án Sở cứng, Sở mềm theo tôi phải có lộ trình, phải chín chắn, phải không tạo ra sốc, tạo sự đồng thuận để phát triển, phù hợp với bước đi phát triển của nông nghiệp, nông thôn 4.0. Nếu như Internet có bài học là “mở đến đâu quản lý đến đó” thì bài học về tổ chức là “thu gọn đến đâu quản lý tốt đến đó”.

Đụng đến yếu tố con người là gây sốc, chán nản, phân tán sẽ gay. Hiện nay tôi biết là tình hình đội ngũ cán bộ cấp huyện đang chấn động, người đang hợp đồng không biết số phận ra sao, người đang biên chế thì thu gọn lại, mấy tổ chức thì hợp nhất lại…

Trong thực tiễn thì sự phát triển thái quá cũng là một nguy cơ tạo ra sự biến động không cần thiết. Cần cân đối giữa các mục tiêu và tính bền vững của hệ thống. Tổ chức làm trước, nhân sự làm sau, có mục tiêu, có lộ trình, bước đi, chính xác, đồng bộ, cụ thể.

Hệ thống kinh tế của chúng ta phải phấn đấu theo bốn chữ “Thương mại công bằng”. Đến tên lửa, máy bay giờ cũng phải buôn bán chứ không phải sản xuất ra để mà dọa nhau. Sản xuất ra con lợn, con gà, hoa quả cũng phải buôn bán vì giờ là thừa chứ không còn thiếu nữa.

Nhưng để đi đến thương mại công bằng phải có lộ trình, có bước đi, có con người. Muốn nói gì cuối cùng quan trọng nhất vẫn là con người. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nếu là ông Thủy lợi, ông Trồng trọt, ông Chăn nuôi, ông Thủy sản, ông Lâm nghiệp đang có cách làm khác nhau. Đó là chưa nói đến hợp nhất các ngành với nhau.

Địa bàn ấy, lãnh thổ ấy sẽ quyết định nội dung phát triển những cái gì, xúc tiến cái gì, có được cuộc sống ủng hộ không? Nếu ở đấy vẫn là vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp nhiều thì nông nghiệp vẫn là quan trọng. Nếu ở đấy công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, cạnh các đô thị lớn lại khác.

Các nhà khoa học xã hội chưa có một nghiên cứu sâu sắc nào về vấn đề này nên chưa thể khẳng định được. Ví dụ rất đơn giản là quản lý đô thị, quản lý nông thôn, chúng ta hợp nhất Hà Nội nhưng vẫn chưa biết xử lý thế nào, chỗ thì bỏ hội đồng, chỗ lại không bỏ. Những chuyện như thế đáng lẽ lý luận phải đi trước, khoa học phải đi trước, làm luận cứ cho quyết định.

(TS Lê Hưng Quốc)

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm