| Hotline: 0983.970.780

Xông đất làng nghề

Thứ Tư 01/02/2012 , 10:45 (GMT+7)

Về huyện Phú Xuyên (Hà Nội)- vùng đất trăm nghề đầu xuân năm mới, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp, hồ hởi bắt tay vào sản xuất.

Nghệ nhân khảm trai trẻ tuổi nhất huyện, anh Nguyễn Văn Lăng, sinh năm 1980 ở thôn Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ. Được biết, năm 14 tuổi anh được các nghệ nhân giỏi trong làng truyền nghề. 26 tuổi đã mở cơ sở làm khảm trai. 29 tuổi được phong tặng danh hiệu tinh hoa làng nghề Việt Nam với tác phẩm khảm trai “Bác Hồ ngồi làm việc”. 31 tuổi (năm 2011) là năm anh gặt hái nhiều thành công nhất: Được phong tặng danh hiệu nghệ nhân VN. Trung tâm sách kỷ lục VN xác lập kỷ lục Guiness cho tác phẩm khảm trai chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất.

Hỏi về lịch sử làng nghề khảm trai, Lăng cho biết anh là truyền nhân đời thứ 4 của nghệ nhân Nguyễn Văn Tố. Theo gia phả của làng, Chuôn Ngọ là nơi xuất hiện nghề khảm trai đầu tiên ở nước ta. Tổ làng nghề là Trương Công Thành, từng làm phó tướng cho Thái úy Lý Thường Kiệt thời Lý. Ông có công sáng lập nghề khảm trai, được lưu truyền đến bây giờ.

Chuôn Ngọ là một làng cổ, mang sắc thái văn hoá của vùng đất chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ. Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, đục gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí trên khảm trai rất sinh động, đặc sắc. Những mảnh trai vô tri, vô giác, qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú được gắn vào gỗ trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cao. Từ tủ khảm, giường khảm cho đến các sản phẩm đơn giản như bàn cờ, tranh treo tường... không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Kể về tác phẩm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Lăng hồ hởi: Để làm ra sản phẩm để đời tôi đã phải nhập khẩu 20 kg vỏ ốc loại tốt. Sau khi lựa chọn kỹ càng, tiến hành mài mỏng, ép phẳng, rồi cắt thành những ô vuông (kích cỡ 8 x 8 cm). Qua nhiều công đoạn như dùng dao chuyên dụng chấm mực, vẽ truyền thần chân dung ảnh Bác, rồi ghép thành bức tranh lớn. Thời gian hoàn thiện bức chân dung cao 1,42 m, rộng 1,2 m phải mất 3 tháng miệt mài, tỷ mỉ đục chạm từng ly từng tý, ghép các mảnh lại với nhau, sao cho tranh vừa có hình khối vừa tạo mảng sáng tối. Làm bức tranh có chiều sâu, trông như ảnh chụp không đơn giản chút nào.

"Tôi đã từng làm nhiều tác phẩm về Bác Hồ như "Bác ngồi làm việc", "Bác đi hành quân", nhưng lần đầu tiên dựng ảnh khảm chân dung cũng là tác phẩm tôi tâm đắc nhất, thể hiện lòng tôn kính vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc", anh nói.

Rời làng nghề Chuôn Ngọ, đến thăm cơ sở SX mây tre đan  của chị Thảo Yến ở thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Chị cho biết, năm 2011 sản phẩm mây tre đan được XK sang nhiều nước như cộng hòa liên bang Nga, Séc, Ba Lan… Trước tết, cơ sở mang sản phẩm mây tre đan tham gia hội chợ làng nghề ở Đà Lạt và nhận được nhiều hợp đồng đặt hàng. Đầu xuân, ngay từ mùng 6 tết cơ sở đã SX lô hàng đầu tiên để xuất cho thị trường Đà Lạt. Hy vọng năm nay tiếp tục ký nhiều hợp đồng XK.

Sang làng nghề truyền thống nặn tò he xã Phượng Dực, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống Phượng Dực cho biết: Tò he được làm từ bột gạo nếp, qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đã nặn nên hình hài, con thú, chim muông... màu sắc sặc sỡ. Từ mùng 1 tết, các hội viên đã có mặt tại các khu vui chơi, hội chợ xuân trong cả nước để phục vụ. Nghề này tuy đơn giản, nhưng thu nhập tương đối cao. Giá 1 con tò he ngày thường thấp nhất từ 5.000- 20.000 đồng. Đặc biệt năm Nhâm Thìn, sản phẩm tò he hình rồng bán giá từ 25.000- 50.000 đồng/con, có hộ thu cả chục triệu vụ tết.

Hiện CLB tò he có 107 hội viên, hầu hết nghệ nhân đều là nông dân, ngày mùa bà con tập trung làm đồng áng, xong thời vụ lại tỏa đi, vừa làm kinh tế vừa giới thiệu nét đặc trưng văn hóa của làng. Năm trước làng nghề vinh dự được mời sang Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... để giới thiệu sản phẩm tò he. Sản phẩm tò he của làng đi tới đâu cũng được ưa thích, bè bạn quốc tế đón chào nồng nhiệt.

Ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, phụ trách khối tiểu thủ công nghiệp- làng nghề:

"Phú Xuyên có 124/138 làng tiểu thủ công nghiệp, đứng thứ 3 số làng có nghề trong 20 quận, huyện của Hà Nội. Hiện 37 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống, được TP công nhận.

Trong đó làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ là lâu đời và có thế mạnh nhất. Mặc dù ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhưng nhìn chung các làng nghề vẫn phát triển tốt. Năm 2011 tổng giá trị sản xuất đạt 2.349 tỷ đồng, thu nhập bình quân 17,6 triệu đồng/ người/ năm”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất