| Hotline: 0983.970.780

Xu hướng ngành nghề năm 2015

Thứ Hai 16/02/2015 , 06:13 (GMT+7)

Các nhóm ngành Nông nghiệp, Khoa học ở các trường đại học đang dần được học sinh ưa chuộng trở lại, song song các ngành Kỹ thuật – Công nghệ vẫn giữ được ưu thế. 

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành Kinh tế dù vẫn được học sinh yêu thích nhưng đang giảm dần.

Kết quả này phản ánh xu thế tất yếu khi thị trường thiếu nhân lực qua đào tạo, các trường đại học đang đầu tư vào cơ sở vật chất, cũng như khuyến khích các công trình nghiên cứu ở các trường đại học, dẫn đến nhóm ngành Nông nghiệp, Khoa học thu hút được thí sinh thi vào.

Nhân lực ngành nông nghiệp ổn định

Ở lĩnh vực nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga (Bộ GD-ĐT), hiện nay cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp. Nhưng theo số liệu của Bộ NN-PTNT, số lượng nhân lực sau khi ra trường hằng năm không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Cụ thể với lao động nông nghiệp, có đến hơn 21 triệu người (chiếm 97,70%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn. Từ năm 2013, nhóm ngành nghề nông nghiệp đã tăng nhẹ, và dự đoán trong năm 2015, số thí sinh thi tuyển vào các ngành nông nghiệp sẽ tăng nhanh nhằm đáp ứng nguồn nhân lực còn thiếu ở lĩnh vực này.

Theo ông Đinh Văn Chỉnh – Phó Giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, số lượng thi tuyển vào trường có tăng lên, nhưng do chỉ tiêu vào trường thường gần 9.000 nên trường vẫn phải tuyển một lượng lớn nguyện vọng 2.

Về cơ bản, sinh viên của trường sau khi ra trường đều có nhiều cơ hội làm việc ở những cơ quan nghiên cứu nông nghiệp, những viện nghiên cứu lớn. Nguồn nhân lực về nông nghiệp cần tay nghề cao rất cần thiết trong xã hội nên trường vẫn thu hút một lượng lớn thí sinh thi tuyển vào hằng năm, có thể xem đó là một sự ổn định.

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thì nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm nhẹ trong những năm 2018-2020 theo xu thế tất yếu. Tuy nhiên, vì là ngành chiếm nhiều lao động, từ 21 đến hơn 23 triệu lao động trong những năm qua, nên con số giảm xuống cũng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến tình hình đào tạo ở các trường đại học.

Tham khảo thêm dự báo của Viện Chiến lược Phát triển, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH- ĐT) thì việc làm cho ngành Nông nghiệp vẫn có tương lai khá sáng sủa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thì đến 2015 có 9 ngành nghề tăng nhu cầu việc làm, gồm: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác.
Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%.

Cụ thể, trong vòng 5 năm tới, nguồn nhân lực trong ngành Nông nghiệp chủ yếu là nhân lực đã qua đào tạo. Khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp sẽ cần thêm khoảng 2 triệu nhân lực. Trong đó, cần nhiều nhất là các chuyên ngành quy hoạch đất đai; công nghệ chế biến thực phẩm; công nghệ sau thu hoạch; kỹ thuật nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản; dịch vụ thú y,...

Tuy nhiên, một số chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp khác sẽ giảm.

Vì sao nhóm ngành khoa học cơ bản thu hút thí sinh?

Kể từ năm 2013, nhóm ngành Khoa học cơ bản ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) luôn tăng từ 20% trở lên so với các năm trước.

GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên nhận định: “Đây là xu thế tất yếu, bởi nhóm ngành Kinh tế đã giảm nhiệt và nhiều số liệu đã đưa ra con số dự đoán rằng, kể từ năm 2015, các ngành Kinh tế sẽ còn không “hot” nữa.

Nhân lực ở ngành này đang thừa, và số sinh viên ra trường hằng năm đang bị cạnh tranh bởi một số lượng du học sinh ở nước ngoài về. Cho nên học sinh đang có xu hướng tìm hiểu về các ngành Khoa học, cũng như Kỹ thuật.

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐHKHTN tăng lên phản ánh rằng xã hội đã và đang nhận thức vai trò quan trọng của khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước. Qua đó cho thấy, thí sinh đã nắm bắt được chủ trương của Nhà nước là sẽ rất chú trọng đến đào tạo khoa học cơ bản vì đó là nhu cầu thực sự cho sự phát triển bền vững của một quốc gia”.

Tương tự, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thu hút được đông đảo lượng thí sinh ở khu vực phía Nam thi vào từ năm 2013. Có được kết quả này, là do nhà trường có nhiều chính sách thu hút học sinh khá giỏi như tuyển thẳng các học sinh đạt giải Quốc gia, ưu tiên cho những công trình sáng tạo của sinh viên.

Ngoài ra, trường cũng có định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.