| Hotline: 0983.970.780

Xử lý môi trường chăn nuôi: "Đau đầu" trước 8,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Thứ Ba 06/03/2012 , 09:10 (GMT+7)

Làm sao để kiểm soát được tới 8,5 triệu hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và rất… bảo thủ, đang là bài toán vô cùng hóc búa!

63 tỉnh thành thành cả nước đang rốt ráo xử lý môi trường trong chăn nuôi nhằm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (từ 15/2 – 15/3). Tuy nhiên, làm sao để kiểm soát được tới 8,5 triệu hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và rất… bảo thủ, đang là bài toán vô cùng hóc búa!

Chị Nguyễn Thị Thơm (ở Bon U2, thị trấn Eatling, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông) trước đây có thói quen chăn nuôi rất tiêu cực: Thải toàn bộ phân, nước rửa chuồng ra phía sau nhà gây ô nhiễm nghiêm trọng, mùa mưa sình lầy, hôi thối ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Sau đó, gia đình chị đã đầu tư làm hầm biogas, đưa toàn bộ phân, nước rửa chuồng xuống hầm khiến khu vực chăn nuôi rất sạch sẽ, chuồng heo thoáng mát, đàn heo phát triển tốt hơn trước, bán được giá cao. Đặc biệt, khí biogas được chị sử dụng vào nhu cầu hàng ngày, từ việc đơn giản như nấu nướng, thắp sáng, cho đến việc sử dụng gas để nấu cháo cho heo ăn. Tương tự như hộ chăn nuôi heo Nguyễn Thị Giàu (ở ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng đã đầu tư xây dựng hầm biogas, chỉnh trang chuồng trại, vệ sinh tiêu độc thường xuyên nên cả 2 trang trại nuôi gần 200 heo nái và thịt đã cho thu nhập rất cao, là mô hình điểm để nhiều hộ chăn nuôi khác noi theo.

Tuy nhiên, trường hợp như chị Thơm, bà Giàu hiện chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số 8,5 triệu hộ gia đình nuôi heo, gà, vịt đã thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời thu lợi nhuận cao hơn khi biết cách bắt chất thải độc hại quay lại phục vụ cho chính đàn vật nuôi của gia đình.

Cục Chăn nuôi đưa ra cảnh báo, hàng năm tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào môi trường 79 – 80 triệu tấn chất thải rắn, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh nặng nề. Đơn cử như toàn tỉnh Cà Mau chỉ có khoảng 22 trang trại chăn nuôi, còn gần như trên 200.000 con heo và 1,4 triệu con gia cầm là chăn nuôi nhỏ lẻ, không có biện pháp xử lý nguồn phân, nước độc hại mà đưa trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi tới 868 tấn chất thải mỗi năm. Thực tế này không chỉ khiến làng quê ô nhiễm, mà nhiều năm Cà Mau bị tái phát dịch bệnh nguy hiểm như CGC, LMLM, tai xanh… gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Thậm chí, ngay cả những địa phương vùng Đông Nam bộ đi đầu về chăn nuôi lớn cũng đang “đau đầu” về chuyện xử lý môi trường. Đơn cử như tại Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 55% đàn gia cầm (tổng đàn gần 3 triệu con) và 37% đàn heo (tổng đàn khoảng 300.000 con) được nuôi ở quy mô trang trại. Điều này có nghĩa, vẫn còn gần 1,5 triệu con gia cầm và 200.000 con heo được nuôi nhỏ lẻ, bất tuân việc bảo vệ môi trường. Qua khảo sát của ngành chuyên môn, hầu hết các cơ sở chăn nuôi ở Bà Rịa – Vũng Tàu không sử dụng chế phẩm sinh học trong hoạt động sản xuất. Toàn bộ lượng phân thải ra từ vật nuôi chỉ được thu gom định kỳ và xuất bán cho các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, hoặc bán ngay cho các hộ dùng làm phân bón cho các loại cây trồng.

Một vị lãnh đạo Cục Chăn nuôi bức xúc cho biết, dù vấn đề môi trường đang rất “nóng” nhưng chúng ta vẫn chưa có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ. Trên một số lĩnh vực, các quy định về bảo vệ môi trường rất tản mạn và nằm rải rác trong nhiều văn bản, nhiều cấp độ khác nhau, nhiều nội dung lại trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn và khó thực hiện. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về vấn đề môi trường rất lơ mơ, gần như buông lỏng cho ô nhiễm trong chăn nuôi ngày càng nặng nề hơn.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước mới có khoảng 20% trong tổng số 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình có công trình khí sinh học (hầm biogas), 10% hợp vệ sinh và chưa đầy 1% cam kết bảo vệ môi trường. Riêng trang trại chăn nuôi tập trung cũng có tới 18.000 trại, nhưng chưa đầy 14% có đánh giá tác động môi trường.

Để cải thiện tình hình này, nhiều chuyên gia môi trường và chăn nuôi khẳng định, trước mắt VN cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển khí sinh học, kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi xây dựng hầm biogas. Hiện có hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn, tái tạo được nguồn năng lượng sạch. Hình thức này được gọi là “chăn nuôi xanh” nhằm giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị nhà nước nên miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ công trình khí sinh học. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân đề nghị được ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường, hoặc ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường. Song song đó, cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung; xây dựng và tăng năng lực quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.