| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nghiêm nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan trên diện rộng

Thứ Tư 19/06/2024 , 10:16 (GMT+7)

Lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng gây thiệt hại lớn.

Phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả

Thanh Hóa là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, trong đó hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ là phổ  biến, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian tới là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sức khỏe người dân và môi trường. 

Để công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cầm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. 

Tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sớm, cảnh báo sớm dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng, hướng dẫn công tác tiêm phòng vacxin hiệu quả.

Thành lập, duy trì hoạt  động của các đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật không đúng quy định. 

Công tác tiêm phòng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm. Ảnh: QT.

Công tác tiêm phòng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm. Ảnh: QT.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch.

Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị  thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật  bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. 

Tổ chức triển khai tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng, nhất là đối với bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Bệnh dại, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa triển khai tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cấp huyện, cấp xã. Ảnh: QT.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa triển khai tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cấp huyện, cấp xã. Ảnh: QT.

Đối với các huyện miền núi khẩn trương rà soát tình hình chăn nuôi, tổng đàn, nhu cầu vacxin tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2024 và báo cáo kế hoạch hỗ trợ vacxin cho người chăn nuôi vùng khó khăn, kịp thời tổ chức tiêm phòng, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. 

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực  chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Chủ động từ ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hoá  chất sát trùng, vôi bột, vacxin… để chủ động ứng phó kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp.

Thành lập các đoàn công tác kiểm  tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý...

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, công tác tiêm phòng đợt đợt 1 trên gia súc, gia cầm 2024 tại tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả tốt, giúp các địa phương trong tỉnh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh.

Toàn tỉnh đã tiêm vacxin cúm gia cầm được hơn 6,1 triệu con đạt 85,18% trong diện tiêm. Tiêm vacxin dại cho chó, mèo được hơn 325 nghìn con đạt 96,91% trong diện tiêm (đến nay tổng đàn chó, mèo đã được tiêm phòng vacxin dại và đang còn bảo hộ là 567 nghìn con).

Tiêm vacxin lở mồm long móng trâu, bò được hơn 184 nghìn con đạt 82,69% trong diện tiêm. Tiêm vacxin viêm da nổi cục trâu, bò được hơn 180 nghìn con con đạt 80,89%…

Tiêm vacxin phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ cao. Ảnh: QT.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ cao. Ảnh: QT.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngành chăn nuôi xác định công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.

Nhờ kết quả tiêm phòng tốt, kết hợp với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nhiều năm liên tục Thanh Hóa đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục.

Việc không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, góp phần tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và là môi trường tốt cho thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên vật nuôi, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cùng với Sở NN-PTNT thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, 6 tháng năm 2024, ngành chăn nuôi Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt việc tái đàn, tăng đàn.

Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong dân cư giảm đáng kể, thay vào đó đã chuyển đổi, phát triển thành các trang trại, gia trại quy mô lớn, khép kín, đem lại hiệu quả cao.

Xem thêm
Định hướng phát triển bò thịt đến năm 2030

Đến 2023, đàn bò thịt trong nước từ 6,5-6,6 triệu con, 30% nuôi trang trại; phát thải khí nhà kính chăn nuôi giảm 18%, trong đó khí mê tan không quá 15,2 triệu tấn.

Hồi sinh vùng dược liệu bản địa

BÌNH ĐỊNH Vùng cao An Toàn được thiên nhiên ban tặng nguồn dược liệu phong phú. Thế nhưng do khai thác vô tội vạ nên dần cạn kiệt, nay vùng dược liệu đang được hồi sinh.

Sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho các viện nghiên cứu

NINH THUẬN Làm việc với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu.