| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nước thải sinh hoạt bằng hệ thống yếm khí

Thứ Tư 22/05/2019 , 14:10 (GMT+7)

Sử dụng hệ thống yếm khí kết hợp enzyme tự phân hủy để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trong khu dân cư là một giải pháp sáng tạo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Tĩnh đang được các nhà khoa học, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đánh giá cao, có tiềm năng nhân ra diện rộng.

Hơn 6,2 triệu m3 nước thải/ngày đêm

Theo Liên Hiệp Quốc, tính đến tháng 5/2019, dân số khu vực nông thôn Việt Nam có hơn 62,3 triệu người. Trung bình lượng nước thải sinh hoạt phát sinh ước khoảng 100 lít/người/ngày đêm; tổng khối lượng nước thải khu vực nông thôn là hơn 6,2 triệu m3/ngày đêm.

12-01-23_1
Cơ chế hoạt động mô hình xử lý nước thải sinh hoạt của Hà Tĩnh.

Liên Hiệp Quốc dự báo, đến năm 2025 do tác động của đô thị hóa, tiêu chuẩn dùng nước tăng nên khối lượng nước thải ở nông thôn Việt Nam tăng hơn năm 2019 khoảng hơn 1,2 triệu m3/ngày đêm, dẫn đến thu gom, xử lý khó khăn, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt ao, hồ, kênh, mương...

PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ NN - PTNT) cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2015, qua khảo sát 10 tỉnh đại diện cho các vùng, Viện nhận thấy, tất cả các xã được khảo sát không có xã nào có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; nước thải được xả trực tiếp vào kênh, mương, ao hồ tự nhiên trong khu vực, gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.

“Trong tổng số hơn 264 nghìn m3 nước thải sinh hoạt xả vào công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (một điểm nằm trong khu vực đoàn khảo sát) mới chỉ có khoảng 13 nghìn m3 được xử lý, chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu ở TP, thị xã, thị trấn. Nước thải ở các khu dân cư nông thôn, cơ quan, trường học, khu công cộng đều chưa có hệ thống xử lý”, bà Hương nhấn mạnh.

12-01-23_2
Chi phí đầu tư tùy quy mô công trình từ 7 - 8 triệu đồng.
Theo bà Vũ Thị Thanh Hương, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp. Trên cơ sở đó, xây dựng các mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương phân tích, hầu hết các khu dân cư nông thôn chỉ mới thu gom nước thải và xả ra sông suối, ao hồ hoặc để ngấm tự nhiên xuống đất, rất ít khu vực xây dựng được hệ thống xử lý nước thải bài bản, đạt quy chuẩn cho phép về môi trường.

“Các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tiên tiến thế giới đã phát triển có những mô hình áp dụng được ở Việt Nam nhưng phát sinh nhiều vấn đề lớn như kinh phí đầu tư, đất đai, chuyển giao công nghệ, chi phí vận hành... Vì vậy, việc tìm kiếm giải pháp tối ưu, phù hợp với thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt của Việt Nam là một bài toán hóc búa và cần thiết”, ông Tiến nói.
 

Công nghệ xử lý nước thải made in “Hà Tĩnh”

Đầu năm 2019, Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh, Sở TN- MT, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH- CN Hà Tĩnh hình thành đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”. Sau khi thực hiện thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas tại hộ gia đình ở 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, mô hình này cho kết quả khả quan.

Gia đình ông Võ Tá Hùng, thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên đầu tư 7 triệu đồng xây dựng mô hình xử lý nước thải theo giải pháp của Văn phòng NTM Hà Tĩnh. Sau hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt. Toàn bộ nước thải này ông Hùng sử dụng tưới cho cây ăn quả trong vườn.

12-01-23_3
Nước thải sau khi xử lý được sử dụng để phục vụ SX.

Được biết, ý tưởng của Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh sử dụng hệ thống bể xử lý yếm khí kết hợp bổ sung chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật và enzyme đặc hữu để phân hủy nhanh chất hữu cơ, đạm, và một số vi khuẩn có hại.

 Sau khi nước được xử lý sẽ chảy sang bể lắng để ngưng tụ lại và tiếp tục phân hủy trước khi chảy ra môi trường hoặc tái sử dụng để tưới cây. Mô hình khắc phục hạn chế về chi phí đầu tư cao; phương án thu gom, xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng và phù hợp với khu vực nông thôn mà vẫn đạt hiệu quả.

Sau khi tham quan mô hình, ông Nguyễn Minh Tiến ghi nhận tính tích cực, sáng tạo của Hà Tĩnh, khuyến khích người dân cùng chính quyền tham gia vào việc xử lý nước thải sinh hoạt, thể hiện nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn nạn môi trường. “Kinh nghiệm xây dựng các mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn của Hà Tĩnh khá hiệu quả. Địa phương cần phổ biến cho các tỉnh, thành khác nhân rộng và tìm kiếm phương án tối ưu phù hợp với từng vùng, từng địa phương”, ông Tiến nói thêm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.