NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xoay quanh vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương |
Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ông quyết định tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân qua facebook?
Việc tiếp nhận và xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Cổng Thông tin điện tử tỉnh thực hiện từ rất lâu. Thông qua nhiều kênh tiếp nhận như: trang chủ, email, đường bưu chính hay gửi trực tiếp, tháng nào tôi cũng nhận được nhiều ý kiến, từ phản ánh đến đóng góp, hiến kế. Tôi cho rằng, đây là kênh thông tin hiệu quả giúp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân.
Tuy đã có nhiều cách để tổ chức, cá nhân gửi ý kiến nhưng tôi vẫn mong muốn có thêm kênh tiếp nhận để thông tin được nhiều chiều, đa dạng hơn. Trong số các trang mạng xã hội hiện nay thì tôi thấy rằng, facebook là kênh đang được nhiều người quan tâm sử dụng.
Với nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nên chúng tôi không câu nệ kênh này kênh kia, miễn ở đâu có phản ánh chính đáng là đều được tiếp nhận và giải quyết. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 1.000 ý kiến phản ánh của công dân, doanh nghiệp gửi qua Cổng Thông tin điện tử được tiếp nhận và xử lý.
Có người ví rằng, mạng xã hội như “chợ trời thông tin”. Điều này có làm ông băn khoăn, lo lắng khi chỉ đạo thực hiện chủ trương này?
Đúng vậy, thông tin trên facebook rất đa dạng, tốt có - xấu có, chính xác có - không chính xác cũng nhiều. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu có quá nhiều thông tin không chính xác sẽ làm mất thời gian, lãng phí công sức của anh em trong quá trình xác minh, xử lý và không khéo tạo ra thêm gánh nặng cho bộ máy.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, tôi thấy vấn đề đó không đáng ngại bởi thực tế cho thấy, hầu hết ý kiến gửi đến đều là những thông tin đáng tin cậy, phát sinh từ cơ sở, gây bức xúc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cần đến sự vào cuộc của ngành chức năng để tháo gỡ.
Không chỉ gửi ý kiến bằng văn bản, có người còn đính kèm hình ảnh, thậm chí quay cả video để UBND tỉnh có cơ sở cân nhắc, giải quyết, tránh ngờ vực về thông tin. Sau khi được giải quyết thỏa đáng, nhiều độc giả đã có phản hồi tích cực, cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng. Đây là niềm khích lệ, tiếp thêm động lực để UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng chính quyền phục vụ.
Những việc dù nhỏ hay lớn, quan trọng hay không quan trọng đều được ông quan tâm. Vậy, làm thế nào để những ý kiến phản ánh được trả lời kịp thời, thỏa đáng?
Đúng là như vậy, như tôi đã chia sẻ ở trên, khi quyết định tiếp nhận phản ánh qua facebook, tôi muốn được lắng nghe ý kiến đa chiều từ phía người dân, doanh nghiệp, bất kể vấn đề đó là lớn hay nhỏ. Tôi nhớ có lần nhận được phản ánh về việc làm tròn tiền thanh toán ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Số tiền bệnh nhân phải chi trả là 91.217 đồng nhưng nhân viên thu phí lại thu 92.000 đồng. Nhiều người sẽ nghĩ đây là việc nhỏ, tuy nhiên nó lại gây bức xúc cho chính người trực tiếp sử dụng dịch vụ. Sau khi có chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã có biện pháp xử lý sai phạm của nhân viên thu phí.
Hay như việc một độc giả phản ánh tình trạng công chức bộ phận một cửa huyện Châu Thành trả hồ sơ nhiều lần, gây phiền hà cho người dân. Sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Châu Thành kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan, đồng thời gửi thư xin lỗi đến người dân.
Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp tôi nhận được và trực tiếp xử lý trong thời gian qua. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ sự chểnh mảng hay thiếu trách nhiệm mà gây bất tiện, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì đó không phải là việc nhỏ và cần phải được chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Trường hợp giải quyết trễ hẹn thì sao, thưa ông?
Sau khi nhận được phản ánh của độc giả, bộ phận giúp việc sẽ sàng lọc, phân loại và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, trong đó có quy định rõ ràng về thời gian. Nội dung trả lời được phản hồi đến độc giả, đồng thời đăng tải công khai lên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp.
Hằng tháng, bộ phận giúp việc đều có tổng hợp báo cáo về việc thực hiện trả lời phản ánh của các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có văn bản biểu dương những đơn vị làm tốt, phê bình những đơn vị làm chưa tốt. Ngoài ra, các nội dung trả lời, giải quyết chưa thỏa đáng cũng bị nhắc nhở, chuyển trả lại và yêu cầu phải thực hiện chính xác, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong tổng số hơn 1.000 ý kiến tiếp nhận, có chưa tới 10 ý kiến trả lời trễ hạn để Ủy ban nhân dân tỉnh phải nhắc nhở, phê bình và đa phần rơi vào những nội dung phức tạp, cần nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp kiểm tra, giải quyết nên tốn thời gian. Đến giờ này, việc tiếp nhận và xử lý phản ánh đã đi vào nền nếp, minh chứng là trong những tháng gần đây không còn tình trạng trễ hạn.
Kênh thông tin này đã giúp ích gì cho ông trong trong công tác chỉ đạo, điều hành?
Công việc tiếp nhận phản ánh không chỉ giải quyết thỏa đáng bức xúc của tổ chức, cá nhân mà còn tăng cường trách nhiệm cho cơ sở, giúp anh em làm việc có trách nhiệm hơn, nâng cao ý thức phục vụ người dân. Bên cạnh đó, đây cũng là kênh quan trọng giúp tôi nắm bắt được tâm trạng xã hội, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, bởi bên cạnh những phản ánh những việc làm chưa tốt, tôi còn nhận được nhiều góp ý, hiến kế. Tất cả ý kiến đó đều rất đáng trân trọng và tôi cho đó là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh đề ra những quyết sách phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Tôi cho rằng kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng phấn khởi, được người dân ủng hộ. Trong thời gian tới, tôi sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện quyết liệt hơn nữa, giải quyết nhanh chóng hơn nữa những bức xúc của người dân, để những ý kiến chính đáng được giải quyết đến nơi đến chốn và để người dân cảm nhận được rằng, chính quyền Đồng Tháp thực sự là chính quyền phục vụ. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp |