| Hotline: 0983.970.780

Xử phạt 12 tháng tù, thả tự do ngay cho kẻ chủ mưu phá rừng

Thứ Sáu 26/05/2017 , 19:33 (GMT+7)

Đó là mức án mà Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vừa dành cho bị cáo Trần Hải Dương (con trai của nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm huyện)...

Đó là mức án mà Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vừa dành cho bị cáo Trần Hải Dương (con trai của nguyên Hạt trưởng Kiểm lâm huyện) vào trưa ngày 26/5, người mà được Hội đồng xét xử nhận định là nhiều lần, trong nhiều năm cùng đồng bọn tổ chức phá rừng gây thiệt hại nghiêm trọng.

18-50-20_h4
Ngô Văn Phong lúc bị công an bắt giam về hành vi “Vi phạm các qui định về quản lý rừng” ngày 4/4/2016

Do đây là vụ án phức tạp được dư luận đặc biệt quan tâm do liên quan đến nhiều đối tượng trong và ngoài địa phương, liên quan đến cán bộ, nhân viên quản lý rừng của tỉnh nên sau hơn 1 năm điều tra, truy tố thì mới được đưa ra xét xử trong 3 ngày (22-24/5), mặc dù vụ án đã từng ghi nhận hoãn xử trước đó một lần vào ngày 31/3/2017.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, ngày 15/10/2011, Cty Lâm nghiệp Bình Thuận ký hợp đồng kinh tế số 59/HĐKT với Cty Phước Sang (Lô K, Khu Trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết) cùng hợp tác sản xuất kinh doanh đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp trên diện tích 118 ha, trong đó có 44 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ tại khu vực có tục danh “ Giếng Cọp” thuộc tiểu khu (TK) 279, nằm trên địa bàn thôn 3, xã Hàm Cần thuộc lâm phần do Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam quản lý.

Nhưng từ tháng 9/2012 đến tháng 2/2013, tại khu vực “ Giếng Cọp” nói trên, sau khi Cty Phước Sang có được dự án và đưa công nhân vào san ủi lâm sản, xử lý thực bì trên đất rừng để sản xuất thì Ngô Văn Phong, nguyên PGĐ Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam với tư cách là người phụ trách địa bàn, đã đồng ý cho Trần Hải Dương, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng-Ca Pét (con ông Trần Hữu Hải, nguyên Hạt trưởng kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam-PV) và Lê Văn Tuân tự do vào rừng để khai thác gỗ trái phép. Chỉ trong 6 tháng, Dương và Tuân khai thác 947 cây gỗ rừng tự nhiên, sản lượng lâm sản thiệt hại hơn 70,418m3, trong đó gỗ 59,584m3 có giá trị qui thành tiền hơn 162 triệu đồng.

Đến khoảng đầu năm 2013, Dương tiếp tục xin và được Phong cho khai thác tiếp tại khu vực có tục danh “Tà Nớ” thuộc TK 267 nằm trên địa bàn thôn 1, xã Hàm Cần với số lượng 147 cây, sản lượng lâm sản thiệt hại 22m3, trong đó gỗ 18,616 m3 qui thành tiền 36 triệu đồng. Số gỗ này Dương cũng giao cho Tuân tổ chức khai thác.

Khi khai thác hết lâm sản ở khu vực Tà Nớ, TK 267 thì Trần Hải Dương tiếp tục xin và cũng được Phong đồng ý cũng tại khu vực Tà Nớ nhưng ở TK 279. Kết quả giám định tại đây có 931 cây gỗ bị triệt hạ với sản lượng lâm sản bị thiệt hại 63,8m3, trong đó sản lượng gỗ là 54m3 qui thành tiền hơn 138 triệu đồng.

18-50-20_h2
Cây cao su trồng trái phép trên diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ của dự án Phước Sang đang được công an tỉnh điều tra xử lý sau.

Ngoài ra, Phong còn đồng ý cho Dương và Tuân tổ chức khai thác trái phép trên khu vực có tục danh là “Nà Dệt” và “Đồi Vỹ Sắt” cùng thuộc TK 284 nằm trên địa bàn thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh với tổng số cây gỗ bị chặt hạ là 2.592 cây có sản lượng trên 227 m3 gỗ và củi, tương ứng số tiền thiệt hại là 550 triệu đồng.

Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Thuận cũng như Sở Nông nghiệp & PTNT không cấp giấy phép cưa hạ cây rừng tự nhiên; không có chủ trương san ủi, xử lý thực bì trên diện tích đất còn cây rừng tự nhiên để trồng rừng, nhưng toàn bộ cây rừng tự nhiên trên diện tích 33,16 ha tại các TK 267, 279 và 284 nói trên do Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam quản lý bảo vệ đã bị tổ chức cưa hạ rầm rộ...

18-50-20_h3
Cây gỗ rừng khai thác trái phép tại Bình Thuận

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định Trần Hải Dương là kẻ chủ mưu cùng đồng bọn đã tổ chức phá rừng diễn ra nhiều lần, trong nhiều năm gây hậu quả nghiêm trọng và xử phạt 12 tháng tù giam, trả tự do ngay tại tòa (do thời gian tạm giam đủ với mức xử phạt); còn Tuân là đối tượng trực tiếp khai thác là 7 tháng tù cùng với tội danh: “Vi phạm các qui định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Riêng Ngô Văn Phong do không làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, đã “tự tiện” để cho Dương và Tuân vào rừng khai thác trái phép nên bị xử phạt 3 năm 6 tháng tù giam (trước đó VKS đề nghị mức án lên tới 8-9 năm tù- PV) gồm 2 tội danh là: “Vi phạm các qui định về quản lý rừng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, Tòa còn buộc 3 bị cáo nói trên nộp vào ngân sách gần 500 triệu đồng.

Đại diện VKS phản đối chủ tọa phiên tòa!

Sau khi nghị án 1 ngày, trước khi tuyên án, ông chủ tọa phiên tòa đã bất ngờ kêu bị cáo Ngô Văn Phong trở lại thẩm vấn nhằm xác định lại vai trò trách nhiệm giữ rừng khi Phong còn làm Trưởng trạm bảo vệ rừng rồi lên chức phó Giám đốc. Tuy nhiên, sau khi chủ tọa mời tiếp luật sư bào chữa cho Phong có ý kiến tranh luận thì cũng bất ngờ vị đại diện VKS đứng lên phản đối cắt ngang lời LS đang phát biểu, vì cho rằng nội dung xét hỏi lại của ông chủ tọa là không cần thiết, không phù hợp.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.