| Hotline: 0983.970.780

Xứ Quảng gồng mình chống hạn

Thứ Hai 30/06/2014 , 08:09 (GMT+7)

Nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến nước từ các nguồn sông, suối, ao, hồ tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi cạn kiệt. 

Do đó việc SX và đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, hiện có hàng chục ngàn ha lúa đối mặt thiếu nước nghiêm trọng.

Ruộng khô, hồ kiệt

Hiện mực nước Thạch Nham dưới tràn 6 cm. Lượng nước bình quân các hồ chứa do Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý chỉ đạt 29% dung tích hữu ích; nhiều hồ chứa của địa phương chỉ đạt 5-30%, thậm chí có hồ đã “phơi bụng”. Điều này khiến trên 7.000 ha diện tích lúa, cây hoa màu trong toàn tỉnh bị thiếu nước và đối mặt nguy cơ xâm nhập mặn.

Dù biết sẽ nắng hạn nhưng nông dân thôn Hội Đức, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn không ngờ rằng, cái “khát” năm nay lại đến sớm và khắc nghiệt đến thế. Cuối tháng 6, nước ở ao, hồ (cả mạch nước ngầm) cạn khô hoàn toàn. Thế nên dù đã bỏ công bỏ của đào ao, đóng giếng để cứu lúa nhưng người dân nơi đây vẫn phải nhìn ruộng nứt toác, cây lúa thì ngắc ngoải.

“Chấp nhận sống nhờ vào trời chứ kênh đó (kênh B10 - PV) có dẫn được nước Thạch Nham đâu, nó chỉ dùng để chứa nước mưa thôi”, vừa nói, ông Nguyễn Văn Nga, ngụ thôn Hội Đức vừa hối hả đặt máy, kéo dây bơm số nước mưa ít ỏi đọng lại ở kênh B10 cứu đám lúa 1 sào đang héo quắt vì nắng. Không chỉ ruộng nhà ông Nga, mà hơn 253 ha diện tích sống nhờ nước Thạch Nham thông qua tuyến kênh (cấp 1) B1 hoặc chết khát, hoặc phải bỏ hoang.

Lý do, kênh B1 bị bồi lắng theo kiểu “đầu thấp đuôi cao”, nước vì thế cũng không đến được ruộng đồng Hội Đức. “Tôi thấy các ngành chức năng về kiểm tra, hứa sẽ thông kênh nhưng nhiều năm rồi nó vẫn thế”, ông Nga cho hay.

09-58-00_nh-1
Hồ Đá Chồng, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã ở mực nước chết

Trong khi ruộng khô thì các hồ chứa hiện giờ cũng “khát”. Tại huyện Sơn Tịnh, hồ Đá Chồng (Tịnh Bình), đập Hố Đèo (Tịnh Hiệp) trơ đáy, mực nước chết còn lại cũng đã được người dân tận thu bằng các máy bơm. Điều này kéo theo diện tích ruộng bị bỏ hoang ở huyện Sơn Tịnh lên đến trên 91 ha.

Còn tại huyện Bình Sơn, lượng nước của 49/57 hồ chứa hiện chỉ có 0-25%. Nhận định của ngành nông nghiệp huyện Bình Sơn, trong 10 ngày tới mà không có mưa bổ sung thì diện tích lúa bị hạn không dừng lại ở con số 225 ha. Hiện đã có trên 344 ha lúa bị bỏ hoang..

Vụ HT tỉnh Quảng Nam SX với diện tích 38.996 ha; trong đó, lúa 36.664 ha; màu 2.148 ha và nuôi trồng thủy sản 184 ha. Công tác cấp nước đổ ải, gieo sạ vụ HT cơ bản đảm bảo kế hoạch 99%. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết không mưa, nắng nóng kéo dài nên các địa phương đã triển khai biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến nay khoảng 595 ha, diện tích bị thiếu nước do nắng hạn khoảng 1.279 ha.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam các hồ chứa nước lớn như: Phú Ninh mực nước hồ là +25,79 m thấp hơn năm 2013 2,13m; hồ Khe Tân +17,35m thấp hơn 3,05 m. Ngoài ra, 56 hồ chứa nước có dung tích nhỏ không còn nước để phục vụ tưới HT: hồ Hố Cái, Hóc Hương, Hóc Thầy, Xà Bai (huyện Nông Sơn); hồ Đập Đá không có nước tưới ngay từ đầu vụ hè thu (Phú Ninh)…

Thủy điện góp sức chống hạn

Giữa lúc hạn hán, thiếu nước, một số địa phương chủ động đắp bờ, vét kênh và mua máy bơm chống hạn. Đơn cử như ở xã Bình Minh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) có đập Đá Giăng nhiệm vụ tưới cho 62 ha lúa ở các xứ đồng Đá Giấy, Rộc Gò, Đồng Đình đã kiệt nước.

Trước thực trạng này, UBND xã Bình Minh huy động hàng trăm ngày công của dân dồn bao cát đắp hai bên bờ và nạo vét 2 km lòng kênh. Đồng thời bỏ tiền mua máy bơm đặt tại trạm Sông Sâu. Sự kịp thời này đã giữ được màu xanh cho 62 ha lúa non.

09-58-00_nh-3
Nhiều cánh đồng ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam nứt nẻ

Ông Võ Đức Diên, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Đó chỉ là giải pháp chống hạn tạm thời, về lâu dài mong cấp trên bê tông hóa 2 km kênh mương còn lại để đảm bảo việc dẫn nước”. Còn tại xã Bình Dương (Bình Sơn), chính quyền và người dân cũng đã đắp 110 m đập bổi ngăn sông Trà Bồng (nhánh sông Dâu) để ngăn mặn, giữ ngọt nhằm phục vụ nước SXNN và sinh hoạt cho bà con nơi đây.

Chia sẻ khó khăn với ngành nông nghiệp, Cty CP thủy điện Đăckdrinh cũng đã tiến hành xả nước chống hạn. Từ ngày 31/5, nhà máy thủy điện đã phát điện tổ máy số 1 với lưu lượng nước qua tổ là 25,5 m3/s.

Nhờ vậy mà hàng chục nghìn ha diện tích đất SXNN trong tỉnh đã được giải khát. Ông Nguyễn Mậu Văn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi: “Nếu không có Đăckdrinh xả nước bổ sung cho Thạch Nham thì diện tích bị hạn sẽ không dừng lại ở con số trên 7.000 ha. Lý do là hiện giờ, hồ Nước Trong đã được xả tận đáy để sửa chữa nên nước đến bao nhiêu đi bấy nhiêu”.

Còn ở Quảng Nam, từ đầu vụ HT đến nay, tình hình nguồn nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt và SXNN ở vùng hạ du. Qua tính toán, cân đối nguồn nước các hồ thủy điện, cho thấy: Hồ A Vương đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và SXNN đến cuối vụ HT năm 2014 (khu tưới thuộc huyện Đại Lộc và một phần thuộc huyện Điện Bàn); hồ thủy điện Đăk Mi 4 mực nước hồ 246 m, dung tích hữu ích là 48,5 m3, dòng chảy đến hồ trung bình 17,61 m3/s.

Theo tính toán, cân đối với nguồn nước hiện nay Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết bổ sung nguồn nước cho sông Thu Bồn đến cuối vụ HT. Riêng hồ thủy điện Sông Tranh 2, nếu không có mưa bổ sung thì có khả năng xảy ra thiếu nước và xâm nhập mặn trên sông Thu Bồn vào cuối vụ HT.

Để đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ tưới cho vụ HT 2014, Sở NN-PTNT Quảng Nam đã ban hành Công văn số 1002/SNN&PTNT ngày 17/6/2014 về việc xả nước qua phát điện phục vụ SXNN vụ HT trong tháng 7 và tháng 8.

Ngoài ra, công tác phòng, chống nhiễm mặn đã được Sở NN-PTNT chỉ đạo triển khai thực hiện từ vụ ĐX 2013-2014 và đến nay nguồn nước cơ bản ổn định phục vụ cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt. Tỉnh Quảng Nam đã tiến hành đắp đập ngăn mặn tại cầu Gò Nổi để hỗ trợ nguồn nước cho trạm bơm Xuyên Đông, trạm bơm 2/9, trạm bơm Mỹ An và nhà máy nước thị trấn Nam Phước hoạt động ổn định.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm