| Hotline: 0983.970.780

Xứ Thanh gượng dậy sau lũ

Thứ Tư 19/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Ngay sau khi lũ rút, cả hệ thống chính trị của tỉnh này tập trung huy động nhân lực, vật lực giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Đình Xứng, GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa trao quà hỗ trợ bà con thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh

Sau gần 10 ngày hoành hành tại Thanh Hóa, cơn “đại hồng thủy” đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngay sau khi lũ rút, cả hệ thống chính trị của tỉnh này tập trung huy động nhân lực, vật lực giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Chung lưng đấu cật

Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh Thanh Hóa, lũ lụt đã làm 8 người chết, 9 người bị thương, 133 nhà dân bị sập, cuốn trôi hoàn toàn; hơn 4.000 ngôi nhà bị ngập; gần 20.000 ha lúa và hoa màu chìm trong nước lũ (trong đó có gần 10.000 ha lúa mất trắng); 34 hồ đập nhỏ bị tràn, vỡ. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, ước tính thiệt hại lên đến 637 tỷ đồng.

Sáng ngày 18/9, chúng tôi có mặt tại "vùng 3" của huyện Nông Cống, nơi luôn được xem là “rốn nước” của xứ Thanh. Những cơn mưa xối xả cách đây hơn 1 tuần đã dứt, nhưng những gì còn lại chỉ là một màu vàng quạch của bùn đất. Những cánh đồng thuộc các xã Vạn Thiện, Vạn Hòa, Thăng Long, Thăng Thọ… trước đây chỉ ít ngày vẫn còn màu hoe vàng của lúa sắp chín, nay đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Ao chum, nhà cửa, đồng ruộng giờ hòa chung trong một màu tối bàng bạc…

Vừa mò mẫm trong làn nước đỏ ngầu buộc dựng lại những thân lúa đã dập nẫu trong vô vọng, bà Lê Thị Thanh, thôn 3, xã Vạn Thiện không giấu được sự buồn bã nói: “Cả nhà tui chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng này. Vậy mà lũ về đã nhấn chìm tất cả. Giờ nước rút rồi, tui tranh thủ ra đồng vớt vát lại đôi chút, nếu không mùa giáp hạt năm nay không biết lấy gì mà ăn!”.

Chỉ tính riêng vụ mùa năm nay, toàn xã Vạn Thiện có tới 280 ha lúa đang trong thời kỳ khoe màu chuẩn bị cho thu hoạch thì bị chìm trong mưa lũ. Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho hay: “Mưa lũ đã khiến khoảng 2.000/10.674 ha lúa hè thu đang chuẩn bị cho thu hoạch bị ngập; nhiều tuyến đường liên xã, nhà dân bị chia cắt, cô lập. Sau khi nước lũ rút chúng tôi đã huy động công an, dân quân tự vệ, các đoàn thể tập trung về giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đường sá; đồng thời, vớt vát mùa màng, sớm ổn định cuộc sống”.

Không để dân bị đói

Rời Nông Cống, chúng tôi lên huyện miền núi Lang Chánh, một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. Tới đây, nhìn những cánh đồng lúa chuẩn bị thu hoạch còn bê bết trong lớp bùn non sau lũ. Trên tường những ngôi nhà vẫn còn in hằn dấu vết của cơn lũ vừa đi qua…

Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Lê Minh Hành nói: “Chúng tôi đã trích ngân sách gần 1 tỷ đồng để mua gạo, mì tôm, chiếu, chăn màn, lều bạt hỗ trợ cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà cửa. Đồng thời, mua 2 tấn ngô giống cho bà con SX 100 ha cây vụ đông, chỉ đạo nông dân tập trung ra đồng vớt vát diện tích lúa, hoa màu bị ngập”.

Anh Nguyễn Văn Tam, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh cảm động nói: “Lũ gây thiệt hại nặng nề cho bà con chúng tôi, nhưng cũng may sau khi nước rút chính quyền các cấp đã kịp thời đến động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền!”.

Ông Nguyễn Đình Xứng, GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa:

Đợt lũ vừa qua, ngành nông nghiệp thiệt hại khá lớn; chỉ tính riêng thủy lợi thiệt hại đã lên tới 150 tỷ đồng. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các huyện, xã hàn khẩu các đê bao, đê bối, các tuyến đường bị sạt lở phục vụ đi lại cho bà con. Hướng dẫn nông dân chăm sóc, phục hồi diện tích lúa, hoa màu bị ngập lụt, đối với diện tích lúa đã chín trên 80% chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; thu hoạch đến đâu làm vụ đông đến đó; mở rộng diện tích cây vụ đông để bù đắp thiệt hại.

Để góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn khi cơn lũ đi qua, TS Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã cùng các ngành trực tiếp về tận các địa phương ngập lũ để thị sát các tuyến đê xung yếu và bị vỡ trong đợt lũ vừa qua.

Ông Trịnh Văn Chiến đã giao cho các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với huyện, xã giải quyết kịp thời để sớm ổn định đời sống nhân dân, kiên quyết không để cho dân có một trường hợp nào bị đói. Ngoài ra, đề nghị các sở ngành giúp dân khắc phục hậu quả về môi trường, phòng trừ dịch bệnh, cung cấp vật tư, xử lý nước sinh hoạt... cho bà con.

Đến nay nước lũ ở các địa phương đã rút gần hết, chỉ còn ngập cục bộ ở một số điểm thuộc các huyện Nông Cống, Thọ Xuân. Người dân vùng lũ mong muốn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thời gian tới, hỗ trợ về đời sống, tinh thần cho bà con... Được biết, ngoài nguồn hỗ trợ từ tỉnh, huyện, hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đã đến các địa phương hỗ trợ bà con tiền, lương thực giúp họ sớm vượt qua khó khăn.

Sau khi cơn lũ đi qua, ở đâu chúng tôi cũng thấy những khuôn mặt thất thần, hốc hác. Đã lâu lắm rồi người dân Thanh Hóa mới phải hứng chịu cơn hồng thủy lớn đến như vậy. Nhưng chúng tôi cũng như người dân nơi đây tin rằng cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những tấm lòng hảo tâm của cả nước, người dân vùng lũ xứ Thanh sẽ sớm vượt qua nỗi đau này.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.