| Hotline: 0983.970.780

Xuân đồng bằng

Chủ Nhật 03/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Một năm, dòng chảy thời gian cuồn cuộn. Một năm ĐBSCL đi hết từ lo âu hồi đầu năm đến bừng sáng những ngày kết thúc năm 2009.

Một năm, dòng chảy thời gian cuồn cuộn. Một năm ĐBSCL đi hết từ lo âu hồi đầu năm đến bừng sáng những ngày kết thúc năm 2009.  

Sắc xuân tràn ngập ĐBSCL

Khúc dạo

Ngay từ đầu tháng 12/2009, Bloomberg - hãng tin tài chính (Mỹ) tin cậy hàng đầu thế giới dự đoán, lượng gạo XK của Việt Nam năm 2009 có thể tăng kỷ lục, thêm 20% so với năm trước. Còn theo Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, gạo XK sẽ đạt tới 6,2 triệu tấn và năm 2009 sẽ là “năm kỷ lục” về XK gạo của nước ta. Trong khi đó mùa lúa mới ở ĐBSCL cứ gối tiếp nhau trong niềm hy vọng tràn trề. Lúa gạo hàng hóa ở vựa lúa ĐBSCL sau hồi trầm lắng giữa năm nay đã đảo chiều ngoạn mục. Đỉnh điểm là Festival lúa gạo Việt Nam 2009, lần đầu tiên tổ chức tại Hậu Giang minh chứng cho vị trí bất khả của hạt gạo Việt.

Cách đây hơn một năm, từ cuối 2008 khi người dân đồng bằng bắt đầu thấm thía nỗi lo con cá tra XK rơi vào cơn khủng hoảng thừa, rồi tới món tôm sú ngon lành của Việt Nam từng được các nước giàu ưa chuộng cũng xoay qua mua dè xẻn- hậu quả của vòng xoáy suy thoái kinh tế lan ra nhiều nước. Thế nhưng đang trong “cơn bão”, trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) ông vẫn giữ một niềm tin sắt đá: “Dù thế giới thiếu tiền, nhưng người ta vẫn không thể không ăn cá, tôm Việt Nam. Cứ chờ xem”.

Thật vậy, ở nơi giàu tiềm lực SX lúa gạo, cá tôm, ở xứ sở của những vườn cây ăn trái bạt ngàn, thân phận những mặt hàng nông sản cũng có những lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ vắng chợ. Quả là đến cuối năm 2009, giới XK gạo vui mừng khi thị trường nhộn nhịp trở lại. Khách hàng ra vào ngã giá mua bán dập dìu. Đồng thời càng về cuối năm thị trường tôm sú XK càng bật dậy mạnh mẽ. Giá tôm lên cao ngất ngưởng thôi thúc người nuôi tôm nối vụ, dẫu có thể còn đầy rẫy rủi ro phía trước.

Dấu lặng

Dân làm kinh tế thời thị trường luôn chấp nhận đương đầu. Nhưng với nhà nông, hàng nông thủy sản làm ra gặp buổi trúng giá hay dội chợ không còn là chuyện lạ. Người ta xem đó là những dấu lặng. Nhưng thị trường vận hành lại mở ra cơ hội. Ví như hơn 10 năm qua con cá tra vốn là một trong số sản phẩm “độc nhất vô nhị” ở miền Tây sau một thời gian tăng trưởng nóng, bước sang năm 2009 tưởng chừng lắng lại, nào ngờ giữa khoảng lặng đó, người trong cuộc đã âm thầm xây lại đội hình, tạo dựng nguồn lực. Và thật kinh ngạc, dù rằng trên đường bơi của con cá tra đầy những vụ kiện thưa, kết thúc năm 2009 cá tra vẫn cán đích.

VASEP nhận định: Nhu cầu các sản phẩm cá tra trên thế giới vẫn tăng mạnh. Và lần đầu tiên cá tra đã làm được điều mà 10 năm trước ít ai dám nghĩ là qua mặt con tôm sú. Sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị XK tăng 65 lần. Thị trường ăn cá tra không ngừng mở rộng. Thị trường Đông Âu có sức mua tăng gấp 4 lần, một số nước ở châu Phi nhu cầu tăng 10 lần. Trong lúc đó 6 DN thủy sản Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ công bố không áp thuế chống bán phá giá hoặc có mức thuế rất thấp, gần như bằng 0%. Vận may vẫn mở ra trong hoạn nạn.

Khép lại năm 2009 vượt qua ảnh hưởng khủng hoảng thế giới, đón năm mới 2010 nông dân miền Tây vẫn náo nức niềm tin. Trước triển vọng hồi phục kinh tế thế giới, Bộ Công thương dự báo XK của nước ta năm nay sẽ đạt khoảng 60 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2009. Theo lời Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh: “Trong XK chúng ta có lợi thế về hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản nhiệt đới. Chúng ta phải bám lấy lợi thế cạnh tranh này để phát triển. Có thể trong rất nhiều năm tới, hàng nông sản Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh cao”.

Vùng sáng

Về miền Tây, vùng sông nước mênh mông, đất trời cao rộng. Từ xa xưa cha ông đã mở cõi phương Nam thấm đẫm bao nỗi nhọc nhằn, vượt qua hai đại giang là sông Tiền, sông Hậu tới vùng biển sáng mũi Cà Mau. Hàng trăm năm, giấc mơ bao đời đang trở thành hiện thực. Tuyến huyết mạch quốc lộ 1 sau năm 2000 thông xe cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền, cuối năm 2009 cầu Cần Thơ vượt sông Hậu sau 6 năm chờ đợi đã hợp long để rồi mùa xuân 2010 này sẽ chính thức khánh thành, nối liền một mạch tới miền cực Nam đất nước.

Về đồng bằng giờ đã thuận tiện hơn nhiều. Đường không, đường bộ đã tỏa rộng, thông nối. Trên những công trình thời gian như ghép lại từng ngày, mở rộng thêm 4 làn xe quốc lộ 1 TPHCM – Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh về Cà Mau, mở đường cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận…Tất cả tựa những mạch máu lưu thông, khơi dậy tiềm lực của một trong những vùng đất giàu tiềm lực kinh tế bậc nhất nước ta. Dẫu còn đó nỗi lo biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhưng các chuyên gia kinh tế luôn nhìn về ĐBSCL như một vùng sáng.

Ở đó có những mặt hàng nông thủy sản nổi trội sẽ tạo sức bật mạnh mẽ. Bên cạnh lúa gạo, hàng năm đóng góp 50% sản lượng lúa cả nước và 80% lượng gạo XK, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh trên cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn với hơn 750.000 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2000 và nâng sản lượng nuôi trồng hàng năm trên 1,3 triệu tấn. Riêng nhóm mặt hàng cây ăn trái, Bộ NN- PTNT đã chọn mở rộng diện tích trồng 9 loại trái cây đặc sản như: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, Ri 6, măng cụt, thanh long, vú sữa Lò Rèn, hướng tới năm 2010 có tổng số 79.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt hơn 590.000 tấn. Một dự tính trong tầm tay, giá trị trái cây Việt Nam khả năng sẽ đạt 4.000 tỉ đồng và kim ngạch XK đạt 35 - 40 triệu USD.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất