| Hotline: 0983.970.780

Xuân Lộc - 'vùng đất chết' nở hoa

Thứ Tư 01/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Nếu ai xa Xuân Lộc chừng 10 - 15 năm, giờ trở lại sẽ không thể nhận ra bất cứ điểm nào quen! Vùng đất từng được ví là “túi bom, đạn”, hay “vùng đất chết” này bây giờ có rất nhiều tỷ phú nông dân, nhiều người được mệnh danh là “vua” trong sản xuất.

Đây cũng là nơi được nhiều người từ khắp mọi miền đất nước chọn làm quê hương thứ 2.
 

Xa rồi những ngày gian khó

Ông Nguyễn Minh Nhật, nguyên là Bí thư Huyện uỷ Xuân Lộc (Đồng Nai), người từng dẫn chúng tôi đi suốt cả ngày khắp các xã ở Xuân Lộc cách đây 6 năm, khi gặp lại vẫn hồ hởi, nhiệt tình: “Tôi vẫn gặp bà con thường, nên chú cần thì anh sẵn sàng”. Nghe tôi nói mục đích chuyến đi, ông nói: Đúng là Xuân Lộc phát triển mạnh. Năm 1991, khi tách huyện, Xuân Lộc nghèo lắm…

Bây giờ, sau 28 năm, vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này đã trở thành huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 22 lần so với năm 1991, nhiều trang trại quy mô hàng chục tỷ đồng... Có được điều này, là nhờ nhiều yếu tố. Trong đó lực lượng lao động nhập cư đóng vai trò rất quan trọng.

07-52-48_nh_1
Nguyên Bí thư huyện Ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật (bìa phải) tại cánh đồng ngô của của “vua bắp” Lý Phát Sinh (giữa) ở xã Lang Minh

Theo chân ông Nhật, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Trung, 75 tuổi, ở xã Xuân Thọ. “Đây là “làng” miền Trung. Còn có “làng” miền Tây, miền Bắc nữa”, ông Nhật nói. Sau cái tay bắt mặt mừng, ông Trung kể: Sau giải phóng không bao lâu là gia đình tôi từ quê miền Trung vào nam mưu sinh. Lúc bấy giờ vùng đất này dân cư thưa thớt, mỗi nóc nhà cách xa nhau tới nửa cây số. Cuộc sống đói khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Chỗ ở tạm bợ, đi lại không có đường, tối nhiều khi hết cả dầu thắp sáng, ăn cơm trong bóng tối. Bây giờ nhìn lại quê hương thứ 2 này, không thể tin nổi từng có những ngày khốn khó như vậy”. Hiện nay, 7 người con ông Trung đều thành đạt với công việc giáo viên, kiến trúc sư, kỹ sư hàng không và ngân hàng.

Ông Hồ Quang Bửu, năm nay 79 tuổi, nguyên Bí thư xã Xuân Thọ, kể: “Sau giải phóng, xã này chỉ có chừng hơn trăm nóc nhà “mái tranh vách sậy”. Nếu nói cuộc sống bần cùng cũng không quá. Cũng đúng thôi, lúc đó mới giải phóng xong, cả đất nước đều khó khăn chứ đâu phải riêng vùng này. Mình phải kiến thiết, xây dựng từ con số không lên mà. Nhưng ngoài lo miếng cơm, manh áo, còn lo đối phó với hiểm nguy rình rập ngoài ruộng, ngoài vườn, trên đồi cây vì bom mìn còn vương vãi khắp nơi. Nơi đây là cái túi bom đạn mà. Gần chục năm nay, cuộc sống ở đây phát triển vượt bậc, nhất là khi có chương trình xây dựng NTM. Trước đây, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có một ngày nơi đây lại phát triển đến mức này”.

Cách đây 6 năm, tôi từng đến HTX Xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, thời điểm ấy, HTX mới thành lập, còn vô vàn khó khăn. Nhưng nay, Xoài Suối Lớn đã vươn ra biển lớn, xuất ngoại, có chỗ đứng ở thị trường phát triển như Úc, Nhật.

07-52-48_nh_8
Xuân Phú, một trong 14 xã NTM của huyện Xuân Lộc

Ông Nguyễn Thế Bảo, giám đốc HTX, nhớ lại: “Tôi quê Sa Đéc, Đồng Tháp, về đây năm 1992. Khi đó, khu đồi Suối Lớn rộng mênh mông, nhưng cằn cỗi, đúng nghĩa là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Chỉ có con suối lớn dưới chân đồi cho nước ngọt quanh năm, nếu cải tạo vùng đất này để trồng vườn cây ăn trái có thể cho năng suất cao.

Năm 1995, tôi và mấy anh em quyết định góp vốn mua 10 mẫu đất để lập nghiệp. Sau đó, đưa người thân từ quê lên cùng hùn hạp làm ăn. Thời gian đầu làm ăn khó lắm. Đồi cao, cây cối lại ít, nên mưa làm rửa trôi, đất bạc màu, chỉ còn trơ lại lớp đá sỏi. Mùa nắng, cây trồng khô héo, không phát triển được vì thiếu nước… Chúng tôi bỏ công sức ra làm nhưng liên tiếp hết mùa này đến mùa khác thất bại. Nhiều khi trong nhà không còn gạo, chúng tôi phải chia nhau từng trái bầu, bí để luộc ăn thay cơm”. 

Mặc dù vậy, ông Bảo vẫn quyết tâm chinh phục “vùng đất khó” này. Sự nỗ lực không ngừng cuối cùng cũng thành công với mô hình trồng xoài. Đặc biệt, năm 2005, trong khi cả nước mất mùa xoài thì riêng xoài Suối Lớn vẫn đạt năng suất cao. “Khi làm ăn được, tôi rủ thêm bà con, bạn bè dưới quê lên cùng làm. Làng Đồng Tháp có từ đó”, ông Bảo nói.
 

Vùng đất của những tỷ phú nông dân trẻ

“Xuân Lộc có rất nhiều thanh niên làm giàu từ nông nghiệp. trong đó có những người được mệnh danh là “vua”, như “vua” bắp Lý Phát Sinh ở xã Lang Minh, “vua” tiêu Nguyễn Văn Thắng ở xã Xuân Thọ, “vua” gà Lâm Thanh Đức ở xã Xuân Phú… Còn giàu lên nhờ làm nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật thì nhiều vô kể. Điều đáng nói là họ đều giàu lên từ 2 bàn tay trắng”, ông Nhật cho biết.

07-52-48_nh_2
“Vua” tiêu Nguyễn Văn Thắng, xã Xuân Thọ

Một trong những người từng trải qua nhiều năm tháng bĩ cực, vượt qua nhiều thử thách để thành công nhất khi mới ngoài 20 tuổi, đó là chàng trai Lâm Thanh Đức. Anh là người đi tiên phong trong việc chăn nuôi gà lạnh, khép kín bằng công nghệ hiện đại của Tây Ban Nha và đang rất thành công.

“Tôi từ Bình Dương vào đây lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Ban đầu làm may, làm rất vất vả mà thu nhập chỉ chừng 200 ngàn/tháng. Tình cờ 1 lần xem tivi giới thiệu mô hình nuôi gà công nghiệp chỉ 42 ngày đạt đến 2kg, trong khi gà ta phải nuôi 6 tháng mới được. Tôi thấy hay nên mua 20 con gà giống với giá 10 ngàn đồng/con về nuôi thử. Sau 4 tuần, gà được 2 kg/con, tôi xuất bán, lời được 40 ngàn. Vợ chồng tôi vui lắm, quyết định đầu tư tiếp. Cứ thế, số lượng tăng dần. Đến năm 2003, khi đàn gà đã lên hơn 20 ngàn con thì dịch cúm gia cầm bùng lên. Vợ chồng tôi quay về vạch xuất phát, tưởng như không thể gượng lại nổi sau khi gạt nước mắt tiêu hủy đàn gà”.

Không thể ngồi gặm nhấm nỗi buồn mãi. Đức quyết định cầm cố miếng đất mới mua, bán chiếc xe tải lấy tiền mua heo về nuôi. Nhưng khi đàn heo lên đến hơn 10 ngàn con thì cũng là lúc dịch tai xanh, lở mồm long móng tràn về, lại tiêu huỷ, lại thất bại… “Lúc đó tôi nhìn vợ và 3 đứa con mà lòng quặn đau. Song chính họ đã cho tôi quyết tâm phải làm lại. Tôi quyết định gom sạch gia tài cho canh bạc cuối: Nuôi gà đẻ theo mô hình chuồng lạnh. Và cuối cùng, mọi cố gắng của vợ chồng tôi đã được đền đáp”, Đức nói.

07-52-48_nh_3
“Vua” gà Lâm Thanh Đức, xã Xuân Phú

Chia tay ông chủ trại gà, chúng tôi tiếp tục tìm đến HTX rau sạch Trường An ở xã Xuân Phú. Giám đốc HTX là chàng trai 8X Vũ Đức Sinh, một cử nhân ngành Giáo dục. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, anh Sinh từng làm việc tại Huyện ủy huyện Xuân Lộc và Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai. Tuy nhiên, niềm đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc anh “bỏ phố về vườn” trồng rau.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, tiếp xúc với ruộng đồng từ thơ bé, niềm đam mê nông nghiệp đã thấm vào máu anh từ nhỏ, nên việc anh quyết định về làm ruộng cũng dễ hiểu. Nhưng còn một lý do nữa mà khi gặp anh tôi mới biết, đó là anh “Muốn cho người nghèo được ăn rau sạch”.

Sau khi mô hình đã thành công, được nhiều người tin tưởng đón nhận, nhưng anh Sinh vẫn còn những trăn trở. Đó là làm sao để những người có thu nhập thấp vẫn có thể mua được rau sạch cho con họ ăn hàng ngày? “Có lần có 1 chị nhắn tin cho tôi: “Thấy anh Sinh rao bán rau sạch mà em chỉ có thể like thôi”! Đọc xong tin nhắn ấy, tôi đã liên hệ rồi chạy tìm đến tận nơi giao tặng chị bịch rau 6kg. Cậu bé con 2 tuổi khoanh tay chào và cảm ơn bác Sinh. Bà mẹ cứ rớm rớm nước mắt đứng cửa ngại ngùng và cảm ơn! Đó là điều nho nhỏ đọng lại lớn dần để làm động lực thôi thúc tôi phục vụ rau sạch, dù khó khăn đến mấy tôi cũng sẽ cố gắng”, anh Sinh tâm sự. “Động lực nào khiến anh làm vậy?”, tôi hỏi. “Tôi làm điều này vì hy vọng mai này cũng có nhiều người làm những thực phẩm sạch khác cho con tôi ăn”, anh nói.

07-52-48_nh_4
“Vua” bắp Lý Phát Sinh, xã Lang Minh

07-52-48_nh_7“Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Chiến dịch Xuân Lộc đẫm máu nhất trong toàn bộ các chiến dịch Mùa Xuân 1975. Xuân Lộc được xem là “cánh cửa thép”, tuyến phòng thủ bảo vệ đầu não chính quyền Sài Gòn cũ. 

Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, chính vì vậy, Mỹ ngụy đã tập trung về đây những phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại và lực lượng hùng mạnh nhất nhằm bảo vệ thành trì cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu ngày 9/4 và kết thúc ngày 21/4/1975. Khi “cánh cửa thép” được mở, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta đã thuận lợi hơn rất nhiều”.

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh chỉ huy đánh vào căn cứ Xuân Lộc năm 1975

 

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm