| Hotline: 0983.970.780

Xuân rộn ràng với kỳ tích Phương Nam

Thứ Tư 15/01/2020 , 09:43 (GMT+7)

Đạo diễn Trần Được (Đoàn rối Rồng Phương Nam) chia sẻ với NNVN về chương trình “Kỳ tích Phương Nam” phục vụ khán giả dịp tết Canh Tý…   

Kịch bản “Kỳ tích Phương Nam” hay còn có tên khác là “UMINH SHOW”, của tác giả Lê Quý Dương, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn và Trần Được dàn dựng. Đây là dự án do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP.Hồ Chí Minh đặt hàng, có quy mô và mang dấu ấn đặc biệt nhất từ khi thành lập Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (2013) đến nay.

Những show diễn kịch rối xiếc được khán giả rất yêu thích

Theo đạo diễn Trần Được, vở diễn đang trong quá trình “chạy nước rút” để hoàn thành và kịp ra mắt giới thiệu với khán giả trong nước cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam hiểu hơn về văn hóa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như đời sống của người dân Nam bộ từ khi khai hoang mở đất.

Nét nổi bật trong nội dung kịch bản này, lần đầu tiên có sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại hình nghệ thuật rối nước, rối cạn truyền thống, nghệ thuật xiếc với những tiết mục đặc sắc mang tầm thế giới để cho ra đời một vở diễn kịch xiếc hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khác hẳn với các chương trình nghệ thuật khác của Việt Nam. “Thông qua vở diễn, chúng tôi muốn tôn vinh ba loại hình nghệ thuật chính, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật múa rối nước, múa rối cạn và nghệ thuật xiếc của Việt Nam. Qua đó cũng để ghi nhớ công lao to lớn của những bậc tiền nhân đi khai hoang mở đất để có được vùng đất Nam bộ trù phú như ngày nay…”, đạo diễn Trần Được cho biết.   

Vở diễn được chia thành 7 chương, kể về công cuộc khai khẩn mở đất của các bậc tiền nhân Nam bộ ngay từ những ngày đầu với rất nhiều thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn hiểm nguy rình rập, tác động từ mưa bão, lũ; đối mặt với thú dữ như trăn, rắn, hổ, báo, cá sấu,…nhưng con người đã chiến thắng thiên nhiên và chinh phục được vùng đất hoang để lập ấp. Tiếp đến là công cuộc cải tạo đất đai, đi vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng cuộc sống người dân ổn định.

Đặc biệt hơn, ý nghĩa của những câu chuyện kịch rối, xiếc được dàn dựng là muốn gửi gắm đến khán giả thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau bằng tình thân ái và hướng đến niềm tự hào dân tộc với cuộc sống phồn vinh, hội nhập quốc tế…Vở diễn cũng sẽ được chọn lọc kỹ thuật âm thanh cùng với hiệu ứng ánh sáng hòa quyện phù hợp nhằm tạo hiệu ứng, kỹ xảo tinh tế và hấp dẫn nhất cho khán giả thưởng thức.

Chân dung đạo diễn Trần Được

Đạo diễn Trần Được chia sẻ: “Trong kỹ thuật dàn dựng vở diễn sẽ sử dụng bằng chất liệu dân gian gần gũi với đời sống con người; đồng thời tập trung khai thác các mảng văn hóa đặc thù Nam bộ, như múa sen của vùng Đồng Tháp Mười; hát đờn ca tài tử; múa mâm; hay những hình ảnh rất dễ thương như ông lão chăn vịt, con cò trên cánh đồng Nam bộ, hổ báo, cá sấu rừng U Minh…”

 Không chỉ với “Kỳ tích phương Nam” đang được đầu tư dàn dựng công phu nhất để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế, mới đây, khán giả TP.HCM lần đầu tiên được mơ giấc mơ nàng tiên cá trên sân khấu của Đoàn xiếc Mặt trời đỏ - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Vẫn là câu chuyện nàng tiên cá quen thuộc nhưng dưới bàn tay của đạo diễn trẻ Trần Được, bỗng dưng câu chuyện trở nên mới lạ, hấp dẫn và đặc biệt rất “phiêu”. 

Đội ngũ diễn viên ngày đêm tập luyện để kịp cho các show diễn trong dịp Tết Canh Tý 

Vừa phát huy thế mạnh của nghệ thuật xiếc, Trần Được còn khéo léo sắp trò để kể câu chuyện nàng tiên cá thật huyền diệu. Những trò diễn như đi xe đạp, nhảy dây trên dây cao, đu dây, lắc vòng, lắc đĩa, tung hứng với que lửa, uốn dẻo, trượt patin… không còn là tiết mục riêng lẻ nữa mà đạo diễn Trần Được đã rất tinh tế kết nối dẫn dắt câu chuyện trong những tình huống kịch xiếc một cách trôi chảy, logic, khoa học. Không chỉ được ngắm nhìn nàng tiên cá của kịch xiếc xinh đẹp có giọng hát xiêu lòng mà khiến khán giả còn “phiêu” cùng nàng, với tài uốn dẻo, trượt patin… “Nếu như phim và kịch nói có thể đặc tả hay giải thích bằng lời thoại dễ giúp khán giả hiểu, đồng cảm, thì kịch xiếc, diễn viên phải dùng hành động và hình thể để kể chuyện. Vì vậy tôi cố gắng kết nối, tạo đất cho xiếc được thỏa sức khoe tài trong kịch diễn…”, đạo diễn Trần Được nói.

Sự kết nối dẫn dắt câu chuyện trong những tình huống kịch xiếc một cách trôi chảy, logic, khoa học.

Đạo diễn Trần Được đảm nhận vở kịch xiếc “Giấc mơ nàng tiên cá” của Đoàn xiếc Mặt trời đỏ sau khi hai đạo diễn trước đó… bỏ cuộc. Với anh, vừa mừng mà lại lo vì thách thức đặt ra không nhỏ: Một diễn viên, đạo diễn múa rối như anh lần đầu chạm ngõ xiếc với một vở kịch xiếc khi chịu bao áp lực vì thời gian dàn dựng quá gấp, vỏn vẹn chỉ 2 tuần tập luyện, dựng cảnh trí, may phục trang….

Tuy nhiên, nhưng với khát khao được thử sức, Trần Được đã quyết tâm nhập cuộc bằng tất cả tâm huyết nghề nghiệp của mình. Sau hơn 10 ngày quay quắt với sàn diễn, “Giấc mơ nàng tiên cá” do anh dàn dựng cũng được “trình làng”. Sau mỗi suất diễn anh đều cặm cụi hỏi khán giả, lắng nghe góp ý của đồng nghiệp. Thế nhưng dù vở diễn đã thu hút rất đông khán giả với hàng chục suất diễn liên tục trong dịp Tết Trung thu và được mọi người đánh giá cao nhưng Trần Được chia sẻ anh chưa thực sự hài lòng với vở diễn.

Trong những ngày cuối năm bộn bề công việc, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi về “nghiệp diễn”, anh bồi hồi nhớ lại những ngày chập chững vào nghề: Khi mới tốt nghiệp Khoa kịch của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Trần Được từng có dự định về Đoàn kịch Công an thế nhưng từ một mối duyên tình cờ mà anh đầu quân vào múa rối – Nhà hát múa rối Thăng Long. Ngay sau niềm vui anh phải đối diện với thực tại: Không có giấc mộng diện những bộ trang phục hào hoa để diễn trên sân khấu mà chỉ có những ngày lội dưới dòng nước lạnh khổ luyện điều khiển con rối cùng với đôi bàn tay phỏng nước, đau rát. Nhiều lúc tập không được anh đã bật khóc, thậm chí sau một năm trải nghiệm, anh có ý định bỏ nghề vì thấy quá khổ cực.

Vậy nhưng, khi được thế hệ đi trước động viên khích lệ, anh đã vượt qua được cửa ải ban đầu đầy nhọc nhắn ấy để rồi yêu rối nước lúc nào không hay. Anh say sưa với những vai diễn rối để đến năm 2012, anh “rinh” Huy chương Vàng về khi tham gia biểu diễn vở rối nước “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 3.

Đạo diễn Trần Được dàn dựng các vở rối cạn được đông đảo khán giả đón nhận nồng nhiệt 

Năm 2016, anh đã quyết định Nam tiến khi gặp biến cố gia đình. Rời mảnh đất Thủ đô vào Sài Gòn, anh gia nhập Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam với mong muốn tìm kiếm cơ hội được say đắm cùng múa rối.

Sống ở một vùng đất mới và môi trường mới, đạo diễn trẻ Trần Được đã không ngừng nỗ lực khẳng định mình. Với vai trò diễn viên, anh xuất sắc dành Huy chương vàng khi tham gia biểu diễn vở rối nước “Sông nước Phương Nam”.

Với vai trò đạo diễn, anh được Ban giám đốc đặt niềm tin cũng như các đồng nghiệp trong Đoàn múa rối Rồng Phượng ủng hộ nên đã liên tiếp dàn dựng các vở rối cạn được đông đảo khán giả đón nhận như: “Tiếng hót chim sáo vàng”; “Thánh Gióng”; “Gala Phù Thủy”; chương trình rối nước: “Tinh hoa đất Việt”. Với đạo diễn trẻ Trần Được, không có niềm hạnh phúc nào hơn là được làm những điều mình thích thể tự do “phiêu” cùng nghệ thuật.

Xem thêm
Phút giây để cha và con gái được thành thật với nhau

Hà Nội Sau thành công ngoài mong đợi lần thứ nhất, Cuộc thi viết 'Cha và con gái' lần thứ 2 vừa được Tạp chí Gia đình Việt Nam phát động vào sáng 27/3.

Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Bình luận mới nhất