| Hotline: 0983.970.780

Xuân sớm vùng biên

Thứ Năm 19/01/2012 , 10:30 (GMT+7)

Chúng tôi trở lại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vào những ngày cuối năm khi cái giá rét vẫn còn vương trên từng vạt rừng. Sau những lần bị cô lập dài ngày vì những trận lụt lớn trong năm, cuộc sống dường như đã bình yên nơi vùng đất biên giới giáp với nước bạn Lào này.

                

Chúng tôi trở lại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vào những ngày cuối năm khi cái giá rét vẫn còn vương trên từng vạt rừng. Sau những lần bị cô lập dài ngày vì những trận lụt lớn trong năm, cuộc sống dường như đã bình yên nơi vùng đất biên giới giáp với nước bạn Lào này. Có những con người, những tập thể đang chạy đua với thời gian giúp đồng bào Rục xã Thượng Hóa hướng đến một cái tết cổ truyền ấm áp, an bình.

Hạt lúa ấm lòng dân bản...

Thế là cánh đồng Rục Làn đã cho đồng bào Rục, Sách ở xã Thượng Hóa được hai mùa lúa. Nhờ trồng được lúa nước cùng với gạo 167 thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ; gạo cứu trợ lũ lụt; gạo giúp đỡ từ các nguồn nhân đạo, từ thiện trong nước...nên đồng bào tại ba bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ không thiếu cái ăn, đói cái bụng như trước đây nữa. Là một thung lũng lọt thỏm giữa ba bề là lèn núi cao vời vợi, con đường độc đạo nối vùng Rục với trung tâm xã sau những lần lũ tràn, lũ ngâm nay lổm nhổm đá sỏi, bùn đất. Chạm Hung Trâu, chúng tôi vẫn còn thấy vết tích của vạch nước lũ trên những cột điện, có nơi cao đến 5 mét, mặt đường nhiều nơi bị lũ khoét sâu. Hai trận lũ cuối năm ngoái, đồng bào Rục bị chia cắt thời gian gần hai tháng.

Bà con đồng bào Rục làm phân xanh ủ ruộng

Sau lũ lụt là mùa đông đến. "Mùa đông này đồng bào đã ấm lòng"- Ông Cao Tiến Thuỳnh, Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ tự hào nói với chúng tôi như vậy. Bà Đinh Thị Thược ở bản Yên Hợp đang ngồi bên bếp lửa khi chúng tôi đến thăm. Bà Thược kể: "Lũ lụt chia cắt dài ngày, cái bụng bà con lo lắm nhưng rồi thấy bộ đội biên phòng Đồn 585 đến từng nhà nhắc lên đồn lấy gạo về ăn, bà con yên tâm nhiều". Hồ Đoi, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ trong câu chuyện với tôi liên tục nói đến hai chữ "tiết kiệm": "Đồng bào bây giờ đã biết chắt chiu, trân trọng hạt lúa, hạt gạo rồi. Ngoài việc tham gia trồng lúa tại Rục Làn, dân bản còn làm thêm ngô, thêm sắn trên rẫy phòng khi trái gió trở trời. Tiết kiệm hạt gạo đã giúp bà con ấm cái bụng như trong hai trận lũ vừa qua. Tiết kiệm lương thực cũng giúp đồng bào yên tâm hơn trong mùa đông này".

Câu chuyện nhà Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ đến nay vẫn còn hơn một tấn lúa khiến cho tôi khá ngạc nhiên. Chưa bao giờ đồng bào có nhiều lúa, gạo như vậy. "Thì do gia đình tao biết chăm chút làm ăn, biết tiết kiệm đó mà"- Ông Thuỳnh cười lớn- "Trong bản rất nhiều nhà vẫn còn đầy lúa gạo đó. Tết ni bản làng không lo thiếu cái ăn nữa mô!". 

Thêm chút xuân cho đồng bào

Đứng chân tại vùng đất đồng bào Rục, Sách sinh sống, những năm qua Đồn biên phòng 585- Cà Xèng trở thành điểm tựa chắc chắn cho đồng bào. Cùng với người Rục, người Sách chịu khó khăn, thiếu thốn qua mỗi lần bị lũ lụt chia cắt hàng tháng trời. Trong gian nan, tình quân dân càng thắm thiết keo sơn hơn.

Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn 585 cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho cái tết cổ truyền nơi biên giới sao cho vừa đầm ấm, vui tươi, vừa an toàn, bảo đảm trật tự an ninh biên giới. Theo đó, Đồn 585 đã tiến hành khảo sát tình hình đời sống của dân bản, những hộ dân nào khó khăn thiếu thốn, đồn trực tiếp giúp đỡ hoặc tham mưu cho chính quyền các cấp ở Minh Hóa, để bà con yên tâm đón xuân". "Như những năm, Bộ đội Biên phòng cố gắng làm sao để đồng bào có một cái tết an khang, đầy đủ" - Đại úy Võ Đình Thuần, Đồn phó nghiệp vụ chia sẻ. Ngoài giúp đỡ về vật chất, thì trong ngày tết, Đồn 585 tổ chức thêm các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao với đồng bào tại ba bản. Đêm giao thừa, các già làng, phụ nữ, thanh niên các bản cùng với cán bộ, chiến sỹ tham gia chương trình hái hoa dân chủ tại đồn. Trong đêm giao thừa, ban chỉ huy đồn sẽ tặng bánh chưng và chúc thọ các già làng, trưởng bản. "Nhưng tất cả phải bảo đảm cái ăn hàng ngày cho đồng bào, trước, trong, sau tết và sau này nữa"- Trung tá Trịnh Thanh Bình khẳng định.

Đồn trưởng Bình cùng chúng  tôi ra thăm cánh đồng lúa Rục Làn. Vào thời điểm cuối năm này, cán bộ cùng nhân dân hai bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp đang làm đất, chuẩn bị cho một vụ lúa mới. Trên những cánh rừng kề ruộng lúa Rục Làn chúng tôi thấy rất nhiều người dân bản đang cùng nhau chặt chặt, phát phát. Trung tá Bình giải thích: "Bà con chặt cây bổi để làm phân xanh bón cho đồng ruộng đó. Cái thứ cây này ở đây nhiều vô kể, chỉ cần huy động sức dân thôi là vụ tới có đầy đủ lượng phân xanh cải tạo đồng ruộng. Chắn chắn Rục Làn sẽ tiếp tục cho những mùa bội thu". Thấy chúng tôi, ông Cao Tiến Thuỳnh, Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ buông dao, băm bổ đi vượt qua mấy tảng đá đến chào. “Còn mấy ngày nữa là đón tết rồi. Miềng đang động viên bà con làm gắng thêm ba hôm nữa cho đủ số phân xanh ủ ruộng rồi nghỉ việc đồng để dọn nhà cửa, lên rừng lấy lá gói bánh chưng. Miềng cũng nói bà con ai có thiếu gạo thì đến lấy thóc xay mà ăn. Vụ tới lại trả cho miềng thôi”.

Tạm biệt đồng bào Rục, Sách và Đồn biên phòng 585- Cà Xèng, chúng tôi ngược trở ra con đường đầy sỏi đá... Phía sau thung lũng Ón yên bình với những làn khói nhạt lan trên bầu trời.

                                                                               

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất