| Hotline: 0983.970.780

Xuân về trên xã nông thôn mới Vị Thủy

Thứ Hai 13/01/2020 , 09:05 (GMT+7)

Bộ mặt nông thôn Vị Thủy đã “thay da đổi thịt”, sắc xuân ấm nồng, sức sống mới hiện rõ trên từng ấp, khóm và từng ngôi nhà.

22-21-46_dscn6222
Giao thông thông thoáng, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những ngày cuối năm, về Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi càng cảm nhận rõ những điều này.
 

Phum sóc khởi sắc

Đến ấp 6 (xã Vị Thủy) có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer, đi trên tuyến đường bê tông phẳng lì, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ở đây. Điều mọi người dễ nhận thấy nhất đó là không còn cảnh cây tạp, đường lầy lội mỗi khi trời mưa, cỏ dại um tùm như trước đây, mà thay vào đó là những luống rau xanh tốt, tạo nên một làng quê thanh bình, giàu sức sống.

Chỉ tay về tuyến đường ấp 6, ông Danh Tài, bộc bạch: “Từ khi tuyến đường được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nhiều hộ Khmer xây được nhà tường khang trang, nhiều hộ đã sắm được xe mô tô”.

Về Vị Thủy hôm nay sẽ cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê còn nhiều khó khăn, nhưng nay đang khoác lên mình chiếc áo NTM. Điều ấn tượng trước tiên có lẽ là sự đổi mới hệ thống giao thông nông thôn khi có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng mới.

Ông Danh Hưởng, ở ấp 8, xã Vị Thủy, cho biết: “Trước đây, con lộ trước nhà xuống cấp nên việc đi lại rất khó khăn, thế nhưng nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng nên đi lại thuận tiện, nhất là việc chở nông sản chủ lực là lúa và hoa màu”.

Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận cho biết: Nhiều năm qua nhờ thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ mà kết cấu hạ tầng đường, trường, trạm được xây dựng khang trang theo chuẩn NTM.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Vị Thủy đã xây dựng được trên 10.000m đường. Việc vận động nhân dân hiến đất rất dễ dàng, hầu hết người dân đều hiểu được việc những thuận lợi khi xây dựng tuyến đường nên ai cũng đồng thuận hiến đất mà không cần đến bồi hoàn. Từ đó, bộ mặt giao thông nông thôn khang trang, đồng bộ.

“Cùng với đầu tư lộ giao thông thì sau khi mỗi công trình lộ hoàn thành, chính quyền tiến hành vận động người dân trồng hoa, cây cảnh dọc theo hai bên đường nhằm tạo cảnh quan môi trường. Chính cách làm có lộ trình này mà hiện chạy dọc theo các tuyến lộ giao thông nông thôn xã Vị Thủy sẽ dễ dàng thấy được nhiều loại hoa, được người dân trồng đan xen và đang vào mùa trổ hoa nên trông rất đẹp”, ông Luận nói.
 

Nỗ lực giảm nghèo

Những năm qua, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được Vị Thủy quan tâm. Vị Thủy đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu và đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương; tổ chức tham quan một số mô hình hay, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, thoát nghèo trong và ngoài xã như mô hình nuôi ba ba, trồng nấm rơm, hoa màu…

22-21-46_dscn6226
Chị Danh Thị Cẩm Giang ở ấp 6, xã Vị Thủy là một trong những hộ cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sự đổi thay phum sóc Vị Thủy hôm nay minh chứng cho sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, địa phương thời gian qua. Đây là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Gia đình chị Danh Thị Cẩm Giang ở ấp 6, xã Vị Thủy là một trong những hộ cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ việc bỏ mặc vườn tạp với những nhiều loại cây không đạt hiệu quả kinh tế do không biết chọn cây trồng phù hợp, chị được hướng dẫn mô hình trồng rau màu, trồng ổi trên diện tích 3.000 m2, trở thành hộ Khmer sản xuất giỏi ở địa phương.

Trồng rau màu cho thu hoạch hàng tuần, trồng ổi thu hoạch hàng tháng, với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng nên đời sống gia đình khấm khá hơn.

Năm 2019 đáng nhớ với gia đình anh Danh Trị, ở ấp 8, xã Vị Thủy cũng nhờ chí thú làm ăn nên đã thoát nghèo. Nhà anh Trị có 3 công ruộng, trừ chi phí cũng kiếm được vài triệu đồng/năm, song anh vẫn miệt mài lao động, mỗi ngày đi đặt trúm, cắm câu.

Anh Trị bộc bạch: “Hoàn cảnh khó khăn, nếu mình không chịu làm thì biết đến khi nào mới cải thiện được cuộc sống. Nhờ mình cố gắng làm lụng, có thêm đồng ra, đồng vô hàng ngày, đời sống kinh tế dần cải thiện. Hiện tại vẫn còn khó khăn, nhưng so với trước đây đã đỡ hơn nhiều”.

Ông Trương Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy phấn khởi cho biết: Thời gian qua, Vị Thủy đã triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo là người đồng bào Khmer. Đặc biệt năm 2019, Vị Thủy phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ nhiều hộ Khmer vay vốn phát triển kinh tế.

“Sau 10 năm, đến nay Vị Thủy đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 2,6%, điện, nước sạch sinh hoạt đáp ứng tốt nhu cầu; 100% trường học, Trạm Y tế xã được đầu tư đạt chuẩn quốc gia; trên 87% dân số tham gia bảo hiểm y tế…”, ông Trí nói.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất