| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh chuyện DTLCP ở Hưng Yên: Nhiều người nghi ngờ 'khéo từ cám mà ra'?

Thứ Tư 06/03/2019 , 10:33 (GMT+7)

Những ngày qua, tại các ổ dịch của tỉnh Hưng Yên, người dân vẫn đang hết sức băn khoăn về nguồn gốc lây nhiễm virus DTLCP. Hàng loạt lý do được họ đặt giả thiết do chim trời, do vận chuyển nội tạng qua địa bàn, có người lại nghi ngờ “khéo từ cám mà ra”!

Nghi do cám “đểu”

Để hiểu rõ hơn những nghi ngờ của người dân, PV NNVN đã về lại những ổ dịch tại tỉnh Hưng Yên để tìm hiểu. Hai điểm xuất hiện DTLCP đầu tiên của tỉnh Hưng Yên là tại hộ gia đình anh Dương Văn Vũ, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên và Lê Xuân Tình xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ. Dịch được Cục thú y (Bộ NN-PTNT) công bố vào chiều 19/2.

Lợn chết nằm la liệt tại một hộ dân ở xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chiều 5/3

Tại điểm thứ nhất, gia đình anh Vũ cho biết, khoảng giữa tháng 1/2019, trên đàn lợn 33 con bỗng dưng có hai con bị ốm, bỏ ăn bất thường, có hiện tượng xuất huyết qua đường hậu môn. Nghi ngờ do chất lượng cám, gia đình đã điện báo Cty cung cấp cám. Sau đó, cán bộ kỹ thuật của Cty về kiểm tra, sử dụng một số loại thuốc điều trị nhưng lợn không khỏi bệnh.

Gia đình báo chính quyền địa phương để xử lý. Cơ quan chuyên ngành thú y đã về lấy mẫu phân tích. Tới ngày 1/2, phân tích cho kết quả dương tính với virus DTLCP. Tiếp đến, ngày 17/2, trang trại thứ hai đang nuôi 59 con lợn thịt của gia đình anh Vũ có 3 con lợn phát bệnh với biểu hiện tương tự. Sau khi kiểm tra, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số lợn kể trên.

Anh Vũ cho biết, gia đình mới đầu hệ thống chuồng trại khép kín, bể biogas để nuôi lợn chừng hơn một năm nay. Trong khi đó, theo ông Cao Đăng Trường, cán bộ thú y xã Trung Nghĩa thì, nguồn lây nhiễm dịch bệnh tại địa phương vẫn là một câu hỏi chưa lời đáp. Trang trại của gia đình anh Vũ là khép kín từ nuôi lợn bố mẹ, lợn con và xuất bán lợn thịt, không nhập lợn từ nơi khác về nuôi nên càng khó xác định nguyên nhân.

Theo tìm hiểu, lượng TĂCN gia đình anh Vũ sử dụng chủ yếu là một thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ, có nhà máy sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Tại miền Bắc, thương hiệu này có một nhà máy sản xuất hiện đại ở Hà Nam.

Tiếp đến ổ dịch thứ 2 tại nhà anh Lê Xuân Tình, theo tìm hiểu, trước khi dịch bệnh xảy ra, gia đình anh cũng sử dụng loại cám công nghiệp tương tự trại lợn của anh Dương Văn Vũ. Điều đặc biệt hơn, ngoài nuôi lợn thịt, gia đình anh Tình nổi tiếng khu vực huyện Yên Mỹ với nghề lấy và thụ tinh lợn. Theo một số hộ chăn nuôi tại địa phương, gần như 100% lợn nái đều được phối giống từ đàn lợn đực của anh Tình. Chính vì vậy, nhiều người dân đang cho rằng, bên cạnh việc lây nhiễm tự nhiên, khả năng rất cao là do truyền qua tinh dịch của lợn đực. Bởi theo họ, thống kê cho thấy, lợn nhiễm dịch vừa qua chủ yếu là lợn nái và phải tiêu huỷ cả đàn lợn con theo mẹ.

Khả năng do cám rất thấp!

Anh Lê Văn Hiến, thôn Khoá Nhu 2, xã Yên Hoà, chủ hộ nuôi lợn đồng thời là đại lý TĂCN cũng vừa phải tiêu huỷ cả đàn lợn thịt vì nhiễm dịch. Theo anh Hiến, không riêng nhà anh, mà cả xã, thậm chí nhiều nơi cũng tìm đến nhà anh Tình để lấy tinh lợn. Nói về nghi ngờ dịch bệnh xuất phát từ TĂCN, anh Hiến cho rằng, khả năng xảy ra rất thấp. Vì khi chế biến các loại bột xương làm cám phải trải qua nhiều công đoạn sấy, hấp ở nhiệt độ cao nên virus khó có thể tồn tại. Cũng theo anh Hiến, tại xã Yên Hoà, có khoảng 4 – 5 đại lý giới thiệu cung ứng cho hàng chục hãng cám khác nhau. Chính vì vậy, việc khẳng định một hãng TĂCN nào có mối liên hệ trực tiếp với nguồn gốc phát tán virus là rất khó và thiếu căn cứ.

Anh Lê Văn Hiến ở thôn Khoá Nhu 2, xã Yên Hoà nhận định, nguyên nhân do cám là rất thấp

Nói về điều này, ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hoà cho hay, đúng là thời gian qua cũng có nhiều giả thiết được người dân đặt ra về nguồn gốc dịch bệnh. “Có thể là từ nguồn nước, rồi thì không khí, mà không khéo từ cám mà ra cũng nên. Có thể khâu chế biến không có vấn đề gì, nhưng còn bao bì, con người, xe cộ vận chuyển cám đi khắp nơi thì ai kiểm soát được”, ông Duyệt chia sẻ.

Để thêm phần xác thực, chúng tôi đã trao đổi với PGS.TS Lê Văn Phan, Bộ môn sinh vật – truyền nhiễm (Học viện Nông nghiệp VN) về vấn đề này. PGS.TS Lê Văn Phan cho biết, giới khoa học chưa có bất kỳ một nghiên cứu hay báo cáo nào về vấn đề này. Trên thực tế, đa phần các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nước để chế biến. Tuy nhiên, để ra thành phẩm phải trải qua nhiều bước với nhiệt độ cao. Vì vậy, khả năng sống sót và lây nhiễm của virus DTLCP qua đường TĂCN là rất thấp.

Ở khía cạnh khác, theo PGS.TS Lê Văn Phan, các phương tiện vận chuyển mua cám, thuốc… ra vào các trại có dịch, vùng dịch không được kiểm soát và mang mầm bệnh thông qua phân, nước tiểu bám vào phương tiện cũng sẽ “giúp” dịch bệnh lây lan rất xa và nhanh dù virus không lây lan qua đường không khí.

Ngoài ra, việc thụ tinh cho lợn cũng là một yếu tố cần xem xét. Nếu như một con lợn đực nhiễm virus, có thể lây nhiễm ra hàng loạt đàn lợn nái khác.

Trong khi nguồn gốc phát tán chưa rõ ràng, dịch bệnh tại Hưng Yên tiếp tục có chiều hướng lan rộng

 

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất